Tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ phải thấu lý, đạt tình

GD&TĐ - Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TƯ-ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), trong đó có quy định tinh giản biên chế tối thiểu 10% nhân sự CB, CC, VC cả nước. Riêng tỉnh Đắk Lắk, ngành GD&ĐT tỉnh triển khai thực hiện chủ trương hết sức quan trọng này như thế nào? Phóng viên (PV) Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với NGƯT Phạm Đăng Khoa - Giám đốc (GĐ) Sở GD&ĐT Đắk Lắk xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lăk Phạm Đăng Khoa với các GV dạy giỏi tiểu học của tỉnh
Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lăk Phạm Đăng Khoa với các GV dạy giỏi tiểu học của tỉnh

NGƯT GĐ Phạm Đăng Khoa: Triển khai thực hiện chủ trương trên, Sở GD&ĐT chúng tôi đã xây dựng “Đề án tinh giản biên chế của cơ quan Sở GD&ĐT và của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT” trình Sở Nội vụ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt.

Theo đó, số lượng tinh giản biên chế được đề xuất giai đoạn 2015-2021 là 500 người (tính đến năm 2017, đã giảm được 214 người, trong đó: Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh cắt giảm 152 biên chế, nghỉ hưu 40 người, nghỉ hưởng chế độ 22 người).

Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành GD&ĐT là phải đảm bảo tỉ lệ giáo viên (GV)/lớp (ví dụ: GV THPT, theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT, bố trí tối đa là 2,25 GV/lớp). Do đó, nếu chấp hành đúng theo lộ trình tinh giản của Trung ương quy định, sẽ không đảm bảo được tỉ lệ GV/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

PV: Muốn tinh giản đội ngũ CB, CC, VC thì phải sàng lọc, đánh giá chính xác đội ngũ này. Theo ông, làm sao để đánh giá, xếp loại, sàng lọc chính xác về năng lực, trình độ chuyên môn và nhất là tâm huyết của họ?

NGƯT GĐ Phạm Đăng Khoa: Hàng năm, vào cuối năm học, căn cứ Luật Viên chức năm 2010; căn cứ Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại CB, CC, VC; căn cứ Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định về chuẩn hiệu trưởng, chuẩn GV các cấp học, bậc học, các cơ sở giáo dục tiến hành đánh giá, phân loại CB, CC, VC.

Theo đó, ngành GD&ĐT Đắk Lắk triển khai việc đánh giá, phân loại CB, CC, VC theo quy trình, thủ tục chặt chẽ. Viên chức 2 năm liên tiếp bị phân loại, đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị chấm dứt hợp đồng (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 29 của Luật Viên chức).

PV: Theo ông, có được những người dám nghĩ- dám nói-dám làm-dám chịu trách nhiệm để đi đầu trong công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” cần phải có những điều kiện gì?

NGƯT GĐ Phạm Đăng Khoa: Để làm được vấn đề trên, ngành GD&ĐT phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ CB, CC VC theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Từ đó, sẽ chọn được những người “dám nghĩ- dám nói-dám làm-dám chịu trách nhiệm”, để đi đầu trong công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”.

Thực hiện tốt công việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ  phải có lộ trình khoa học thấu lý-đạt tình, không thể làm nhanh được, vì đụng đến số phận con người.

Đặc biệt, đây là những nhà giáo - những “kỹ sư tâm hồn” cực kỳ nhạy cảm, đời sống vật chất của đa số thầy giáo, cô giáo đang rất chật vật. Để làm tốt công việc này, “cái Tâm - cái Tầm”, nói cách khác là năng lực - uy tín của người đứng đầu các cơ sở giáo dục giữ vai trò quyết định.

HS Đăk Lăk ngày nay

HS Đăk Lăk ngày nay

PV: “GD&ĐT là quốc sách hàng đầu”, nhưng trên thực tế thì lương của nhà giáo hiện khá thấp. Ông có trăn trở gì?

NGƯT GĐ Phạm Đăng Khoa: Hiện nay, đội ngũ CBQLGD, GV&NV của ngành GD-ĐT tỉnh chúng tôi, hầu hết có tư tưởng-lập trường chính trị kiên định-đạo đức tốt; vững vàng về chuyên môn-nghiệp vụ. Hơn 90% đội ngũ này của ngành, hằng năm được đánh giá từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Thực tế, lương nhà giáo vẫn còn thấp, đây là vấn đề khá trăn trở. Việc tăng lương cho nhà giáo-theo tôi hết sức cần thiết- để tạo động lực rất quan trọng giúp các thầy giáo, cô giáo an tâm, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp cao quý “trăm năm trồng người”.

Một vấn đề cực kỳ đáng mừng. Vừa qua, ngày 12/12/2017 tại TPHCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo về góp ý Dự thảo Luật GD sửa đổi, bổ sung. Theo đó, các đại biểu nhất trí đề nghị: Lương của nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

PV: Theo ông, ở các cơ sở GD&ĐT, ai là người có đủ toàn quyền để mạnh tay quyết liệt sàng lọc, tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ CBQLGD, GV, NV?

NGƯT GĐ Phạm Đăng Khoa: Theo quy định của Điều lệ trường học của các cấp học, bậc học, việc quản lí GV ở các cơ sở GD&ĐT thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, Quy định phân cấp quản lí CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk- theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 07/8/2012 của UBND tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Sở GD&ĐT là người có đủ thẩm quyền sàng lọc, tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ CBQLGD, GV (đối với các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT);

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, là người có đủ thẩm quyền sàng lọc, tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ CBQLGD, GV (đối với các đơn vị trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).

PV: Mấy năm gần đây, lãnh đạo huyện Krông Pắk của tỉnh đã ký hợp đồng tuyển dụng GV ngoài chỉ tiêu biên chế do tỉnh duyệt, dẫn đến dư thừa 612 GV, chưa kể việc bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng… Đâu là giải pháp khắc phục?

NGƯT GĐ Phạm Đăng Khoa: Thực hiện quy định hiện hành (theo Thông tư 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định phân cấp quản lí CB, CC,VC; và theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 07/8/2012 của UBND tỉnh Đắk Lắk): Việc quản lý CBQL,VC và người lao động các cơ sở GD Mầm non, Tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền của của Chủ tịch UBND cấp huyện. Vì vậy, việc kí hợp đồng lao động dư thừa so với biên chế được giao, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk rà soát số lượng GV thừa, thiếu; số biên chế chưa sử dụng; xây dựng phương án tuyển dụng chặt chẽ theo đúng quy định. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan góp ý Phương án, hướng dẫn triển khai thực hiện vụ việc này.

PV: Xin cám ơn ông! 

Thực hiện tốt công việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ  phải có lộ trình khoa học thấu lý-đạt tình, không thể làm nhanh được, vì đụng đến số phận con người. Đặc biệt, đây là những nhà giáo - những “kỹ sư tâm hồn” cực kỳ nhạy cảm, đời sống vật chất của đa số thầy giáo, cô giáo đang rất chật vật. Để làm tốt công việc này, “cái Tâm - cái Tầm”, nói cách khác là năng lực - uy tín của người đứng đầu các cơ sở giáo dục giữ vai trò quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ