GS.TS Hoàng Chí Bảo - Bài học sâu sắc về coi trọng đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, chủ trương bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay còn nguyên ý nghĩa thời sự và có thể vận dụng sáng tạo vào các hoạt động đổi mới nền giáo dục nước ta hiện nay, để đạt đến mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa.

GS.TS Hoàng Chí Bảo.
GS.TS Hoàng Chí Bảo.

GS Hoàng Chí Bảo cho biết: Chúng ta đã không chỉ xóa căn bản nạn mù chữ mà còn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS. Những vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, không chỉ dạy tiếng phổ thông và còn gây dựng và phát triển tiếng dân tộc. Đó là thành tựu to lớn chúng ta đạt được suốt thời gian qua. Phong trào Bình dân học vụ đã cho ta thấy tầm quan trọng của giáo dục, tri thức, của việc toàn dân phải biết chữ, biết viết, biết đọc, đó là tiền đề để có thể mở mang học vấn, tri thức hiện đại ở các trình độ khác nhau về sau. 

Ý nghĩa tiếp theo vô cùng quan trọng của phong trào Bình dân học vụ là Bác Hồ đặc biệt coi trọng đội ngũ giáo viên. Bác coi những chiến sĩ tham gia diệt dốt cũng là yêu nước; chiến sĩ bình dân học vụ đang hoạt động trong 1 lĩnh vực khó khăn, phức tạp, hy sinh cống hiến thầm lặng, Bác gọi là anh hùng vô danh. Nghiên cứu các tác phẩm của Bác Hồ trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập, chúng ta rất xúc động khi Bác có biết bao lần gửi thư cho hội nghị bình dân học vụ, để tổng kết, sơ kết kinh nghiệm; động viên các chiến sĩ bình dân học vụ - chính là đội ngũ giáo viên. “Sự động viên, việc làm thiết thực của Bác gợi mở bài học kinh nghiệm là phải xây dựng thành một phong trào quần chúng, xã hội hóa sâu rộng chủ trương này, để đạt đến nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong sự phát triển của đất nước Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” – GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

Ví dụ về vấn đề này, GS Hoàng Chí Bảo kể lại câu chuyện ngày đầu xây dựng chính thể, cần nhiều nhân tài xây dựng đất nước, Bác Hồ cho mời một vị trí thức còn rất trẻ tuổi, nhưng đã giành học vị cao ở Pháp – Tiến sĩ Luật học - đó là luật sư Hồ Đắc Điềm. Bác nói: Bác biết chú là người nhiều chữ, theo Bác, chú nên san sẻ bớt cho người ít chữ. Cảm động vì câu nói đó, vị trí thức trẻ đã dành cả đời làm công việc dạy chữ cho dân, bổ túc văn hóa cho dân. 

“Câu chuyện này rất ý nghĩa khi chúng ta nhắc lại lịch sử Bình dân học vụ và vận dụng vào sự nghiệp giáo dục hiện nay. Đội ngũ giáo viên rất quan trọng. Chúng ta không chỉ chú trọng đội ngũ giáo viên phổ thông các cấp, đại học mà phải xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên ở các trung tâm hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên, tức vừa học vừa làm; vừa dạy tri thức phổ thông, vừa đào tạo nghề nghiệp, để mỗi một người dân Việt Nam đều có cơ hội phát triển” – GS Hoàng Chí Bảo nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ