Đây là nội dung trong buổi hội thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên Thành phố Hà Nội đến năm 2030” được Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội tổ chức.
Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến khác nhau về bản dự thảo này, nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu Hà Nội có cần phải xây dựng thêm nhiều tượng đài như vậy, trong khi những tượng đài cũ vẫn chưa phát huy được hết ý nghĩa và mục đích ban đầu đưa ra?.
Theo Đề án Quy hoạch của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đề xuất, hiện nay, Hà Nội mới chỉ có 28 tượng đài. Từ nay đến năm 2030, Hà Nội cần xây thêm 35 tượng đài mới, được phân bố đều ở tất cả các quận, huyện. Giai đoạn 2015 - 2020, sẽ ưu tiên xây 11 tượng đài với nguồn vốn 550 tỉ đồng.
Ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn quốc gia - cho rằng: “Tượng đài là biểu tượng của văn hóa, để nhân dân có chỗ vui chơi nên cần thiết phải xây. Hà Nội với trên 3.000 km2 mới chỉ có 28 tượng đài là quá ít, chưa xứng tầm thủ đô, mà lại tập trung nhiều ở nội thành, các huyện ngoại thành không có”.
Trước vấn đề dự thảo đưa ra con số 20 tỉ đồng cho mỗi tượng đài, đại diện Sở VH-TT&DL TP Hà Nội cho biết, đây chỉ là con số định lượng, thành phố đã có phương án để có đủ nguồn vốn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết mỗi thị trấn, mỗi cửa ô của TP Hà Nội phải có một tượng đài, mà cần căn cứ vào lịch sử, không gian, văn hóa.
Ông Nguyễn Chí Giang - Giám đốc BQL dự án XD - Sở VH-TT&DL Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi sẽ căn cứ vào việc quy mô của tượng đài để quyết định, còn nguồn vốn thì nguyên tắc sẽ là vốn nhà nước, nhưng sẽ tuyên truyền xã hội hóa rộng rãi đến người dân, chúng tôi có nhiều công trình đã từng thành công vì nguồn vốn xã hội hóa”.
Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, 50% tượng đài hiện nay đang được đặt ở những vị trí chưa phù hợp về mỹ quan hoặc quy hoạch như Tượng đài Cảm tử quân cạnh hồ Gươm đã được Sở VH-TT&DL Hà Nội tính di dời, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thể thực hiện được bởi đến giờ vẫn không biết nên di dời đi đâu.
Mời quý vị theo dõi video chi tiết: