Trong đó yêu cầu thông báo kịp thời về việc xả lũ hồ chứa cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ở những vùng thấp, trũng, có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở, bãi giữa biết để chủ động phòng tránh, không sử dụng các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn. Quan tâm cảnh báo, chỉ dẫn nguy hiểm (sạt lở, ngập sâu, nước xiết, rắn rết, côn trùng, tường yếu, điện...).
Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến của thiên tai, thông tin kịp thời, đầy đủ đến cán bộ, giáo viên, học sinh về tình hình xả lũ, úng ngập, mưa lớn. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, nhanh chóng, chính xác với cơ quan quản lý cấp trên khi có sự cố.
Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học, Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích các cơ sở giáo dục huy động mọi nguồn lực tại chỗ, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và thực hiện phương án phòng, chống phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị.
Bố trí lực lượng ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra, đặc biệt chú ý đối với những địa bàn thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng, các đơn vị giáo dục đang xây dựng, sửa chữa... để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên; đảm bảo an toàn cơ sở vật chất nhà trường.
Chủ động phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai địa phương, các tổ chức, đoàn thể trong phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả để ổn định các hoạt động dạy, học, tăng cường công tác vệ sinh, môi trường phòng chống dịch bệnh.
Ngày 11/10/2017, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên lưu vực hồ Hòa Bình xảy ra mưa lớn, lưu lượng nước về hồ tăng nhanh.
Vì vậy, hồ Hòa Bình liên tục mở 5 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm các cửa xả trong thời gian tới. Dự báo mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống sẽ lên rất nhanh và đạt mức cao.