Góp ý kiến về liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, chủ trương liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân là hoàn toàn đúng đắn.

Tân bác sĩ, dược sĩ Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh minh họa.
Tân bác sĩ, dược sĩ Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh minh họa.

Sáng 25/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân (dự thảo).

Khuyến khích học tập suốt đời

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 cũng quy định, liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, với phạm vi rộng, thực tiễn việc liên thông giữa các ngành học, hình thức đào tạo, các trình độ trong giáo dục đại học đang được thực hiện vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, nhiều điểm còn chưa rõ phạm vi, khó khăn trong thực hiện.

hoangminhson-8899-6814.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp.

Từ thực tiễn, Thứ trưởng mong muốn, các đại biểu đóng góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong đó, xác định phạm vi, mục tiêu của Nghị định, để thực hiện đúng yêu cầu trong các bộ Luật đã được ban hành nhưng vẫn giải quyết được các vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Khẳng định, liên thông trong đào tạo là cần thiết, nhất là trong xã hội khuyến khích học tập suốt đời và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã hội, GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống kinh tế - xã hội của quốc gia.

Vì vậy, chủ trương liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân là hoàn toàn đúng đắn. Mặt khác, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội là đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

“Do tính đa dạng đó, sự phân công lao động trong xã hội là khách quan và tất yếu. Một xã hội có sự phân công lao động hợp lý sẽ giúp xã hội đó phát triển hài hoà và đáp ứng được các nhu cầu phát triển của xã hội đó” - GS.TS Trần Diệp Tuấn nêu quan điểm.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi

img-6397-2441-5477.jpg
PGS.TS Đào Đăng Phượng góp ý tại cuộc họp.

Góp ý cho dự thảo, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhất trí quan điểm cho liên thông giữa THPT và trung cấp nghề.

Các môn thuộc khối kiến thức chung như: lý luận chính trị, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng và an ninh, ngoại ngữ... có thể được công nhận tạo điều kiện cho người học thuận lợi hoàn thành song song hai chương trình giáo dục.

PGS.TS Đào Đăng Phượng cũng nhất trí với đề xuất của dự thảo về hình thức tuyển sinh đối với giáo dục liên thông. Cụ thể, tuyển sinh chung áp dụng cho tất cả thí sinh đủ điều kiện theo quy định đối với từng cấp học, trình độ và hình thức đào tạo.

Tuyển sinh riêng áp dụng cho những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu trình độ đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và các nội dung khác liên quan tới tuyển sinh được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với các cấp học, trình độ đào tạo.

lienthong-4458-6422.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp.

Theo dự thảo Nghị định, liên thông giữa các cấp học phổ thông, liên thông giữa các trình độ của giáo dục đại học và liên thông giữa cấp THPT với trình độ đại học được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ GD&ĐT ban hành. Liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.

Mục đích liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp.

Mặt khác, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Hình thành một hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Dự thảo cũng quy định, việc thiết kế chương trình, tổ chức tuyển sinh và giáo dục, đào tạo liên thông phải bảo đảm các nguyên tắc:

Thứ nhất, linh hoạt và hiệu quả: Người học được lựa chọn lộ trình, hình thức và thời gian học tập phù hợp nhất với trình độ, năng lực và điều kiện cá nhân; không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã có.

Thứ hai, công bằng và chất lượng: Tất cả người học được tạo cơ hội học tập và đánh giá kết quả học tập công bằng dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng chung của chương trình giáo dục.

Thứ ba, đáp ứng nhu cầu xã hội: Giáo dục và đào tạo liên thông để đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời phải căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội, định hướng phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ