Góp sách tặng bạn nghèo

GD&TĐ - Dịp hè hằng năm, các trường phổ thông tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp sách giáo khoa cũ tặng học sinh nghèo trên địa bàn và vùng khó.

Học sinh Hà Nội quyên góp sách giáo khoa gửi tới 7 trường học ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) năm học 2022 - 2023. Ảnh: INT
Học sinh Hà Nội quyên góp sách giáo khoa gửi tới 7 trường học ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) năm học 2022 - 2023. Ảnh: INT

Việc làm này không chỉ nhằm lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, mà còn tạo điều kiện cho trò nghèo có đủ sách đến trường trong năm học mới.

Khóa trước tặng lại khóa sau

Sau dịch Covid-19, cùng với việc chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục trong trường học, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM) tổ chức nhiều chương trình hướng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó phong trào quyên góp sách giáo khoa cũ gửi tặng học sinh nghèo trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) là một trong những hoạt động nhân văn và được triển khai hiệu quả.

Thầy Nguyễn Viết Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Việt, phụ trách công tác quyên góp sách, cho biết, từ dịp hè năm 2022, nhà trường phát động học sinh ủng hộ sách giáo khoa để gửi tặng học sinh nghèo ở địa bàn huyện Kbang (Gia Lai). Năm đầu tiên phát động, toàn trường quyên góp được hơn 200 bộ sách lớp 4, 5.

Riêng năm nay, đến thời điểm hiện tại nhà trường đã thu được gần 100 bộ sách lớp 5. “Những cuốn sách học sinh quyên góp được giữ gìn rất mới, sạch sẽ, không viết vẽ vào. Dự kiến đầu tháng 8, chúng tôi sẽ chuyển lên cho Phòng GD&ĐT huyện Kbang để gửi tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Sơn chia sẻ.

“Nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động nên phụ huynh hiểu, đồng tình, hưởng ứng góp sách và trao đến học sinh nghèo dịp cuối năm học. Riêng dịp kết thúc năm học 2022 - 2023, thông qua đóng góp của học sinh, trường đã thu được gần 30 bộ sách giáo khoa cũ để tặng cho học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn”, cô Hiền chia sẻ.

Tại Bình Phước, phong trào vận động học sinh khóa trước tặng sách giáo khoa cho các em khóa sau được Trường Tiểu học và THCS Phước Thiện (huyện Bù Đốp) thực hiện từ đầu năm học. Theo chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Đức Hiền, trường có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhất là con em đồng bào dân tộc S’tiêng. Vì vậy để giúp gia đình các em vơi đi một phần khó khăn trước và trong năm học mới, hằng năm, nhà trường đều phát phát động phong trào học sinh khóa trước tặng lại sách cho khóa sau.

Tương tự, thời điểm này, thư viện Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp, TPHCM) đã nhận và sắp xếp được 60 bộ sách từ học sinh đóng góp. Theo chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Lê Minh Kim Long, phong trào vận động học sinh khóa trước tặng cho những em có điều kiện kinh tế chưa khá giả ở lớp sau được nhà trường được thực hiện nhiều năm nay.

Nhờ đó, hàng chục bộ sách được trao tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại trường, cũng như địa bàn khác. Thông qua hoạt động đã giúp gia đình các em vơi đi một phần khó khăn trong việc lo cho con em mình khi bước vào năm học mới.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt quyên góp sách giáo khoa cũ và quần áo để tặng các bạn học sinh nghèo ở huyện Kbang.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt quyên góp sách giáo khoa cũ và quần áo để tặng các bạn học sinh nghèo ở huyện Kbang.

Giáo dục phẩm chất tốt đẹp

Những năm qua, học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) tích cực tham gia chương trình “Sách trao tay - Cầu nối yêu thương” do Sở GD&ĐT TPHCM phát động. Những cuốn sách giáo khoa cũ do học sinh gửi tặng, được soạn thành từng bộ và trao tặng cho trò nghèo ngay tại địa bàn TPHCM và địa phương khó khăn khác.

Thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, đặc thù của một số sách giáo khoa được biên soạn theo hướng điền khuyết, ghép nối... nên học sinh phải thao tác trực tiếp trên sách, dẫn đến khó bảo quản sách sạch, đẹp. Vì vậy đầu mỗi năm học, giáo viên chủ nhiệm đều hướng dẫn kỹ việc sử dụng sách. Theo đó, học sinh chỉ được sử dụng bút chì khi cần ghi chú vào sách, không dùng bút mực, bút bi. Nhờ vậy, các em hiểu, giữ gìn sách cẩn thận hơn.

“Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có giá thành cao so với nhiều gia đình. Vì vậy, việc giữ gìn và tặng sách cho học sinh khóa sau sẽ tránh lãng phí. Mỗi năm, từ sự đóng góp của học sinh, nhà trường nhận được 50 - 60 bộ sách của các khối lớp ủng hộ cho học sinh nghèo. Quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa tặng cho học sinh nghèo vùng khó khăn là hành động thiết thực. Qua đó góp phần giáo dục các em biết tương trợ, giúp đỡ người khác; đồng thời thể hiện tấm lòng yêu thương, chia sẻ của học sinh trong trường với những hoàn cảnh kém may mắn”, thầy Hữu chia sẻ.

Tương tự, thầy Lê Minh Kim Long, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp, cho hay: “Thông qua hoạt động gửi tặng sách giáo khoa cũ là dịp giáo dục các em về thói quen tiết kiệm, giữ gìn sách vở, biết chia sẻ với bạn bè khó khăn. Từ đó định hướng cho các em biết nâng niu sách, quý sách, ứng xử văn hóa với sách dù là mới hay cũ. Đây là hành động nhân văn, ý nghĩa, có sức thuyết phục hơn trăm bài giáo huấn khô khan”.

Bà Cao Thị Thiên Phúc, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết: “Tháng 5 hằng năm, Sở GD&ĐT TPHCM đều phát động chương trình ‘Sách trao tay - Cầu nối yêu thương’. Đây là chương trình được học sinh của TP quan tâm và hưởng ứng vì giá trị nhân văn của chương trình mang lại rất lớn. Qua hoạt động nhằm giáo dục các em lòng nhân ái, biết quan tâm đến bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, biết quý trọng và giữ gìn sách vở từ đó tạo điều kiện cho học sinh gặp khó có đủ sách giáo khoa đến trường trong năm học mới”.

Em Lê Nguyễn Thùy Dương (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Dịp hè mỗi năm nhà trường phát động quyên góp sách giáo khoa cũ cho học sinh khó khăn, lớp em ai cũng háo hức tham gia. Sách giáo khoa, khi học xong bỏ không rất uổng nhưng mang tặng cho chương trình sẽ giúp đỡ các bạn lại có ý nghĩa rất lớn. Rất nhiều bạn ở vùng sâu, vùng xa cần cuốn sách này. Những năm học THCS em đều tham gia chương trình. Bước vào lớp 10 và các năm tiếp, em tiếp tục tham gia để giúp đỡ các bạn nghèo. Mong rằng những cuốn sách chúng em trao tặng sẽ góp phần khuyến khích tinh thần học tập của các bạn ở vùng quê khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ