Học sinh Trường tiểu học Suối Giàng (Văn Chấn - Yên Bái) Ảnh KTNT |
Với tâm huyết của mình, Cô giáo Phạm Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phúc Sơn - Văn Chấn - Yên Bái đã chia sẻ những ý kiến của mình về dự thảo trên:
“Với khả năng nhận thức còn hạn chế, xong là một công dân Việt Nam, một cán bộ quản lí giáo dục ở vùng sâu, vùng xa tôi xin bày tỏ quan điểm của mình về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Tôi xin mạnh dạn nêu ra những ý kiến cá nhân mặc dù những ý kiến đó có thể chưa nêu hết được mục tiêu ý nghĩa của những điều khoản được sửa đổi, bổ sung.
Về cơ bản, tôi nhất trí với những điều sửa đổi, bổ sung đưa ra trong dự thảo, trong đó, tôi hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi khoản 1 điều 11: “1. Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”. Bởi thực hiện phổ giáo dục mầm non 5 tuổi tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao chất lượng, đặc biệt với các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn - nơi mà HS ít biết tiếng phổ thông. Khi trẻ 5 tuổi học hết lớp lớn ở mầm non giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, nắm được cách cầm bút tô chữ đúng quy trình, thuộc được bảng chữ cái, 10 chữ số tự nhiên đầu tiên, các giáo viên dạy lớp 1 đỡ việc phải dạy các em những kĩ năng cơ bản đơn giản, có thời gian tập trung vào dạy kiến thức kĩ năng đảm bảo đạt mục tiêu.
Tôi cũng nhất trí việc Khoản 4 Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau: “4. Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện trong bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học, trong ba năm học đối với người có bằng thạc sĩ. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ có thể được kéo dài hoặc rút ngắn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Tôi nhất trí với Điều 50 được sửa đổi, bổ sung về “Thành lập trường” vì bất kể một cơ quan, tổ chức nào muốn hoạt động có hiệu quả cũng cần có đề án, kế hoạch phát triển. Qua việc duyệt các đề án, kế hoạch phát triển trường, nhà nước sẽ kiểm soát được mục tiêu phát triển và thành lập trường.
Nhất trí với Khoản 1 Điều 58 được sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường; tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền”. Xã hội Việt Nam là xã hội công bằng dân chủ, vì vậy tôi thấy việc công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, đặc biệt là nguồn lực và tài chính… sẽ làm cho cán bộ giáo viên, học sinh, nhân dân tin tưởng vào nhà trường. Từ đó họ sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn trong công tác.
Tôi hoàn toàn nhất trí với nội sửa đổi ở điều 80: Nhà nước đã quan tâm chú trọng đến cả đội ngũ cán bộ quản lí, như thế sẽ giúp cho đội ngũ quản lý ngày càng vững về chuyên môn nghiệp vụ, như vậy thì nhà trường ngày càng phát triển tốt hơn.
Khoản 3 điều 89 được sửa đổi thể hiện sự quan tâm của nhà nước tới thu hút đội ngũ nhà giáo, quan tâm đến người nghèo, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em gia đình khó khăn được học tập và cống hiến cho ngành sư phạm. Tôi tin tưởng với điều luật này ngành sư phạm ngày càng phát triển tốt đẹp hơn”.
Phạm Thu Huyền
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phúc Sơn - Văn Chấn - Yên Bái
TIN LIÊN QUAN |
---|