Gọt tỉa sự cô độc để hạt lúa nảy mầm

GD&TĐ - 'Khải huyền' là triển lãm cá nhân lần thứ 2 trong suốt 35 làm nghề của điêu khắc gia Bùi Hải Sơn.

Giả lập sắp đặt - Âm dương.
Giả lập sắp đặt - Âm dương.

Lấy cảm hứng từ hạt lúa sông Mê Kông, nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn đã phải mất gần 30 năm “gọt tỉa” sự cô độc để chúng sinh sôi ra những hạt lúa khác qua triển lãm “Khải huyền”.

“Khải huyền” là triển lãm cá nhân lần thứ 2 trong suốt 35 làm nghề của điêu khắc gia Bùi Hải Sơn. Triển lãm khai mạc chiều ngày 6/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM với 9 tác phẩm - sắp đặt ý niệm và ánh sáng.

Dành cả đời cho một triển lãm

Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn.

Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn.

Ở tuổi 70 với hơn 35 năm trong nghề, Bùi Hải Sơn ít khi nào ngừng nghỉ tìm tòi và sáng tạo, điều này làm cho ông trở thành một trong vài điêu khắc gia tiêu biểu của Việt Nam ở thế hệ mới.

Hơn 35 năm làm nghề, Bùi Hải Sơn có gần 30 triển lãm nhóm, hơn 10 trại điêu khắc trong nước và quốc tế. Nhưng “Khải huyền” mới là triển lãm cá nhân lần thứ 2, chứng tỏ sự cẩn trọng và chỉn chu của Bùi Hải Sơn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận định: Năm 1995, Bùi Hải Sơn lóe lên ý tưởng ngợi ca hạt lúa sông Mê Kông. Từ đó đến nay, ông liên tục tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện, để đạt đến sự hiện đại và tối giản, nhiều ẩn ý và nhất quán.

Hạt lúa từng là một dấu ấn thu hút tại “Nguồn” (2010) - triển lãm cá nhân đầu tiên của Bùi Hải Sơn. Lúc ấy, ông chia sẻ: “Hình ảnh hạt lúa đặc trưng cho vùng không gian sống quê hương tôi - An Giang. Hạt giống mang thông điệp về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó còn là sự chiêm nghiệm giữa hiện hữu và hư vô, đơn lẻ và sinh sôi”.

Chủ đề “Nguồn” tái hiện cái đẹp của lao động từ quá trình gieo mầm, mầm lớn thành cây lúa, rồi trổ đòng thành bông lúa trĩu hạt mang sự sống từ bên trong. Hình ảnh bắt đầu như hành trình của đời người, của nhân loại hướng đến chân - thiện - mỹ.

Giám tuyển của triển lãm“Khải huyền” - nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, nhận định: “Bùi Hải Sơn đang trong giai đoạn sáng tạo sung sức nhất, cùng với số ít nghệ sĩ đồng trang lứa. Điêu khắc của ông có phong cách cá nhân rất rõ trong lát cắt vài thập niên của điêu khắc Việt Nam khi đột ngột thay đổi với các xu hướng nghệ thuật hiện đại lấn lướt hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Thành công trong ngôn ngữ điêu khắc kim loại, những hoạt động sáng tác, quản lý và giảng dạy mỹ thuật xuyên suốt từ đầu năm 2000 đã tạo cho Bùi Hải Sơn một vị trí quan trọng hàng đầu trong nền điêu khắc đương đại, đặc biệt tại TPHCM”.

Cũng theo Giám tuyển Vũ Huy Thông, kể từ triển lãm cá nhân lần đầu năm 2010, hình tượng hạt lúa và những biến thể đa chất liệu trong ngôn ngữ điêu khắc tối giản của Bùi Hải Sơn đã là những chiêm nghiệm siêu hình về khởi sinh - biến dịch, quá khứ - tương lai mang nội hàm và tình yêu văn hóa miền Tây Nam Bộ.

Hình tượng hạt lúa gắn với Bùi Hải Sơn không chỉ như một tài nguyên phong phú trong ngôn ngữ tạo hình. Hạt lúa còn chứng nhân tinh thần về cuộc di dân của dân tộc Việt về phương Nam. Ngoài ý nghĩa nguồn gốc, nó còn là đích đến của một hành trình nhiều gian lao, thử thách.

Giả lập sắp đặt - Chuyển động ngầm.

Giả lập sắp đặt - Chuyển động ngầm.

Ý niệm tuần hoàn kiếp người

Với triển lãm “Khải huyền”, điêu khắc gia Bùi Hải Sơn đã dùng hình ảnh hạt lúa để nhìn vào chính tâm can mình, để vén màn cho những sự thật phơi bày. Hạt lúa cho công chúng suy tư về tính linh hoạt cương - nhu, vốn là bài học sâu xa của kiếp người. Đó là về thái độ sẵn sàng cho sự sống mới, vươn mình khỏi những bùn nhơ đón nhận nắng mưa, và càng chín càng nhẫn nại cúi mình.

Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn sinh tại cù lao Ông Chưởng, tỉnh An Giang, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM. Ông có nhiều tác phẩm đậm dấu ấn, được sưu tập bởi cá nhân và tổ chức như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Công viên Beasan (Iksan, Hàn Quốc), Bảo tàng Takanabe (Miyazaki, Nhật Bản)…

“Khải huyền” được hiểu như một sự khải thị, vén một bức màn để cho chúng ta thấy những điều diệu kỳ của cuộc sống. Hạt lúa và bất cứ thứ hạt giống nào, đều mang ý nghĩa và sứ mạng truyền sinh, tăng gấp bội nguồn sống ẩn chứa trong bản thân.

Ý niệm sâu xa nơi các tác phẩm của Bùi Hải Sơn khiến người xem ngẫm nghĩ lại chính bản thân mình. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác. Sự hi sinh vì nghệ thuật của ông được ví như sự chết đi của hạt lúa, để rồi có một sự đơm hoa kết quả trong triển lãm lần này.

Và từ một hạt lúa đơn độc, nó đã được chuyển hoá thành hàng trăm hạt lúa. Những hạt lúa ấy lại thành hạt giống của tình yêu, được gieo vào tâm hồn của người thưởng lãm và lớn lên mỗi ngày với ý niệm về sự tuần hoàn sinh sôi - chết đi - trở lại.

Bùi Hải Sơn lấy hạt lúa như niềm cảm hứng lớn để quan sát, sáng tác và suy tư về kiếp người. Cái thấy của nghệ sĩ càng sâu, hạt lúa trong suy niệm càng tinh giản. Nhưng sự tinh giản ấy được kết thành từ một quá trình đã nén rất lâu dài và bền bỉ. Giống như hành trình sống của một con người, sự phức tạp ngày càng được gọt giũa và gạn lọc sao cho trở nên giản đơn và tinh khôi.

Giả lập sắp đặt - Trầm tích.

Giả lập sắp đặt - Trầm tích.

Trong nhiều tác phẩm của Bùi Hải Sơn, hình thể âm và những mặt phẳng giới hạn cũng được hiểu như là ngôn ngữ. Còn ánh sáng cũng được xem như là chất liệu của điêu khắc. Trong chất liệu kim loại với những hình khối hạt lúa mang thẩm mỹ tối giản và uyển chuyển.

Những khối kim loại luôn mang đến cảm giác nặng nề cũng như sự khô khan, nhưng Bùi Hải Sơn đã khéo léo sáng tạo, dùng tâm cảm nhận và tính toán kỹ thuật để những hình khối vượt thoát ra khỏi sức nặng vật lý và có tính sống động như một hạt lúa đang vươn mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.