Môn Lịch sử hấp dẫn hơn với Chương trình mới

GD&TĐ - Trái với lo lắng của nhiều người về việc Chương trình mới cho tự chọn sẽ khiến môn Lịch sử bị “bỏ rơi”, cô Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) lại khẳng định: Áp dụng Chương trình mới chắc chắn sẽ làm tăng tính hấp dẫn của môn Lịch sử.

Dạy Lịch sử bằng phương pháp thực tế khiến học sinh thích thú
Dạy Lịch sử bằng phương pháp thực tế khiến học sinh thích thú

Hình dung về môn Lịch sử trong Chương trình mới

Theo dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Lịch sử là một môn học cốt lõi thuộc lĩnh vực giáo dục Khoa học xã hội. Lịch sử vừa là nội dung giáo dục bắt buộc, vừa là nội dung giáo dục tự chọn ở THPT.

Cụ thể, kiến thức lịch sử cùng các nội dung kiến thức khác trong môn Khoa học xã hội là môn học bắt buộc từ lớp 1 - 9. Ở các lớp 1, 2, 3, Khoa học xã hội có tên là Cuộc sống quanh ta, tích hợp các nội dung về tự nhiên và xã hội; lên các lớp 4, 5 tách thành môn học Tìm hiểu xã hội (cùng với môn Tìm hiểu tự nhiên).

Đến THCS, kiến thức lịch sử được tích hợp trong môn Khoa học xã hội. Môn học này, ngoài các lĩnh vực kiến thức về lịch sử, địa lý, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo....

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Lịch sử sẽ đứng riêng thành môn học tự chọn đối với học sinh định hướng khoa học xã hội. Với những học sinh định hướng khoa học tự nhiên (không học các môn Lịch sử, Địa lý) sẽ học môn Khoa học xã hội, trong đó có kiến thức lịch sử.

Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể ghi rõ: Phương pháp dạy học dựa trên nguyên tắc chủ đạo là khuyến khích, tạo cho học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở giáo viên là người tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động lĩnh hội kiến thức. Kết hợp các hình thức học nhóm, học ở lớp, học thực địa bảo tàng, học theo dự án học tập, tự học...

Nội dung kiểm tra đánh giá phải tuân theo yêu cầu cần đạt về năng lực, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc. Hình thức kiểm tra, đánh giá chủ yếu là bài thi (bài kiểm tra) viết, kiểm tra miệng, trình bày kết quả dự án/sản phẩm học tập. Kết hợp tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá quá trình.

Môn Lịch sử sẽ hấp dẫn hơn

Lý giải về nhận định môn Lịch sử sẽ hấp dẫn hơn khi áp dụng Chương trình mới, cô Nguyễn Thị Thu Anh cho rằng: Lên THPT, học sinh học Lịch sử bắt nguồn từ nhu cầu của chính các em, cần cho định hướng nghề nghiệp. Nên ngoài hứng thú riêng của môn học còn có thêm hứng thú, động lực từ mục tiêu rất rõ ràng.

“Cá nhân tôi cho rằng, học sinh có thờ ơ với môn Lịch sử hay không phụ thuộc nhiều vào thầy cô giáo dạy môn học này. Ở trường, học sinh của chúng tôi rất thích môn Lịch sử. 

Ngoài các giờ học Lịch sử đã thực sự hấp hẫn được học sinh, nhà trường còn tổ chức rất nhiều các hoạt động giáo dục như: “Em yêu lịch sử Việt Nam”; các hoạt động thường niên tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ... 

Học sinh rất hứng thú, thích được tham gia, sản phẩm trình bày của các em luôn làm cho cha mẹ học sinh, các bạn cùng khối và các thầy cô giáo ngạc nhiên” – cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ.

Không chỉ môn Lịch sử mới giáo dục kiến thức lịch sử

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Minh họa cho ý kiến này, Thứ trưởng cho biết: Trong Chương trình Giáo dục phổ thông sắp tới có môn Công dân với Tổ quốc. Môn này có phần nội dung chủ yếu gồm kiến thức giáo dục công dân, kiến thức lịch sử và kiến thức giáo dục quốc phòng an ninh. Ngoài ra, trong môn Văn cũng có nhiều kiến thức lịch sử… 

Đó là nội dung bắt buộc của môn Lịch sử cần thiết cho tất cả mọi người. Đối với học sinh không chọn môn Lịch sử thì cũng được học Lịch sử ở môn Khoa học xã hội.

Còn môn Lịch sử tự chọn dành cho học sinh sau này sẽ định hướng nghề nghiệp liên quan nhiều và trực tiếp đến kiến thức, lĩnh vực lịch sử, học sinh có điều kiện đi sâu hơn để phục vụ cho việc học sau phổ thông cũng như nghề nghiệp sau này.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, hay Kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra, số học sinh lựa chọn thi Lịch sử không nhiều vì phụ thuộc vào nghề nghiệp của học sinh sau này có trực tiếp dùng đến kiến thức lịch sử hay không. Nhưng khi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử thì lại rất đông học sinh tham gia.

“Cuộc thi này đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tổ chức hàng năm, học sinh cả nước tham gia rất đông với hình thức rất phong phú. 

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi này, để nói rằng, học sinh không chỉ không thờ ơ mà còn rất quan tâm đến lịch sử” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ