Bài học cuộc sống từ Vật lý
Bùi Quang Tú, một trong những người được đề cử Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” lần này hiện là sinh viên năm thứ nhất, lớp Cử nhân Tài năng, khoa Vật lý, trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội.
Tú nói, cậu rất có thiện cảm với môn Vật lý từ những ngày còn là học trò lớp 7. Tình yêu với một môn học đến “tự nhiên như cỏ cây mọc trên mặt đất”. Khi bắt đầu tiếp cận môn học, Tú thấy mình có thể lý giải được rất nhiều hiện tượng, sự vật trong cuộc sống qua lăng kính Vật lý. Và điều này làm cậu học trò nhỏ rất thú vị.
Là anh chàng đam mê bóng đá và đá bóng, Tú không hiểu vì sao, khi các cầu thủ chuyền, hoặc sút bóng thì trái bóng có thể đi đường vòng, có thể xoáy rất kỹ thuật và đẹp mắt. Nhưng rồi thì định luật Bảo toàn năng lượng đã lý giải điều này.
Tú học Lý không giống như một học trò học “gạo”. Tú thích suy tư về Vật lý, thích tìm ra những điều hay, thú vị của Vật lý. Một ngày, bất chợt cậu học trò trường Ams phát hiện ra rằng, mọi vật trong tự nhiên đều đi theo một con đường của tự nhiên, không có gì khó khăn để lý giải.
Nó hoàn toàn phù hợp với quy luật “Đường ngắn nhất”. Nôm na như chúng ta có ánh sáng luôn đi theo đường ngắn nhất. Và trong cuộc sống, hãy cứ thuận theo tự nhiên, làm mọi việc một cách đơn giản nhất, chúng ta sẽ có kết quả hoàn hảo. Giải quyết các bài toán của cuộc sống theo cách càng đơn giản thì cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ dễ dàng.
Tú chia sẻ: “Hồi mới học Vật lý, mình thường nghĩ rằng, phải tìm cách ghi nhớ bằng được nhiều công thức phức tạp. Nhưng rồi, càng đọc nhiều sách, càng nghiên cứu sâu, Tú càng hiểu rằng, cái sâu sắc nhất đều đến từ những điều đơn giản”.
Và nếu như với bất cứ môn học nào, khó khăn nào trong cuộc sống, bạn đều tìm ra những điều thú vị hấp dẫn bạn thì rốt cuộc, bạn sẽ nắm trọn nó, vượt qua nó một cách dễ dàng.
Tú kể, những ngày tham dự kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế ở Đan Mạch, Ban Tổ chức thường để cho các thí sinh đi bộ, hòa mình vào thiên nhiên và cảnh sắc của đất nước này: “Những giờ ăn trưa, tụi mình cũng được ăn ngoài trời, trên vỉa hè.
Lúc nào tụi mình cũng có cơ hội để tiếp xúc, trò chuyện và tận hưởng không khí trong lành của đất nước này theo một cách riêng. Dù là một kỳ thi lớn, họ vẫn tổ chức khá đơn giản, không màu mè, khoa trương. Nhưng ấn tượng đọng lại trong lòng thí sinh là rất lớn”.
“Tôi tư duy là tôi tồn tại”
Bùi Quang Tú đặc biệt yêu thích câu nói trên của Descartes: “Mình thích câu nói ấy vì nó kích thích trí não, khiến người ta luôn đặt câu hỏi trước mọi hiện tượng, sự vật, khiến cuộc sống ý nghĩa hơn”.
Tú không phải là anh chàng “kính cận”, cậu vẫn dành khá nhiều thời gian cho đá bóng, chơi game và thổi harmonica: “Là dân chuyên Lý nhưng thỉnh thoảng, lúc rảnh rỗi, mình thích lập trình”.
Ước mơ của Bùi Quang Tú là được đi đến cùng với môn Vật lý, dù rằng, giờ đây, có khi người ta phải tìm “đỏ mắt” may ra mới thấy một người trẻ nói rằng sẽ quyết tâm theo đuổi các ngành khoa học cơ bản.
“Cuộc sống mà thiếu những ước mơ hay không rõ mục tiêu để hướng tới thì thật vô nghĩa. Mong rằng, mình sẽ trở thành một người nghiên cứu về Vật lý hoặc một thầy giáo đứng trên bục giảng để truyền lại tình yêu với môn học của mình cho học trò″, Tú chia sẻ.