Khủng hoảng thách thức toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nợ toàn cầu hiện vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch Covid-19.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nợ toàn cầu hiện vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch Covid-19. Theo đó, nợ trong năm 2022 là 245 nghìn tỷ USD, tương đương 238% GDP toàn cầu và đang tăng cao hơn nữa.

Cụ thể, nợ toàn cầu đang trên đà tăng từ khoảng 20% GDP năm 2005 lên gần bằng quy mô nền kinh tế toàn cầu vào cuối thập kỷ này. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, nợ toàn cầu đã tăng thêm 8.300 tỷ USD, mức kỷ lục từng ghi nhận trong một quý.

Trong khi đó, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ, bao gồm các khoản vay của chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp, hiện ở mức 307 nghìn tỷ USD, tăng 10 nghìn tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023. 4/5 mức tăng gần đây là do các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Anh thúc đẩy. Trong đó, Italy và Anh có thể tiến gần đến bờ vực vỡ nợ.

Bên cạnh đó, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Nhiều quốc gia hiện trên đà tăng trưởng với tốc độ chỉ bằng một nửa so với trước dịch Covid-19, khiến thế giới đi theo hướng tăng trưởng thấp hơn vĩnh viễn và phải đối mặt với những cú sốc kinh tế. Điều này đồng nghĩa các quốc gia không thể giữ nợ ổn định mà nợ sẽ tiếp tục tăng cao. “Vết sẹo” từ đại dịch và các cuộc xung đột sẽ khó có thể hàn gắn.

Khủng hoảng nợ toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng nhưng điều khiến giới chuyên gia ngạc nhiên là thảm họa này đã không, hoặc ít nhất chưa, xảy ra ở các thị trường mới nổi. Theo báo cáo của IMF và Ngân hàng Thế giới (World Bank), các thị trường mới nổi như Mexico, Brazil, Indonesia... không gặp khó khăn về nợ nần.

Một trong những nguyên nhân giúp họ “đứng ngoài tâm bão” là nhờ tích luỹ dự trữ ngoại hối lớn để chống lại khủng hoảng thanh khoản. Đơn cử, dự trữ ngoại hối của Brazil là 300 tỷ USD, Nam Phi là 50 tỷ USD.

Các doanh nghiệp và chính phủ ở các thị trường mới nổi đã tận dụng mức lãi suất cực thấp áp dụng cho đến năm 2021 nhằm kéo dài thời hạn trả nợ, từ đó có thêm thời gian thích ứng với điều kiện bình thường mới khi lãi suất tăng cao.

Yếu tố khác giúp các thị trường mới nổi phục hồi là tăng cường tính độc lập của ngân hàng trung ương, cho phép họ đưa ra các quyết sách, mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Khi nhận thấy dấu hiệu khủng hoảng nợ, họ đã tăng lãi suất trước cả ngân hàng trung ương của một số quốc gia tiên tiến.

Tuy nhiên, nhìn chung, ngay cả các thị trường mới nổi cũng khó có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu trong thời gian tới. Trước những biến động hiện nay như xung đột, địa chính trị, biến đổi khí hậu..., kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với kỷ nguyên lãi suất cao và lâu dài hơn.

Vì phải gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ nên các quốc gia không thể đạt được mục tiêu phát triển, tăng trưởng thấp, lún sâu vào vay mượn và đứng bên bờ vực vỡ nợ. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào tăng trưởng nếu không muốn rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Theo Ngân hàng Thế giới, điều quan trọng là tạo ra một môi trường thuận lợi và thúc đẩy tăng trưởng. Một môi trường chắc chắn sẽ kích thích khu vực tư nhân đầu tư, phối hợp với khu vực công để vực dậy những mục tiêu phát triển quốc gia, từ đó ổn định đà tăng trưởng.

Còn IMF khuyến nghị các nước cần thiết lập và triển khai chính sách công theo cách tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh thông qua các khoản đầu tư và tài trợ của khu vực này. Các tổ chức phi chính phủ và các nước phát triển cũng cần chung tay hỗ trợ các nước nghèo vượt qua thách thức trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ