Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục là động lực để đi tiếp, viết tiếp!

GD&TĐ - Nhà báo Đình Nguyên cho rằng, Giải Báo chí Toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là động lực lớn để người làm báo đi tiếp, viết tiếp...

Nhà báo Đình Nguyên trong một lần đi tác nghiệp ở cơ sở.
Nhà báo Đình Nguyên trong một lần đi tác nghiệp ở cơ sở.

Mùa giải đáng nhớ...

5 năm sau lần đầu nhận giải Báo chí Toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, đến nay Nhà báo Đình Nguyên – Đài PT-TH Yên Bái vẫn không khỏi xúc động khi nhớ về giây phút cầm giấy mời đi dự và nhận giải tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018.

“Lần đầu được tham dự giải Báo chí Toàn quốc vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam do Báo GD&TĐ tổ chức, bản thân tôi cũng như ekip làm phim cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được gửi gắm một chút tình cảm, đóng góp nho nhỏ của mình qua câu chuyện giáo dục vùng khó. Chúng tôi càng vui hơn khi biết tác phẩm của mình đã được Ban tổ chức lựa chọn trao giải C. Đó là nguồn động lực rất lớn cho anh em làm nghề, nhất là làm truyền hình rất vất vả như chúng tôi”, nhà báo Đình Nguyên chia sẻ.

Nhà báo Đình Nguyên - Đài PT-TH Yên Bái trong một lần tác nghiệp.

Nhà báo Đình Nguyên - Đài PT-TH Yên Bái trong một lần tác nghiệp.

Năm 2018, lần đầu Báo GD&TĐ tổ chức giải Báo chí Toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, Nhà báo Đình Nguyên đã cùng 2 đồng nghiệp là: Trần Tiến, Nguyễn Minh bàn bạc, lựa chọn đề tài và tổ chức thực hiện trong suốt thời gian dài. Đề tài mà ekip làm phim triển khai lần này là câu chuyện về những nỗi nhọc nhằn, sự hy sinh, vất vả của các cô giáo cắm bản vùng cao.

“Ngành giáo dục có những khó khăn đặc thù. Nhiều huyện đã khó khăn rồi, nhưng ở xã, ở bản của những huyện đó còn khó khăn hơn bội phần. Ở đó, các cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa họ rất thiệt thòi. Họ chấp nhận cuộc sống xa chồng, xa con. Có những cô giáo có con đang bệnh tật ở nhà với bố, mẹ vẫn sẵn lòng bám bản, bám trường, chăm lo cho các cháu ở vùng sâu, vùng xa”, nhà báo Đình Nguyên bộc bạch.

Clip do đoàn làm phim ghi lại trong quá trình lên bản cùng các cô giáo vùng cao Yên Bái.

Nhà báo Đình Nguyên kể tiếp: “Chúng tôi mang những câu chuyện này gửi gắm đến Ban tổ chức Giải, những mong lan tỏa nhiều hơn thông điệp rằng: Hãy yêu thương nhiều hơn, sẻ chia nhiều hơn đối với các nhà giáo ở miền núi xa xôi, vùng cao, biên giới. Bởi ở đó, đời sống sinh hoạt của họ vốn đã rất khó khăn, bám trụ ở thôn bản vùng cao để dạy chữ trong điều kiện thiếu thốn đủ bề thì họ lại càng khó khăn hơn. Không phải ai cũng có thể làm được điều đó!”.

Nể phục cô giáo cắm bản!

Theo Nhà báo Đình Nguyên, ngay chính bản thân anh và đoàn làm phim cũng phải nể phục nghị lực vượt khó của các cô giáo cắm bản vùng cao. Điều khiến anh ấn tượng hơn cả, đó là hành trình đến điểm trường Lùng Cúng (trường Mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải).

“Điểm trường chỉ cách trung tâm xã chừng 26km thôi, song phải đi nửa ngày mới tới. Sống ở miền núi suốt mấy chục năm, song chúng tôi không nghĩ nó lại khó khăn như thế. Điểm trường này cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Cùng với các cô giáo đi đến trường mình mới thấy con đường quá gian nan, vất vả vì đường giống như lên trời. Đó cũng là hành trình mà chúng tôi cho rằng đang thử thách để vượt qua chính mình”, nhà báo Đình Nguyên nói.

“Gọi là đường thôi chứ thực ra nó chẳng phải là đường. Miền núi có tính đặc thù, cứ thiên tai, mưa lũ xói lở hết đường rồi. Các cô giáo đi lên trường như 'đánh vật'. Hàng ngày họ luôn đối diện với những rủi ro khi đến trường như ngã xe, hỏng xe... Nếu như không ở miền núi thì không thể tưởng tượng được các cô giáo phải đi qua những con đường như thế!”, nhà báo Đình Nguyên kể thêm.

Học sinh vùng cao hiếu kỳ xem tác nghiệp.

Học sinh vùng cao hiếu kỳ xem tác nghiệp.

Quá trình làm phim, Nhà báo Đình nguyên đã phải chứng kiến mỗi lần giáo viên lên trường. Mỗi cô phải mang vác lương thực, thực phẩm, đồ chơi cho học sinh, đồ dùng cá nhân... Đường khó đến mấy thì các cô vẫn phải vượt qua để đến lớp, ở đó cả tuần, thậm chí là cả tháng nếu như mưa bão không thể về được.

“Ấn tượng của tôi với các cô ở điểm trường Lùng Cúng, đó là ở đây không có sóng điện thoại. Nó là sợi dây kết nối nhanh nhất giữa các cô với gia đình, chồng, con mà không thể có được. Vì thế, hàng ngày có nhớ chồng, nhớ con, nhớ gia đình thì các cô cũng chỉ nén tiếng thở dài vào trong”, anh thổ lộ.

Theo nhà báo Đình Nguyên, Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là giải thưởng uy tín. Đây là sân chơi bổ ích để những người làm báo như anh có thêm động lực để đi tiếp, viết tiếp các câu chuyện cảm động về những hy sinh, vất vả của nhà giáo trong cả nước.

“Sau khi chúng tôi tham gia lần thứ nhất và đạt giải C, cũng có nhiều đồng nghiệp khác tham gia. Họ tìm hiểu và viết các câu chuyện về những tấm gương thầy cô giáo. Chúng tôi cũng đã có tác phẩm viết về những người thầy, cô ở vùng sâu, vùng xa vượt lũ, gùi hàng tấn thực phẩm vượt núi trong tình trạng không còn đường để mà đi. Họ mang thực phẩm lên trường khoảng 500 học sinh trước ngày khai giảng...

Tôi tin rằng, giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam sẽ là nguồn cổ vũ mạnh mẽ để đồng nghiệp cả nước sẽ đi sâu, tìm tòi, có những góc nhìn nhân văn, chân thực hơn về nghề giáo, nhất là những nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới vẫn ngày ngày hiến dâng cho sự nghiệp trồng người”, nhà báo Đình Nguyên bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.