Về phía Sở GD&ĐT Cao Bằng có ông Ma Vĩnh Tường - Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, bà Triệu Thị Kim - Chuyên viên phòng Giáo dục Tiểu học; đại biểu Phòng GD&ĐT Thành phố Cao Bằng có bà Triệu Mỹ Vân - Phó trưởng phòng GD&ĐT...
Về phía Trung tâm PHCN&GDHN Trẻ khuyết tật Cao Bằng, có bà Tô Thị Nga Giám đốc Trung tâm. Cùng sự có mặt của đại biểu đại diện Hội phụ huynh học sinh khiếm thính Trung tâm và các em học sinh khiếm thính lớn đã từng học tại Trung tâm.
Hội nghị đã nghe 4 điều về GD hòa nhập trong Luật Giáo dục sửa đổi (điều 14, điều 62, đièu 64 và điều 83) và thảo luận về nội dung trên với tinh thần xây dựng cao.
Các đại biểu trong Hội nghị cơ bản nhất trí với nội dung của các điều 14, 62, 64 và 83 của Luật giáo dục sửa đổi. Đồng thời có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:
- Điều 14: Bổ sung thêm cụm từ người khuyết tật vào trong mục 2 của điều 14. Cụ thể: Nhà nước có chính sách hỗ trợ người học có hoàn cảnh đặc biệt, người học thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người học dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người học đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục hòa nhập; khuyến khích xã hội hóa để thực hiện giáo dục hòa nhập.
Bổ sung thêm mục 3 của điều 14 với nội dung như sau: Nhà nước có chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên trực tiếp thực hiện công tác giáo dục hòa nhập tại các cơ sở giáo dục công lập.
- Điều 83: Bổ sung thêm cụm từ người khuyết tật vào trong mục 2 của điều 83. Cụ thể như sau: Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn vượt khó học tập.
Bổ sung tiếp mục 2: Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn học phí cho người khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục công lâp.
Ngoài các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) các phụ huynh học sinh tham dự Hội nghị đã có thêm một số ý kiến góp ý về Giáo dục hòa nhập như sau:
Qua quá trình con em học tập tại các trường hòa nhập, nhận thấy giáo viên ở các trường hòa nhập còn hạn chế về kiến thức dạy cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng, vì vậy cần bổ sung kiến thức, kỹ năng dạy trẻ khuyết tật cho các giáo viên ở trường hòa nhập, đặc biệt là ngôn ngữ ký hiệu.
Nhà nước khuyến khích sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Brail chuẩn vào các trường học có trẻ khiếm thính và trẻ khiếm thị theo học.
Đối với các trẻ khi học hết chương trình phổ thông (lớp 12), Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho các cháu học nghề để trẻ có công việc thu nhập ổn định.