“Góc học tập” vỉa hè của sinh viên Ấn Độ

GD&TĐ - Tại Mumbai, thành phố lớn nhất xứ Ấn Độ, việc học hành thường dễ dàng thực hiện ở những góc công cộng yên tĩnh hơn là những khu học xá ồn ào, chật chội. Cách học này phải được hiểu như thế nào cho đúng?

Góc học tập vỉa hè
Góc học tập vỉa hè

Học ngoài đường dễ hơn trong nhà

“Đây là ngôi nhà thứ 2 của em”, bằng vẻ tự hào, Kasim Motorwala nói như thế khi ám chỉ đến Vườn học thuật S.K. Patil Udyan nằm ngay trên vỉa hè của con phố Charni ở thành phố Mumbai. Nằm cách nhà ga đường sắt chỉ 198m và tách biệt hoàn toàn với sự ồn ã, náo nhiệt, đó là một chỗ học với 70 ghế ngồi được quây thành hình bán nguyệt, khá trật tự và yên tĩnh.

Trên cột cây là một biển hiệu ghi rõ các quy tắc phải tuân thủ: không nói to; không sạc các thiết bị điện tử; điện thoại di động để chế độ im lặng. Sự yên tĩnh chỉ bị phá vỡ bởi tiếng sủa của con chó đi lạc. Các sinh viên chăm chú đọc sách hoặc trao đổi bài vở giữa một đống lộn xộn các tài liệu học tập. Khu vực học tập mà các em đang ngồi ở kế cạnh công viên, được che mát bởi tán cây bằng nhựa, bình lọc nước và quạt trần để xóa tan hơi nóng hầm hập bủa vây.

Kasim Motorwala, sinh viên ngành luật tròn 22 tuổi, làm bán thời gian, trải qua nhiều đêm dài để học ở đây, quăng quật với muỗi đốt và những cơn buồn ngủ ngằn ngặt. Motorwala kể: “Em đã đến đây trong suốt 3 năm học đại học với những đêm dài không ngủ để luyện thi. Nó quả là nơi cần thiết cho tụi em khi không thể học tốt trong nhà”. Hemant Agarwal, cựu học sinh, đang làm việc ở Dubai trong vai trò tư vấn quản lý thay đổi, nhớ lại: “Chính những chiếc ghế kim loại không thoải mái tại S.K. Patil đã làm tốt phần việc khi giúp tôi tỉnh ngủ”.

“Những góc học tập” như ở S0. K. Patil là “sản phẩm” của một thực trạng trầm trọng đang diễn ra tại Mumbai: thiếu không gian. 60% trong số 18 triệu dân Mumbai đang sống trong các khu nhà chật chội, nhà ở cho người thu nhập thấp, các căn hộ chưa đầy 18m2 chứa đến 4 người trở lên. Những căn phòng lại rôm rả âm thanh tivi, dụng cụ nấu ăn kêu lách cách, tiếng trẻ con khóc nhè; những thứ âm thanh quả rất bực bội cho những học sinh muốn làm bài tập về nhà.

Thực trạng đó đã thúc giục nhiều học sinh trung học và sinh viên đại học - những người sống ở các nơi ồn ào - phải tìm kiếm những nơi yên tĩnh để học tập. Nghịch lý ở chỗ, ngoài đường lại là nơi thích hợp để học hành hơn trong nhà! Phần lớn các “góc học tập” ở Mumbai đều cạnh kề các công viên và vườn tược. Song chỉ vài nơi trong số chúng được giới chức thành phố này ghi nhận.

Góc học tập Abhyas Galli
 Góc học tập Abhyas Galli

Một "lược sử" giáo dục đầy tính nhân văn

Lịch sử của các “góc học tập” trong thành phố mang đầy tính giai thoại, không ai chắc chắn rằng khi nào sinh viên sử dụng chúng để học hành.

Abhyas Galli - hay được mệnh danh là “Đường học”, nằm gần Worli Naka, một khu ngã tư sầm uất ở nội đô Mumbai. Người địa phương nói rằng tuyến “đường học” này đã được sử dụng cho việc học tập kể từ đầu thập niên 1930 sau khi Bộ Phát triển Bombay thiết lập nên các khu ki-ốt cho những công nhân dệt trú ngụ. Khi các “góc học tập” ngày càng trở nên phổ biến trong số các học sinh/ sinh viên Mumbai, giới chức dân sự, các tổ chức từ thiện và chính trị gia địa phương bắt đầu trùng tu một số chúng, họ lắp đặt thêm bóng điện hoặc trang bị thêm các trạm sạc để phục vụ. Abhyas Galli là một trong các “góc học tập” dạng này.

Học sinh Samir Yadav, kể: “Những bức tường được sơn mới gần đây. Vào mỗi kỳ thi, các chính trị gia địa phương sẽ phân phối trà và bánh quy cho học sinh/ sinh viên”. Yadav và các bạn học lớp 12 như Ayush và Akshay Pawar đã học ở Abhyas Galli trong suốt 4 năm. Tuy nhiên, hầu hết các “góc học tập” đều có tiện nghi khá nghèo nàn hoặc không tồn tại.

“Đường học” Abhyas Galli thậm chí còn không có cả nhà vệ sinh. Ánh đèn chiếu sáng cho học sinh học là từ một bảng điện gắn trên vỉa hè phố xá ở Mumbai. Và vì chỉ có vài tấm ghế gỗ, nên các học sinh thường phải ngồi xổm trên vỉa hè để học bài. Nhưng bất chấp các điều kiện tiện nghi ít ỏi, điều đáng mừng là phần lớn các “góc học tập” ở Mumbai đều kín mít học sinh đến học quanh năm, chỉ vắng vẻ vào các tháng mùa mưa (6-7-8). Học sinh/ sinh viên đến đây theo nhu cầu học tập cá nhân hoặc do người nào đó giới thiệu.

Học tại August Kranti Maidan, dưới tượng đài Gandhi
Học tại August Kranti Maidan, dưới tượng đài Gandhi 

Mahendra Devasi, 18 tuổi, sống chung căn hộ một phòng ngủ cùng với cha mẹ và mấy chị em. Khi sắp vào mùa thi vào trường y, Devasi cảm thấy học tập theo nhóm sẽ mang lại lợi ích tốt hơn. Anh Raj Janagam, 31 tuổi, người từng học hành ở Abhyas Galli từ năm 2003 đến năm 2005, giờ đây đã là một doanh nhân tại thủ đô công nghệ Hyderabad (Ấn Độ), quả quyết: “Đôi khi tại S.K. Patil, chúng tôi cùng giải một đề thi và một số người đã đưa ra các đáp số đúng. Học theo nhóm giúp tôi tập trung học và nâng cao hiệu suất hơn”.

Đối với nhiều học sinh / sinh viên ở Mumbai, “góc học tập” cũng mang lại ý nghĩa tài chính tốt. Không nhiều người học có đủ tiền để trả phí khi đến thư viện và phòng đọc. Phí hội viên để gia nhập vào các cơ sở học thuật này thường dao động từ 20 USD đến 80 USD. Để vào phòng đọc, họ phải đóng mức phí 3 USD/ tháng nhưng thường “mất hứng” khi những nơi này thường đóng cửa lúc 7 giờ tối.

Trong khi đó, những nơi học tập vỉa hè như Abhyas Galli lại sẵn sàng 24 tiếng / tuần. Và trong khi nhiều công viên ở Mumbai thường đóng cửa lúc 9 giờ tối, thì nhiều “góc học tập” lại mở cửa thâu đêm, với lực lượng bảo vệ đi tuần tra nhằm giúp học sinh / sinh viên không bị làm phiền bởi những kẻ bất lương.

Thêm nữa, do nhiều người làm việc bán thời gian thường phải về khuya, nó lại cũng giúp ích cho những sinh viên học khuya như Motorwala. Motorwala tự hào kể về những câu chuyện thành công đến với những người từng học ở “góc học tập” S.K. Patil, những học sinh đó sau này đã tốt nghiệp đại học, học lên tiến sĩ ở các ngành học quan trọng như y học, kỹ thuật hoặc kế toán điều lệ.

“Góc học tập” cũng giúp học viên tìm thấy ân nhân của họ. Đơn cử như học sinh Ghulam Jilani Quadri, giờ đây đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ - anh học về khoa học máy tính tại Đại học Nam Florida ở Tampa - và đã từng học ở công viên P.T.Mane (phía Nam Mumbai). Quỹ phúc lợi và giáo dục (EWF, một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ kinh tế cho các học sinh/ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và quản lý “góc học tập” từ năm 2005) gần đây đã hỗ trợ cho Quadri trả lệ phí nộp đơn học tập và các chi tiêu giáo dục khác.

Ông Aziz Makki, chủ tịch của EWF, cho biết “góc học tập” đã sản sinh ra 2 bác sĩ và 80 sinh viên kỹ thuật. Cũng có học viên nữ tại các “góc học tập”, số lượng họ chưa đầy một nửa so với nam sinh tại Mumbai. Các học viên nữ thường phải dừng học sớm để trở về nhà lúc 9 giờ tối vì lý do an toàn, trong khi các học viên nam có thể học trễ tới khuya, ở một vài nơi thậm chí các em còn có thể ngủ qua đêm.

Dù đường học hành còn lắm chông gai, nhưng nhiều học viên “góc học tập” ở Mumbai vẫn kiên trì cố gắng hàng đêm vì một nền học thuật cao hơn cùng tương lai xán lạn ở thành phố lớn nhất và cũng giàu có nhất Ấn Độ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ