Miền Bắc: Thiệt hại nặng nề do mưa lớn

GD&TĐ - Mấy qua, các tỉnh miền Bắc đã phải hứng chịu những trận mưa lớn lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều địa phương đã phải thông báo đến các trường cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong những ngày mưa lũ.

Miền Bắc: Thiệt hại nặng nề do mưa lớn

Học sinh nghỉ học tránh mưa lũ

Tại tỉnh Sơn La: Mưa lũ xảy ra trong 2 ngày (10-11/10) tại tỉnh Sơn La đã làm 11 người chết, mất tích và bị thương, gần 200 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hư hỏng, gần 300ha lúa, ngô bị thiệt hại....

Một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Phù Yên. Hiện Trung tâm thị trấn vẫn bị cô lập. Phòng GD&ĐT cũng đã thông báo đến các trường cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Khẩn trương khắc phục sạt lở đất trên quốc lộ 37, đoạn xã Quang Huy (Phù Yên). Ảnh: báo Sơn La
Khẩn trương khắc phục sạt lở đất trên quốc lộ 37, đoạn xã Quang Huy (Phù Yên). Ảnh: báo Sơn La

Mưa lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho tỉnh Hòa Bình. UBND tỉnh đã phải công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn. Lần đầu tiên sau nhiều năm, hồ thủy điện Hòa Bình đã phải mở tới 8 cửa xả đáy, để đảm bảo an toàn hồ chứa.

Đặc biệt tại khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường huyện Tân Lạc đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiệm trọng, vùi lấp 19 người và 7 nhà sàn. Theo số liệu thống kê ban đầu có 18 người dân đã tử vong.

Ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình - cho biết, có tất cả 4 gia đình, tổng cộng là 19 người bị đất đá từ trên núi sạt lở, vùi lấp.

Được biết, tỉnh Hòa Bình đã phát lệnh cho học sinh nghỉ học do mưa lũ. Theo đó, có khoảng 200.000 học sinh phải nghỉ học. Báo cáo nhanh của một số trường trên địa bàn mưa lũ đã gây thiệt hại làm hư hỏng tường rào, nhiều trường bị ngập úng cục bộ.

Lực lượng tìm kiếm tìm thấy thi thể người bị nạn. Ảnh: Zinh.vn
Lực lượng tìm kiếm tìm thấy thi thể người bị nạn. Ảnh: Zinh.vn

Còn tại tỉnh Yên bái: Tính đến ngày 12/10, đã có 18 người chết và mất tích, 7 người bị thương, hơn 1.200 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ và hư hỏng do mưa lũ. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, mưa lũ cũng đã gây thiệt hại cho trên 1.000 ngôi nhà và nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân, nhiều công trình giao thông trọng yếu đi các huyện phía Tây. Hiện nay, huyện Trạm Tấu vẫn bị cô lập do con đường độc đạo từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện đã sạt lở taluy hàng trăm điểm.

Cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ bị sập 2 nhịp, một cầu treo xã Hát Lừu và một cầu sắt xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu bị cuốn trôi. Quốc lộ 32 tại khu vực đèo Khau Phạ bị sạt lở ta luy làm tắc đường; đường Làng Sang - Ngọc Chiến thuộc địa phận xã Nậm Khắt bị sạt lở hai đoạn gây ách tắc.

Cầu Thia bị sập 2 nhịp cầu và một mố cầu, khiến 4 người mất tích. (Ảnh: báo Yên Bái)
Cầu Thia bị sập 2 nhịp cầu và một mố cầu, khiến 4 người mất tích. (Ảnh: báo Yên Bái)

Phát lệnh di dân khẩn cấp

Từ đêm ngày 11/10, tại Ninh Bình mực nước sông Hoàng Long ở Bến Đế trên mức báo động 3 là 1,5 m, vượt qua đỉnh lũ của năm 2008 và chỉ đứng sau mốc lũ lịch sử của năm 1985. Nước dâng cao tràn qua đê, gây ngập lụt lúa và hoa màu trong đê.

Toàn bộ hơn 600 hộ dân ở thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, bị ngập sâu cả mét. Địa phương này đã bàn đến vấn đề di dân và phân lũ.

Mực nước lũ sông Hoàng Long trưa 12/10, nước đã giảm 4cm, tuy nhiên trời đã bắt đầu mưa trở lại.
Mực nước lũ sông Hoàng Long trưa 12/10, nước đã giảm 4cm, tuy nhiên trời đã bắt đầu mưa trở lại.

Còn tỉnh, Thanh Hóa, mưa lớn đã khiến mực nước sông Bưởi tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) lên 13,5 m, vượt báo động 3 là 1,53 m. Theo dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông Bưởi tại vùng hạ lưu huyện Thạch Thành sẽ đạt 13,8 m, vượt đỉnh lũ lịch sử 10 năm qua.

Nhà chức trách phát lệnh sơ tán khẩn cấp đến hàng nghìn hộ dân. Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành cũng phải di chuyển 218 bệnh nhân đến nơi điều trị an toàn.

Được biết, mưa lũ ở Thanh Hóa đã khiến 12 người chết, 3 người mất tích, 3 người bị thương do mưa lũ. Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Quyền - cho biết, trong các trường hợp tử vong, có một số do chủ quan như đi đánh cá bằng kích điện, cố tình đi qua tràn khi nước lên cao và đang chảy xiết, đi vớt củi trong nước lũ...

Được biết Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã phát lệnh cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong những ngày mưa lũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.