Xuyên suốt yếu tố sáng tạo
Nêu lên thực trạng về một số hiện tượng trong nhà trường qua được dư luận quan tâm thời gian qua, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – đoàn TP Hà Nội trao đổi: Cả xã hội đang bức xúc và mong có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để sớm thay đổi. Vì thế đại biểu góp ý trực tiếp vào Điều 2 dự thảo Luật. Cụ thể mục tiêu của GD bổ sung là phát triển toàn diện con người Việt Nam có lòng nhân ái, vị tha, sống có đạo đức, hiểu biết sâu rộng các kỹ năng, kỹ năng sáng tạo. Đây là những điều cần thiết trong cuộc sống, nhất là những kỹ năng như: Phòng chống xâm hại, bạo lực học đường…
Đối với mục tiêu của GD phổ thông, đại biểu đề xuất, nên bổ sung thêm ý: GD HS có tình yêu thương, lòng nhân ái, biết ơn, ghét những điều xấu, ác. Đây là sự khác biệt của những người được GD với những người không được GD. Từ đó hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ và sáng tạo. “Ngay từ cấp tiểu học chúng ta cũng phải bồi dưỡng cho HS sáng tạo” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, đồng thời trao đổi: Đối với GD bậc THCS, mục tiêu là phải phải nuôi dưỡng lòng nhân ái, biết ơn và hiểu biết ban đầu về hướng nghiệp, sáng tạo.
Còn GD ở bậc THPT sẽ là tiếp tục nuôi dưỡng lòng nhân ái, biết ơn nhưng phải có lòng tự trọng, ý thức công dân, phòng chống vi phạm pháp luật. “Theo cấp độ, các cháu phải biết những điều đó và phải hướng nghiệp và sáng tạo. Tôi đề nghị liên tục phải có những thứ đó” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh góp ý.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Đức Thắng - đoàn Quảng Trị cho rằng, mục tiêu GD còn là bồi dưỡng GD kỹ năng sống cho giới trẻ, để họ luôn có tinh thần chủ động trước mọi hoàn cảnh. Đề nghị thể hiện lại Điều 2 là: Mục tiêu GD nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, tầm nhìn, có kỹ năng sống và nghề nghiệp. Có ý thức phẩm chất và năng lực công dân, có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc...
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - đoàn Bến Tre cho rằng GD kỹ năng, kiến thức, đạo đức phải là vấn đề xuyên suốt trong mục tiêu GD.
Bố trí việc làm cho SV cử tuyển sau tốt nghiệp
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất, cần bố trí, sắp xếp việc làm cho SV cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Sỹ Điền |
Thảo luận về chính sách cử tuyển, nhiều đại biểu đồng tình tiếp tục duy trì chính sách nhân văn này. Tuy nhiên, cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn để chính sách phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Theo đó, nhiều đại biểu đề xuất: Nhà nước cần dành riêng chỉ tiêu tuyển dụng đối với SV dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính sách này nhằm tạo sự ưu đãi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.
Đại biểu Mùa A Vàng - đoàn Điện Biên thẳng thắn nói: Chính sách cử tuyển trong thời gian qua đã quy định rất chặt, nhưng khi triển khai thực hiện không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều địa phương sau khi SV cử tuyển tốt nghiệp không bố trí được việc làm vì liên quan đến biên chế. Đại biểu đề nghị, cần có quy định về tỷ lệ phần trăm về chỉ tiêu biên chế cho đối tượng thuộc diện cử tuyển và ưu tiên trong tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi các em tốt nghiệp.
Đánh giá cao về chính sách cử tuyển, đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn và đối tượng, chế độ sau tốt nghiệp của người học cử tuyển cần được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục bất cập hiện nay. Đại biểu đề nghị cần bổ sung chế độ ưu đãi đặc biệt và chặt chẽ hơn về chính sách này. Theo đó, cần tăng cường thời gian học tập dự bị lên từ 1 - 2 năm để nâng cao chất lượng cho các em. Ngoài ra, cần tạo điều kiện về chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc cho các em trong thời gian học.
Liên quan đến chính sách cử tuyển, tại Hội nghị, Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật GD (sửa đổi). Ông Bình nêu rõ, một số đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cử tuyển nhằm tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương; giao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương trong việc thực hiện chính sách cử tuyển; có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển; có ý kiến đề nghị bỏ chính sách cử tuyển vì chất lượng đào tạo thấp.
Theo ông Bình, Thường trực Ủy ban (TTUB) cho rằng, cử tuyển là một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; còn mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của các địa phương này đã và đang được thực hiện bằng nhiều chính sách khác.
Do vậy, TTUB đề nghị giữ quy định về chính sách cử tuyển như trong Dự thảo Luật. Theo đó, đối tượng cử tuyển đối với HS các dân tộc thiểu số rất ít người; HS dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; trách nhiệm của địa phương trong việc đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; tuyển dụng và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển; việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển và việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả.