Khi “Nước ngoài” tràn mi…

GD&TĐ - Giữa những ngày lặng chờ tin tức, kết quả điều tra thảm kịch 39 thi thể được phát hiện trong container đông lạnh ở Anh, thính giả Việt đã chia sẻ và truyền tai nhau cùng nghe lại ca khúc “Nước ngoài”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là ca khúc được nhạc sĩ, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh thể hiện cách đây hơn 3 năm. Vậy nên, đến giờ, chỉ chưa đầy một giây, từ khóa “bài hát “Nước ngoài” đạt đến 51 triệu kết quả trên công cụ tìm kiếm Google. Vì sao đây?

“Nước ngoài” có những ca từ gửi mẹ rất mộc mạc: “Mẹ ơi con mới xong việc, đã lâu con chưa gọi về/ Nhà ta thế nào, cha có đỡ đau ốm hơn không?/ Mùa đông đã sang rồi, mẹ nhóm than ấm cha ngồi để vơi gió rét bên trời/ Mẹ bên đây tuyết rơi nhiều, lê chân về sau ca chiều…”. “Nước ngoài” có những bâng khuâng rất đời thường: “Ngày hôm qua ai nhắn gửi cô bên nhà lấy chồng rồi.../ Người ta nói đợi nên khi biết con thấy chơi vơi.../ Tuổi xuân có mấy hồi...”.

“Nước ngoài” có những dãi bày rất thật thà: “Tha phương nổi trôi dòng đời nên con nào dám nặng lời/ Vì khi biết quê ta nghèo, rủ nhau bước đi muôn nẻo.../ Tìm đất khách mong làm giàu mai sau ngẩng đầu/ Mà đâu biết trong đêm dài người không muốn ta ở lại/ Chạy trong giá băng mệt nhoài tâm tư hoang mang”. Và suốt cả dòng chảy buồn ấy, “Nước ngoài” vẫn giữ ánh nhìn rạng rỡ: “Mẹ chớ nghĩ ngợi bên này chúng con mến thương nhau/Một mai nắng xanh trời, rời nơi nương náu một thời, về trong đôi mắt rạng ngời”.

Nhạc thì trong veo, ca từ thì nhẹ nhàng, đơn giản. Chỉ thế thôi nhưng “Nước ngoài” đã khiến bao người nước mắt tràn mi. Những giọt lệ buồn ấy càng tuôn chảy khi nghe bài hát này trong những ngày ngóng chờ tin tức về những người con xấu số nơi xứ người… Nhưng, thực ra để đạt được những điều đơn giản ấy, Phan Mạnh Quỳnh đã mất đến 2 năm thì mới có thể viết xong những lời hát.

Thế nên, giữa cái dung dị, nhẹ nhàng đó, sao ta lại nghe thấy lời độc thoại ruột gan của người con xa quê. Đấy là khúc nhạc lòng đầy đắng đót, đầy xa xót mà tràn đầy nỗi nhớ mẹ, thương cha; tràn đầy những khát khao như muôn người: “Thả đôi cánh bay xa hoài oh oh nước ngoài/ Giờ con đã ở nơi này, cuộc sống khác xa quá vậy, chỉ mong bớt lo tương lai…”. Khúc nhạc lòng theo dòng tự sự êm ái cứ thế cứa vào cảm xúc mỗi người để cùng rung lên những san sẻ, đồng cảm...

Âm nhạc sẽ luôn vĩnh cửu khi đi vào lòng người là thế. Không cần sự mĩ miều, không cần phải làm màu, không cần phải ồn ào… mà chỉ cần những thấu hiểu trước mỗi số phận để nhận được tiếng đồng vọng cất lên trong những giai điệu trong vắt, tưởng không mà là có; trong những ca từ tưởng ai cũng có thể nói nhưng lại là được chắt ra từ cảm xúc thật thà, rung động…

Và phải cảm ơn sức mạnh vô hình của “Nước ngoài” đã “âm thầm” kéo bao người ra khỏi những tranh cãi không đáng để cùng hướng đến những xúc cảm của yêu thương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Hướng đến công bằng trong tuyển sinh

GD&TĐ - Để đáp ứng đào tạo nhân lực trong bối cảnh hội nhập, đa số trường đại học quan tâm đến xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong tuyển sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG HCM đợt 1 năm 2025.

Quy đổi điểm IELTS để xét tuyển: Cơ hội hay rào cản?

GD&TĐ - Việc các trường đại học ngày càng mở rộng diện xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đang là xu thế tất yếu nhưng cũng đặt ra câu hỏi về sự đồng đều cơ hội cho mọi thí sinh, nhất là ở vùng khó khăn.