Hà Lan đã chính thức mở màn cho mùa bầu cử ở châu Âu với cuộc bầu cử lập pháp quan trọng, bầu ra 150 nghị sĩ tại Hạ viện từ ứng cử viên của 28 chính đảng tham gia tranh cử. Cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại Hà Lan, cũng như sự bền vững của những giá trị của châu Âu nói chung, trong bối cảnh nước Anh chuẩn bị khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, cử tri Hà Lan đã nói “không” với chủ nghĩa dân túy.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Mark Rutte sẽ giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội, trong khi đảng Vì tự do (PVV) đứng ở vị trí thứ hai cùng với hai đảng khác. Đảng VVD sẽ nắm giữ 31 ghế trong Quốc hội 150 ghế, đảng PVV giành được 19 ghế, bằng với số ghế của hai đảng Lời kêu gọi dân chủ Thiên Chúa giáo (CDA) và đảng Dân chủ 66. Nếu kết quả này được xác nhận, ông Rutte sẽ có cơ hội thành lập liên minh tiếp theo, có thể với đảng CDA và đảng Dân chủ 66.
Với chiến thắng của Thủ tướng Mark Rutte, Hà Lan đã “nói không” với chủ nghĩa dân túy.
Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Rutte tuyên bố: “Đây là buổi tối mà Hà Lan, sau Brexit và cuộc bầu cử Mỹ với việc tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng, đã nói “không”với mô hình chủ nghĩa dân túy sai trái”.
Đáng chú ý, có khoảng 81% cử tri đi bầu, một con số cao hơn nhiều so với các cuộc bầu vào năm 2010 và 2012, chỉ đứng sau mức kỷ lục 88% vào năm 1977. “Đây là thời điểm quyết định để Hà Lan nói không với chủ nghĩa dân túy”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết.
Với 55% số phiếu được kiểm, đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã giành vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan.
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ ông Mark Rutte nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri một phần là nhờ cách thức xử lý căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây. Khi đưa ra lệnh cấm hai Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ diễn thuyết tại Hà Lan, ông Mark Rutte nêu rõ nước này đã vạch ra một giới hạn đỏ và “không ai” được phép vượt qua ranh giới đỏ ấy. Trong các vấn đề với châu Âu, ông Mark Rutte luôn tỏ rõ việc ưu tiên đặt lợi ích của Hà Lan và EU. Hơn nữa, xét về mặt kinh tế, nhà lãnh đạo này cũng đã đưa ra những giải pháp kinh tế hiệu quả giúp Hà Lan thoát ra khỏi khủng hoảng và giữ GDP tăng trưởng hàng năm 2%, một tỷ lệ cao so với chuẩn chung châu Âu. Nếu kết quả cuối cùng được công bố trong một vài ngày tới và ông Mark Rutte giành thắng lợi chung cuộc thì đây sẽ là một tin vui cho EU. Thủ tướng Mark Rutte đã từng tuyên bố ông muốn Hà Lan sẽ là nước đầu tiên chấm dứt trào lưu dân túy sau các sự kiện như Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ với thắng lợi của Tổng thống Donald Trump.
Đã từng có sự ví von rằng nếu cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan là vòng tứ kết để ngăn chặn phe dân túy giành thắng lợi, thì cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tháng 4 tới sẽ là vòng bán kết, còn cuộc bầu cử diễn ra tại Đức vào tháng 9 tới sẽ là chung kết. “Nếu kết quả này được xác nhận thì đây sẽ là một thất bại to lớn đối với đảng dân túy cánh hữu PVV” - Ngoại trưởng Đức Gabriel nhận định.
Tờ Le Monde nhận định rằng, người dân Hà Lan vẫn giữ được sự tỉnh táo để không bị trào lưu dân túy cuốn trôi. Dù trước mắt, Hà Lan vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như khủng hoảng nhập cư, tình trạng thất nghiệp tăng cao, an ninh, tăng trưởng kinh tế... nhưng cái “lắc đầu” với chủ nghĩa dân túy cho thấy người dân Hà Lan nói riêng và EU nói chung vẫn giữ được tiềm tin với EU.
Đồng thuận với Hà Lan
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thông qua trang Twitter cá nhân đã chúc mừng Thủ tướng Hà Lan Rutte giành được “chiến thắng cách biệt” và đánh giá đây là một “cuộc bầu cử cho châu Âu, chống lại các thành phần cực đoan”.
Trong khi đó, cũng trên trang Twitter, người phát ngôn Nghị viện châu Âu Jaume Duch đăng tải thông điệp “Năm 2016 không phải là năm 2017”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận định, cử tri Hà Lan đã dập tắt sự trỗi dậy của phe cực hữu trong cuộc bầu cử tại nước này và cho rằng kết quả trên cũng phản ánh được mong muốn của họ về một “châu Âu mạnh mẽ hơn”.