Đối mặt nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuối tháng 11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 và dự đoán năm 2024.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuối tháng 11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 và dự đoán năm 2024. Nhiều vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới đã được ghi nhận trong báo cáo này.

OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 xuống còn 2,9% thay vì mức 3% đưa ra hồi tháng 9. Sang năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ hạ xuống còn 2,7% thay vì 2,9% như năm 2023. Đây được coi là mức tăng trưởng theo năm chậm nhất từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Ông Mathias Cormann - Tổng Thư ký OECD cho rằng, “dự kiến hầu hết các quốc gia, khu vực sẽ tránh được suy thoái. Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát tiếp tục ở mức cao, giá hàng hóa xáo trộn bởi xung đột Nga – Ukraine và Israel – Hamas”.

Yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm này theo dự đoán là do nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm tốc từ năm tới. Kinh tế Mỹ được dự báo chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2024, từ mức 2,4% vào năm 2023.

Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2024, từ mức 5,2% trong năm nay do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, xuất khẩu chậm lại...

Một khả năng góp phần vào tình trạng suy thoái toàn cầu là nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) sụt dốc nghiêm trọng, thậm chí có thể tăng trưởng chậm hơn một số nền kinh tế mới nổi như Bắc Mỹ, châu Á.

Hiện nay, kinh tế EU đã chịu ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao, giá năng lượng tăng vọt từ xung đột Nga – Ukraine. Điều này thể hiện qua việc Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, chỉ được dự đoán tăng trưởng 0,6% trong năm tới và đang đối mặt với suy thoái do chi phí năng lượng tăng cao.

Trước tình hình kinh tế đầy biến động, OECD cũng xem xét đến tỷ lệ thất nghiệp. Năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục nhất là trong nhóm lao động trẻ, đạt 21,3% vào tháng 6. Ước tính, hơn 1/5 lao động trẻ trong độ tuổi từ 16 – 24 thất nghiệp.

Tình trạng thất nghiệp không chỉ giảm năng suất sản xuất, mà còn hạn chế khả năng kích cầu tiêu dùng như mua sắm, du lịch..., nhất là giới trẻ ở độ tuổi mua nhà cao, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Đó là lý do dự đoán về tỷ lệ thất nghiệp được quan tâm.

Theo dự đoán của OECD, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức thấp là 5,1% cho cả năm 2024 và 2025. Tỷ lệ này dự báo sẽ tăng ở Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Australia nhưng ở Nhật Bản hay EU, tỷ lệ này sẽ ở mức thấp và gần như tương đương mức hiện tại là 6,5%.

OECD dự đoán năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chuyển từ phục hồi sau đại dịch sang tăng trưởng tiêu dùng bền vững. Dù những khó khăn vẫn còn, nước này cũng sẽ phát triển các lĩnh vực tiêu dùng mới như nhà ở thông minh, giải trí, du lịch, sự kiện thể thao... để tiếp tục phục hồi kinh tế. Nền kinh tế Mỹ giảm tốc nhưng có thể sẽ tránh được suy thoái kinh tế giống như năm 2023.

Tuy nhiên, các nền kinh tế cần theo dõi chặt chẽ biến động địa chính trị như xung đột Nga – Ukraine, Israel – Hamas để có chính sách ứng phó kịp thời với mọi thay đổi, dù là nhỏ nhất. Điều này có thể giúp các nền kinh tế tránh rơi vào bị động và kiểm soát được lạm phát vốn đang nằm ở mức cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ