Ngày 22/11/2014, hơn một năm sau ngày mất của GS Hoàng Như Mai, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến; Hội nghiên cứu & Giảng dạy Văn học TPHCM đồng tổ chức Hội thảo “GS Hoàng Như Mai – cuộc đời và sự nghiệp”.
Rất nhiều bài viết, hình ảnh, tư liệu quý giá đã được gửi đến Hội thảo. Báo GD&TĐ xin lược ghi những tư liệu quý hiếm nhất của Hội thảo này.
Có một nghệ sĩ tài hoa Hoàng Như Mai
Trong một lần trả lời báo chí, GS Hoàng Như Mai hồi tưởng: “... Tôi rất thích kịch và quen biết với nhiều nghệ sĩ cải lương. Từ năm 1940, tôi chơi thân với Sĩ Tiến là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng (sau này là Nghệ sĩ Nhân dân Sĩ Tiến).
Năm 1946, Sĩ Tiến rủ tôi vào Nam, thành lập đoàn kịch Độc Lập tuyên truyền chống Pháp. Đến Huế, bỗng có lệnh bắt “Việt gian” Đào Mộng Long (diễn viên chính đoàn kịch Độc Lập). Anh Long tự ra nộp mình... Tôi liền nhận đóng thay các vai của Đào Mộng Long, dù tôi chưa một lần lên sân khấu...
Do bắt nhầm, anh Long được thả và anh lấy vé xem chúng tôi diễn ở Huế. Đêm diễn kết thúc, anh bảo với tôi: “Ông đóng hơn mình đấy. Ông to con, giọng ông lớn, sang sảng, đóng hợp hơn mình!”.
Rồi anh Long đề nghị tôi tiếp tục diễn, còn anh thì đóng vai khác. Thế là tự nhiên tôi thành một diễn viên. Tôi lên sân khấu một cách tài tử như thế.
Nhớ về thầy cô kính yêu, PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học & Ngôn ngữ (ĐH Khoa học Xã Hội & Nhân văn TPHCM) nhấn mạnh: “GS là một trí thức đa tài, từng thử bút ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc.
Về kịch, ông là tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng như: Tiếng trống Hà Hồi (1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982)...
Về thơ, ông có tập Trao cho nhau cuộc đời (1993). Về nghiên cứu sân khấu, ông có: Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1968), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986). Về nghiên cứu văn học, ông là người đầu tiên biên soạn giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại (1945 - 1960)...”.
GS Nguyễn Lộc – Một học trò, sau là đồng nghiệp thân thiết lâu năm của GS Hoàng Như Mai - cho biết: “... Thời còn trẻ, Thầy Mai hăng hái viết kịch và đóng kịch. Khi chuyển sang công tác giáo dục, Thầy viết các công trình nghiên cứu.
Khi bộc bạch tâm sự Thầy làm thơ. Khi cần phát biểu với đông đào quần chúng về những vấn đề chính trị, xã hội, văn học, Thầy viết báo nói chuyện.
Hàng trăm buổi nói chuyện trước công chúng của Thầy, chủ yếu về những vấn đề văn học luôn diễn ra rất sôi nổi. thầy còn có gần 1.000 bài báo đăng trên các báo, tạp chí, đọc trên đài phát thanh truyền hình trung ương và thành phố... Vượt lên tất cả chính là cái tình của thầy...”.
Tình cờ làm thầy giáo & 70 năm hiến dâng cho Sự nghiệp trồng người
“ ...Tôi dạy học cũng là một sự ngẫu nhiên. – GS Hoàng Như Mai hồi tưởng - Năm 1944, sau khi khỏi bệnh, bạn bè rủ tôi rời Chí Linh về dạy học trường tư ở Hải Dương.
Do trường này (tư thục Đông Hải) thiếu giáo viên dạy Văn học Việt Nam và Văn học Pháp, nên tôi được mời thế chỗ một cách hết sức tình cờ...”.
Năm 29 tuổi (1948), do thiếu Hiệu trưởng, thầy Mai được Tổng bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình “mượn” làm Hiệu trưởng trường trung học chuyên khoa Phan Thanh.
Năm 1958, đang làm Hiệu trưởng trường Sư phạm trung cấp trung ương, thầy Hoàng Như Mai được GS Nguyễn Lương Ngọc mời về dạy ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Lúc này, 4 GS trụ cột của ĐH Tổng hợp Hà Nội không còn được lên lớp, trường thiếu giảng viên Văn học Việt Nam hiện đại (trước đó do GSTrương Tửu phụ trách) và GS Hoàng Như Mai thế chỗ GS Trương Tửu cũng là sự tình cờ.
Sau này, GS Hoàng Như Mai kể lại tại lễ kỷ niệm 30 năm Khoa Ngữ văn – ĐH Tổng hợp Hà Nội (1956 – 1986): “Tôi được các anh giao cho viết cái giáo trình. Hai năm không được chữ nào.
Còn hai tháng nữa cũng chả được chữ nào. Đúng hai tuần nữa, lo quá. Có cậu sinh viên cũ ghé rủ đi ăn thịt chó. Tôi đánh một bụng no căng. Về ngồi vào bàn. Mười ngày. Xong.
Tôi nghĩ mãi tại sao lại vậy. Sau mới nghiệm ra là, để viết được giáo trình, phải có tí chất... cầy trong người các anh ạ. Thế đấy!”.
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi – Cựu học sinh của GS Hoàng Như Mai ở Khu học xá Trung ương Nam Ninh – Trung Quốc (1953 – 1956) bồi hồi: “...Thầy đã sống và làm việc theo cốt cách của kẻ sĩ: không tham danh vọng, tiền tài, bình thản trước mọi quyền uy và cám dỗ. Những năm học với Thầy, tôi như uống từng lời Thầy giảng. Sự truyền cảm bắt đầu từ sự rung động của Thầy trước tác phẩm và lòng nhân ái sâu sắc...”.
Từng là học trò của thầy Mai ở ĐH Tổng hợp Hà Nội (1963 – 1967), nguyên Vụ trưởng – Văn phòng Quốc hội Nguyễn Huy Thông vẫn như nghe đâu đây hình ảnh GS Hoàng Như Mai: “...Những giờ lên lớp của Thầy thường để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc, không sao có thể quên được.
Trời đã phú cho Thầy một giọng nói rất ấn và ngân vang, đầy sức truyền cảm như Thầy từng nhận xét: “Tôi nói hay hơn viết”. Thầy giảng các chuyên đề về văn học Việt Nam hiện đại, đề cập một cách tự nhiên, trực tiếp một số vấn đề gai góc, đã từng tốn không ít giấy mực và thời gian để tranh luận. Chúng tôi cảm thấy Thầy như một người trong cuộc...
Thầy nắm chắc vấn đề, thuộc lòng, làm chủ bài giảng, kể cả những đoạn thơ văn trích dẫn. Hầu như Thầy chẳng phải nhìn vào giáo trình và những tư liệu, sổ tay chuẩn bị mà Thầy mang theo...
Năm 2003, Thầy viết thư cho tôi, trong đó có đoạn: “Những tình cảm thân thương, hồn nhiên ấy khiến cho tôi quên cả tuổi già, muốn được làm thầy giáo mãi mãi... Tác phẩm của tôi là học trò...”.
Với Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (bị liệt cả 2 tay) thì GS Hoàng Như Mai là người cha thứ hai của ông. Trong tự truyện của mình, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký tâm sự: “GS Hoàng Như Mai không chỉ quan tâm, lo lắng, theo sát nâng đỡ từng bước đi của tôi trong suốt 4 năm học ĐH, mà còn trong suốt những năm sau khi tôi đã ra trường...
Thầy đã về dự lễ cưới của tôi, rồi cũng chính Thầy trực tiếp trân trọng chuyển tới vợ chồng tôi bức thu tay vô giá và món quà tặng ân tình của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi mừng. Khi đã chuyển vào Sài Gòn công tác, Thầy vẫn thường xuyên thăm hỏi Tôi ở quê nghèo Nam Định...
Thầy đã viết bài Một học sinh có chí giới thiệu về tôi trên báo Sài Gòn Giải Phóng, động viên tôi vào TPHCM... Thầy hết lòng chạy ngược xuôi, giúp tôi và cả gia đình tôi vào TPHCM sống và làm việc ổn định. Đầu tháng 7/2013,, tôi thăm và nhờ Thầy viết lời giới thiệu cuốn sách Tôi học đại học. Dù sức đã yếu Thầy vẫn vui vẻ nhận lời... Nếu không có GS Hoàng Như Mai thì sẽ không có Nguyễn Ngọc Ký của ngày hôm nay”.
“Sống giản đơn và chết giản đơn”
Nguyên văn bốn câu thơ của GS Hoàng Như Mai viết khi nhớ đến hai người bạn quá cố 40 năm trước là: “Chúng ta trí thức đi theo Đảng / Nào có khi nào tính thiệt hơn / Việc làm ngay thẳng lòng trong sáng / Sống giản đơn và chết giản đơn”. Có thể coi đây cũng là lý tưởng và nhân cách cao thượng của GS Hoàng Như Mai.
Ít ai ngờ “cây đại thụ” của làng văn chương Việt Nam, GS Mai thời trẻ chưa từng tốt nghiệp đại học. Đỗ tú tài năm 1939 (20 tuổi), chàng sinh viên Hoàng Như Mai vào học Cao đẳng Y khoa Đông Dương.
Học 1 năm không thích ngành Y, cậu Mai chuyển sang học Cao đẳng Luật khoa, được 2 năm, bị bệnh phải nghỉ học... Ông bị bệnh nặng vì ghiền đọc sách. Hoàng Như Mai nghiền ngẫm cả vạn trang sách đủ loại từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Thư viện trường Viễn Đông bác cổ không đủ sách đọc, ông ăn ngủ ngày đêm với Thư viện Quốc gia...
Sau này, GS Hoàng Như Mai cho biết: “Sinh viên bây giờ phung phí thời gian quá. Thời tôi đi học, tôi học và đọc rất nhiều. Những kiến thức hiện nay tôi sử dụng, phần lớn là những kiến thức cơ bản tôi học và đọc từ xưa...
Anh em nói tôi giảng Văn làm sinh viên say mê, ấy bởi ví chính tôi phải say mê trước! Mình có thực sự say mê mới có thể khiến người khác say mê được...
Thầy giáo dạy Văn phải là người nghệ sĩ trên bục giảng. Thế nên, sau mỗi bài giảng, tôi còn bồi hồi cả giờ đồng hồ, có khi cả mấy ngày chưa nguôi nỗi niềm với nhà văn, tác phẩm, nhân vật...”.
Năm 1996, lúc đã 79 tuổi, GS Hoàng Như Mai vẫn nhận lời làm hiệu trưởng sáng lập trường trung học tư thục Trương Vĩnh Ký (TPHCM). Trước đó, dù đã nghỉ hưu, GS Hoàng Như Mai vẫn tham gia sáng lập và làm Chủ tịch Hội Nghiên cứu & Giảng dạy Văn học TPHCM suốt 5 nhiệm kỳ (từ 1988 đến lúc mất năm 2013).
PGS TS Nguyễn Việt Ngoạn – Thành viên Hội Nghiên cứu & Giảng dạy Văn học TPHCM, Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn - khái quát: “Cùng với tài năng và đức độ của GS Hoàng Như Mai, Hội đã xây dựng một tủ sách văn học phong phú, bài bản nhằm phổ biến các tác phẩm giá trị.
Hằng năm, Hội đều ấn hành cuốn Niêm giám Văn học rất chất lượng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo trí thức khắp cả nước.
Ngay từ đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ XX, năm bắt kịp thời yêu cầu đổi mới việc dạy văn – học văn, GS Mai đã cùng hội chủ trì biên soạn bộ sách giáo khoa Văn học dúng cho các trường THPT. Hội cũng đã phối hợp để tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia và địa phương...”.
Trong niềm tôn kính khôn nguôi, GS Đỗ Bình Trị (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên – Bộ GD&ĐT) nhận định về GS Hoàng Như Mai: “Thầy là một nhà giáo chân chính, một nhà sư phạm mẫu mực, một nghệ sĩ tài hoa, lãng mạn, tinh tế, một nhà quản lý lấy nhân tâm thu phục lòng người. Nghệ sĩ mà nghiêm túc, nghiêm túc mà hiền hậu, hiền hậu mà thâm trầm, thâm trầm mà cởi mở, lịch lãm”.
Để tạm kết bài viết, chúng tôi xin trích bài thơ tự sự của GS Hoàng Như Mai thay cho lời kết: “Cuộc đời vinh nhục vui buồn / Sắc – không, không – sắc, há còn vấn vương / Bao giờ đến lúc lên đường / Thì như một chiếc lá vàng thu bay”.