Góp ý xây dựng khung năng lực số cho người học

GD&TĐ - Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Sáng 1/11, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục của Bộ GD&ĐT; đại diện các cơ sở giáo dục ĐH, một số sở GD&ĐT, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Mở cánh cửa đổi mới sáng tạo, giúp HSSV trở thành công dân toàn cầu

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người trong thực hiện chủ trương, quyết sách về chuyển đổi số, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khung năng lực số sẽ là một nền tảng, một khung rất căn bản để định hình những điều chúng ta đang cần cho thế hệ tương lai của Việt Nam.

Khung năng lực số cho người học là một hệ thống mô tả các kỹ năng, kiến thức cần thiết để người học có thể sử dụng công nghệ số hiệu quả trong học tập, công việc, cuộc sống. Khung năng lực này giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số và khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa.

Khung năng lực số không chỉ định hướng cho phát triển kỹ năng số, kiến thức nền tảng cần thiết, kỹ năng, thái độ, mà còn là chuẩn mực để giáo dục, phát triển các kỹ năng cốt lõi; không chỉ tìm kiếm, phân tích thông tin mà còn giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và làm việc được trong môi trường số.

nth-1787.jpg
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại tọa đàm.

Khung năng lực số cũng giúp định hình phương pháp đánh giá, tự đánh giá, bảo đảm hiệu quả, xuyên suốt trong toàn hệ thống; đồng thời chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng cho một thị trường lao động trong tương lai, không chỉ trong nước mà trên toàn cầu; giúp khuyến khích học tập suốt đời, tăng cường hiệu quả quá trình học tập, sáng tạo.

Ý nghĩa của Khung năng lực số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra cánh cửa cho sự đổi mới sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu, có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, bảo đảm rằng mọi học sinh, sinh viên dù ở thành thị hay nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ.

Bên cạnh đó, Khung năng lực số giúp định hướng cho giáo viên, giảng viên trong việc giảng dạy, bảo đảm rằng việc học tập của người học không chỉ đáp ứng nhu cầu của từng học sinh, từng gia đình, mà còn đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ lớn và khó, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý sâu sắc, toàn diện, xác đáng từ những người làm thực tiễn, các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia…, giúp hoàn thiện thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

nth-1820.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng báo cáo dự thảo Thông tư.

Báo cáo dự thảo Thông tư, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết, đối tượng sử dụng của khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân sử dụng cho các chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, các cơ sở đào tạo, các tổ chức đánh giá năng lực số, các cơ sở giáo dục.

Nêu rõ 6 mục tiêu chính khi xây dựng khung năng lực số, theo ông Nguyễn Anh dũng, cấu trúc khung này bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia: Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, khai thác dữ liệu và thông tin, sáng tạo nội dung số, an toàn, giải quyết vấn đề, sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Phương án triển khai được đảm bảo đối với giáo dục đại học sẽ phát huy cơ chế tự chủ, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, khung năng lực số, khung năng lực ngoại ngữ. Đối với giáo dục phổ thông và mầm non, hướng dẫn theo từng bậc học.

nth-1902.jpg
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đóng góp ý kiến tại tọa đàm.

Quan tâm điều kiện triển khai

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng, trong kỷ nguyên số hóa, toàn cầu hóa và trí tuệ nhân tạo, năng lực số không còn là một yếu tố bổ sung mà đã trở thành kỹ năng cốt lõi cần thiết để mỗi cá nhân có thể thành công trong hầu hết các lĩnh vực.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thay đổi căn bản cách chúng ta sống, học tập, làm việc. Đặc biệt tại Việt Nam, với quyết tâm của Chính phủ trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, năng lực số của người học đóng vai trò nền tảng để tạo ra lực lượng lao động thông minh và sáng tạo, sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế số và xã hội số.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn thông tin, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã và đang nỗ lực tiên phong đưa các kỹ năng số vào trong chương trình giảng dạy và học tập. Thời gian qua, nhà trường đã triển khai thử nghiệm thành công các phương pháp, công cụ phát triển năng lực số cho sinh viên, giảng viên. Qua đó, thu được những kết quả tích cực trong cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người học, cũng như thúc đẩy tư duy sáng tạo, tinh thần hợp tác trong môi trường số.

“Thành công ban đầu này là nền tảng quan trọng để nhà trường tự tin đóng góp vào việc hiện thực hóa Khung năng lực số, nhằm nâng cao trình độ và khả năng thích ứng của sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

nth-1905.jpg
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp công nghệ.

Tại tọa đàm, các ý kiến đều thống nhất vai trò quan trọng, sự cần thiết ban hành khung năng lực số cho người học và đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng khung năng lực này.

Trong đó, nhiều ý kiến đề cập đến việc cần tính đến xây dựng khung năng lực phù hợp với các đối tượng người học, ở các vùng miền, cơ sở giáo dục có điều kiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số khác nhau. Cần nâng cao năng lực số trước hết cho người làm công tác giáo dục, không chỉ giáo viên mà cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; sau đó mới có thể triển khai đào tạo cho các học sinh. Quan tâm đến đạo đức số và đề xuất Bộ GD&ĐT tạo lập nền tảng số để người học tự đánh giá, không nên đưa ra chứng chỉ, có thể tạo hiệu ứng xã hội không tốt. Các bộ câu hỏi, giáo trình nên là học liệu mở, nhằm chia sẻ, tái sử dụng các kiến thức một cách rộng rãi…

Về phía cơ sở giáo dục phổ thông, ý kiến góp ý quan tâm đến việc đưa năng lực số thế nào vào giảng dạy. Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tổng rà soát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ ở tất cả các khối lớp. Đây là điều kiện để đưa vấn đề năng lực số một cách phù hợp vào thực hiện trong các cơ sở giáo dục. Ông Nguyễn Tân cũng cho rằng, cần có sự chuẩn bị chu đáo từ đội ngũ giáo viên và điều kiện hạ tầng nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư này.

Góc độ cơ sở giáo dục phổ thông, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đề xuất Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn, hoặc chương trình chung để áp dụng đồng bộ trên toàn quốc; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục để bảo đảm việc thực hiện.

Với những góc nhìn đa chiều tại tọa đàm, Ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Thông tư sẽ tiếp thu, rà soát, cập nhật và hoàn thiện Thông tư trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.