Sự cố tại kì thi viên chức giáo dục Hà Nội: Thí sinh tưởng hoãn thi vì lại có công văn hỏa tốc

GD&TĐ - Kì thi tuyển viên chức giáo dục 2019 của Hà Nội lại tiếp tục gặp sự cố khiến các thí sinh phải mất đến 3 tiếng chờ đợi đề thi. Nhiều người mệt mỏi, đói lả và thắc mắc về sự công bằng của kì thi.

Kì thi tuyển viên chức giáo dục 2019 của Hà Nội đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận
Kì thi tuyển viên chức giáo dục 2019 của Hà Nội đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận

Tại hội đồng thi viên chức giáo dục 2019 huyện Hoài Đức, các giáo viên cho biết họ nhận được thông báo kỳ thi vòng 2 diễn ra bắt đầu từ 8h ngày 17/11. Chính vì vậy, nhiều người đã đến hội đồng thi từ 7h hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, mãi đến 9h45 họ mới chính thức thi. Lý do được hội đồng thi đưa ra là do đề thi đến muộn.

Tại hội đồng thi Sóc Sơn, 9h15 giáo viên cũng mới nhận được đề thi. Tại quận Bắc Từ Liêm, phải đến 10 giờ, các thí sinh mới bắt đầu được phát đề. Tương tự, tại hội đồng thi Đan Phượng, 10h20 giáo viên mới làm bài thi. Ngay tại hội đồng thi Ba Đình, quận trung tâm của Thủ đô, giáo viên cũng phải ngồi đợi 3 giờ đồng hồ mới có đề thi.

Một số thí sinh cho biết, theo lý giải của cán bộ coi thi, việc chậm trễ phát đề là do phải chờ đợi đề của Sở GD&ĐT Hà Nội mang đến, do... tắc đường.

Thí sinh Lê Ánh Nguyệt tại Hội đồng thi Ba Đình cho biết: Thời gian ngồi chờ rất lâu đã làm thí sinh căng thẳng hơn, hồi hộp lo âu hơn. Nhiều bạn còn nghĩ rằng không biết kì thi này có diễn ra không hay lại có một công văn hỏa tốc thông báo sẽ hoãn thi, dừng thi.

Theo lịch của UBND quận Ba Đình, buổi thi sáng ngày 17/11 ở trường THCS Phan Chu Trinh bắt đầu từ 8h và kết thúc lúc 11h. Tuy nhiên, các thí sinh đã phải đợi trong phòng thi tới hơn 3 giờ đồng hồ mới bắt đầu làm bài. 13h các thí sinh mới ra khỏi phòng thi.

Nhiều người rất đói vì buổi sáng vào phòng thi sớm đã không kịp ăn sáng. Thậm chí, sau giờ thi, có những giáo viên đang mang bầu phải xuống phòng y tế nằm. Hội đồng thi tuyển có hỗ trợ ăn nhẹ nhưng vì thời gian làm bài dài và gấp rút nên hầu như không có thí sinh nào ra ngoài ăn.

Còn thí sinh Nguyễn Ngọc Linh tại Hội đồng thi Bắc Từ Liêm chia sẻ: Thí sinh đợi từ 7h25 đến 10h mới được thi, mà trong quá trình đợi không được ra ngoài, đi vệ sinh cũng giám thị đưa đi. Vì không biết là thi muộn thế nên xin phép giám thị ra ngoài lấy điện thoại gọi về báo cho gia đình thì không được ra.

Thêm nữa là cấm toàn bộ thí sinh không được mang đồng hồ, mà đồng hồ treo tường cũng không có nên không thể căn được giờ làm bài. Thí sinh làm bài từ 10h đến 13h trong trạng thái đói meo, uể oải, tinh thần chán nản. Hội đồng có mua bánh và sữa nhưng để ngoài hành lang, ai muốn ăn phải ra ngoài.

Nhiều người có giải thích sự chẫm trễ đề thi do... tắc đường. Đây là cách giải thích khó được chấp nhận, không thể tắc đường đến tận 2 tiếng rưỡi. Rất nhiều thí sinh đã tưởng rằng sẽ lại có một công văn hỏa tốc để thông báo sẽ hoãn thi. Nhiều ý kiến phản ánh với PV Báo GD&TĐ: "Thật sự thất vọng với kỳ thi này, từ lúc nộp hồ sơ đến khi thi đều bộc lộ rõ sự thiếu chuyên nghiệp".

Được biết, đề thi vòng 2 kì thi tuyển viên chức giáo dục Hà Nội bao gồm câu hỏi về soạn giáo án 1 bài học cụ thể có trong sách giáo khoa. Ngoài ra, còn đưa ra các tình huống sư phạm xảy ra trong lớp học để giáo viên phải xử lý tình huống đó theo cách của mình. Tất cả đều tiến hành làm bài thi trong 3 tiếng đồng hồ. Riêng khối THCS, giáo viên dạy môn học nào sẽ làm bài thi chuyên môn môn đó như Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ...

Kỳ thi tuyển viên chức năm nay của Hà Nội có 22 quận huyện tổ chức thi tuyển và 8 quận huyện tổ chức xét tuyển. Toàn thành phố cũng có gần 3000 giáo viên hợp đồng nằm trong diện được tuyển dụng đặc cách theo văn bản chỉ đạo mới nhất của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, chỉ trước ngày diễn ra vòng 2 một ngày, UBND TP Hà Nội có 2 văn bản trái ngược nhau: Sáng yêu cầu dừng thi rồi chiều lại yêu cầu vẫn tổ chức thi, khiến các giáo viên hoang mang, lo lắng. Không những thế, công tác tổ chức kì thi không chuyên nghiệp, nhiều cụm thi giáo viên phải chờ đợi quá lâu, cụm thi trước, cụm thi sau, đề thi có cụm giống nhau khiến dư luận băn khoăn, thắc mắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.