Gọi tên thách thức

GD&TĐ - Thế giới khép lại năm 2023 với nhiều xáo trộn liên quan đến vấn đề địa chính trị, kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thế giới khép lại năm 2023 với nhiều xáo trộn liên quan đến vấn đề địa chính trị, kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực... Những khó khăn đặt ra trong năm 2023 sẽ tiếp tục trở thành thách thức của năm 2024.

Đầu tiên là chiến tranh. Thế giới tiếp tục đứng trước hai cuộc xung đột lớn là Nga – Ukriane và Israel – Hamas. Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang năm tiếp theo, hai bên đều chịu tổn thất lớn cả về nhân lực, trang thiết bị quốc phòng lẫn kinh tế, xã hội. Dù vậy, cuộc xung đột chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” và hai bên đều trong tâm thế sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi trong cả năm 2024.

Bên cạnh đó, những người đứng đầu Israel và lực lượng Hamas vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên dự đoán cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc vào năm nay, Israel có thể duy trì chiếm đóng quân sự tại Dải Gaza còn Palestine bị tàn phá nặng nề hơn.

Đặc biệt, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải đối mặt với khả năng mất quyền lực. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Israel cho rằng ông Benjamin là nguyên nhân xung đột xảy ra.

Người dân còn bất bình vì chính phủ chưa phản ứng kịp thời và không ngăn chặn được những thiệt hại nặng nề từ cuộc tấn công. 76% người dân Israel đã kêu gọi ông từ chức ngay bây giờ hoặc khi xung đột chấm dứt.

Biến đổi khí hậu sẽ là thách thức tiếp theo mà thế giới phải đối mặt. Theo báo cáo về khoảng cách phát thải mới nhất của Liên Hợp Quốc, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,9 độ C so với mức tiền công nghiệp. Hiện nay, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,1 độ C, tiệm cận với giới hạn 1,5 độ C.

Tại Hội nghị COP28 diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, nhiều quốc gia giàu có, chiếm lượng khí phát thải lớn trên thế giới cam kết đóng góp hàng triệu USD vào công tác phòng chống biến đổi khí hậu nói chung và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu ảnh hưởng từ biến đối khí hậu.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng cam kết này. Cần lưu ý, tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen năm 2009, các nước giàu lần đầu tiên hứa đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước nghèo hơn thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lời hứa này vẫn chưa được thực hiện.

Một tranh luận lớn vào năm 2024 là liệu đây có phải năm mở đường cho kỷ nguyên hạt nhân thứ ba hay không? Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang thử nghiệm các biện pháp mở rộng và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.

Trong năm 2023, nhiều bức ảnh vệ tinh chụp các địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở Mỹ, Nga và Trung Quốc cho thấy 3 nước này đang mở rộng bãi thử hạt nhân.

Mỗi quốc gia đều có lý do cho việc thử nghiệm hạt nhân nhưng họ đang thận trọng hành động bởi không ai muốn là người đầu tiên “châm ngòi”. Tuy nhiên, bóng đen của chiến tranh hạt nhân đang xuất hiện trở lại khi một số quốc gia đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Về mặt kinh tế, rủi ro lớn nhất trong năm 2024 liên quan đến lạm phát. Theo báo cáo “Tình hình Kinh tế thế giới và triển vọng 2024” do Liên Hợp Quốc công bố, lạm phát trong năm 2024 được dự đoán khoảng 3,9%.

Tuy nhiên, 1/4 số quốc gia đang phát triển có thể ghi nhận mức lạm phát trên 10% vào năm nay. Vì kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm nên bất kỳ cú sốc nào cũng có thể gây tăng lãi suất và thúc đẩy lạm phát. Năm 2024 có gần 40 quốc gia sẽ tổ chức bầu cử lãnh đạo.

Giới quan sát cho rằng những cuộc bỏ phiếu này có khả năng định hình “diện mạo thế giới” trong bối cảnh địa chính trị có nhiều biến động, đồng thời không ngoại trừ khả năng ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế, thu nhập và vấn đề an sinh xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.