Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), công tác bồi dưỡng, tập huấn được địa phương, trường sư phạm tổ chức bài bản, giúp GV hiểu rõ chương trình tổng thể cũng như môn học.
Vai trò quan trọng
- Thưa GS, việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên phổ thông (GVPT) cốt cán được nhà trường triển khai như thế nào?
- HCMUE phụ trách địa bàn 19 tỉnh thành khu vực phía Nam từ Cà Mau đến Bình Phước trong việc tập huấn – bồi dưỡng GVPT cốt cán qua các module tập huấn trong một kế hoạch tổng thể. Với sự kết nối và hợp tác, đồng hành tích cực của các sở GD&ĐT, có thể khẳng định những kết quả trong thời gian qua rất khả quan.
Việc tập huấn, bồi dưỡng GVPT cốt cán được tiến hành đến module 3 ở đội ngũ GV trung học gồm THCS và THPT. Theo kế hoạch, công tác bồi dưỡng cho đội ngũ GV cốt cán cấp tiểu học được tiến hành vào tháng 11/2020. Với lộ trình này, công tác bồi dưỡng sẽ tiến hành có hệ thống trong 9 module bao gồm 5 module bắt buộc và 4 module tự chọn.
Cũng cần phân tích dựa trên mô thức bồi dưỡng để thấy rằng sau khi GVPT cốt cán được chứng nhận đạt, với các khóa học trực tuyến cùng với các ngữ liệu trên hệ thống sẽ tổ chức cho GVPT đại trà học tập.
Với vai trò là người hướng dẫn đồng nghiệp, GVPT cốt cán sẽ thực hiện trách nhiệm của mình song song với sự tư vấn của giảng viên sư phạm chủ chốt. Người đánh giá kết quả tập huấn sẽ là giảng viên sư phạm để bảo đảm các yêu cầu về chất lượng.
- Công việc này có ý nghĩa như thế nào trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, thưa ông?
- Tập huấn, bồi dưỡng GVPT cốt cán có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa sâu sắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018). Gần 7.500 GVPT ở 19 tỉnh, thành do HCMUE phụ trách là những nhân sự quan trọng không chỉ làm công tác thực hành mà chính họ trở thành “cánh tay nối dài” của các giảng viên chủ chốt. Hơn nữa, với vai trò hướng dẫn đồng nghiệp, tôi xin được phép gọi đây những giảng viên thỉnh giảng danh dự của nhà trường.
Lựa chọn kỹ càng
- Việc chọn lựa GVPT cốt cán dựa trên những tiêu chí nào?
- Đây là các thầy cô đã đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức tốt, có kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng, chia sẻ hướng dẫn đồng nghiệp. Các thầy cô phải có tinh thần, thái độ sẵn sàng tham gia phát triển tài liệu cũng như sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp. Từ những tiêu chuẩn như vậy, các địa phương, sở, phòng GD&ĐT sẽ đối chiếu theo chuẩn nghề nghiệp cũng để lựa chọn thầy cô là GV cốt cán hoặc hiệu trưởng cốt cán để giới thiệu cho Bộ GD&ĐT.
Một điểm cần lưu ý, GV cốt cán được các sở GD&ĐT chọn lựa là người có nền tảng về chuyên môn, có khả năng tiếp cận các vấn đề đổi mới giáo dục, nhất là chương trình giáo dục. Song song đó, khả năng tái bồi dưỡng hay bồi dưỡng lại và hỗ trợ đồng nghiệp cũng rất quan trọng. Chính các thầy cô cốt cán hàng năm sẽ được bồi dưỡng trực tiếp và không ngừng hoàn thiện.
Đồng thời với quá trình này, chúng ta vẫn có thể bổ sung GV cốt cán. Đây chính là cái nhìn động để phát triển đổi ngũ kế cận khi cần thiết. Vì vậy, quá trình ghi nhận, xem xét đánh giá GV cốt cán sẽ được thực hiện thường xuyên chứ không phải đánh giá 1 lần. Với quan niệm này, có thể khẳng định giáo viên cốt cán sẽ phát triển và thể hiện vai trò, ảnh hưởng của mình.
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng của các lớp tập huấn, bồi dưỡng GVPT cốt cán vừa qua?
- Việc tự đánh giá rất khó. Do đó, tôi xin phép được trả lời bằng kết quả phản hồi của các giáo viên cốt cán. Với kết quả đạt được của giáo viên cốt cán từ 95% - 99% ở các tỉnh thành, tôi cho rằng đây là kết quả rất tích cực. Tuy vậy, kết hợp với kết quả đánh giá từ giám sát nội bộ, Tổ giám sát của Bộ GD&ĐT, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia của ETEP…, chúng tôi cho rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Các tồn tại vẫn còn như: Chất lượng của kịch bản sư phạm trực tiếp; sự kết nối và tương tác giữa kịch bản sư phạm trực tuyến và trực tiếp; tính định hướng và chuẩn bị chuyển giao, hỗ trợ đồng nghiệp không chỉ chuẩn bị về mặt kỹ năng mà còn cả tâm thế, các kỹ thuật chỉnh sửa, đánh giá… Tất cả đều là những thách thức và hạn chế chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện.
- Để đạt mục đích cuối cùng là thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018, theo ông vấn đề then chốt nằm ở đâu?
- Vấn đề then chốt của công tác đào tạo bồi dưỡng là khả năng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Vì thế, xét cho cùng đó chính là khả năng triển khai, thực hiện chương trình trên bình diện thực hành. Cho nên, khó có thể đánh giá một cách nhanh chóng hiệu quả tác động của công tác nếu chưa nhìn sâu sắc và hệ thống các module bồi dưỡng.
Đơn cử, module về chương trình không vững vàng, rất khó để làm chủ module về phương pháp – kỹ thuật dạy học hay đánh giá (module 2 và 3). Nhưng điểm rơi quan trọng lại là module 4 về xây dựng kế hoạch bài giảng. Nói thế để thấy rằng từng module có hiệu quả, yêu cầu cần đạt riêng cùng kết nối, ảnh hưởng đến vấn đề triển khai, thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018. Vấn đề này cần có thời gian và hành trình đủ dài để đánh giá, nhìn nhận.
- Xin cảm ơn ông!