Sau khi tốt nghiệp Á khoa ngành Quốc tế học tại một trường Đại học ở Việt Nam, sở hữu nhiều giấy chứng nhận tham gia các chương trình ngoại khóa trong nước và quốc tế, cộng số điểm IELTS đủ để đi học Thạc sĩ nước ngoài, ai cũng nghĩ tôi sẽ tiếp tục bậc cao học ở phương trời Tây đầy mơ ước, nhưng Thái Lan lại là nơi tôi đã chọn với nhiều lời bàn ra tán vào của bạn bè. Ngay cả gia đình tôi cũng rất bất ngờ vì quyết định này.
Không ai hiểu mình bằng chính mình!
Nếu là tôi của nhiều năm trước, chắc chắn chính tôi cũng không bao giờ nghĩ đến việc đi du học ở bất kỳ một quốc gia nào ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore. Cũng như đại đa số các bạn trẻ khác, tôi cũng bị ám ảnh bởi “Giấc mơ Mỹ”, khung trời Châu Âu, hay Nhật Bản, Úc, Cananda... Tuyệt nhiên không ai tự hào khoe rằng: “Con nhà tôi đi du học Thái”.
Khi đã du học Thái Lan rồi, tôi nghĩ đó là một sự thiếu thông tin.
Tôi không ngẫu nhiên chọn chương trình Thạc sĩ Khoa học xã hội - Chương trình quốc tế Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương (Master of Arts in Asia Pacific Studies - International Program tại Đại học Thammasat, Thái Lan) chỉ vì chương trình mở học bổng toàn phần cho ứng viên toàn cầu.
Mọi thứ bắt đầu từ một duyên may. Năm 2013, khi lần đầu tiên tôi tham dự một chương trình trao đổi sinh viên quốc tế được tổ chức tại trường Thammasat, tôi đã bắt đầu nghiên cứu về nền giáo dục Thái Lan.
Hệ thống giáo dục Thái Lan được đầu tư rất tốt. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Thái Lan 3,8%, đứng vị thứ 3 vào năm 2013.
Ở bậc Cao đẳng, đại học trở lên có nhiều trường tư quy mô quốc tế, đồng thời nhiều trường đại học công lập cũng có các khoa quốc tế/ liên kết, giảng dạy nhiều chuyên ngành, bằng các ngôn ngữ Anh, Thái Lan, Trung Quốc… Thực tế là các trường Đại học ở Thái Lan có rất nhiều chương trình trao đổi, liên kết với các trường đối tác từ năm thứ 2 trở đi tại các nước khác như Anh, Úc, Mỹ, do đó khi đi du học tại Thái Lan, bạn sẽ có cơ hội “đi du học trong khi đi du học” tại nhiều điểm đến du học hàng đầu thế giới hay theo học các chương trình đào tạo kép, cho phép lấy bằng của cả hai trường.
Một lợi thế khác nữa của việc du học Thái Lan là chi phí hợp lý, với mức học phí thấp hơn nhiều so với các nước Âu Mỹ hoặc một số nước châu Á khác. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt và đi lại cũng thấp. Những người bạn du học sinh tại Thái của tôi chia sẻ rằng chi phí trọn gói cho một năm học tại Thái Lan không quá 9000USD. Hơn nữa, khi đi du học tự túc ở Thái thì sinh viên không cần phải chứng minh tài chính.
Trong trường hợp bạn có kế hoạch phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực kinh tế Đông Nam Á, lợi thế tiếng Việt bản ngữ, tiếng Anh và khả năng tiếng Thái cơ bản sẽ mang đến bạn cơ hội gia nhập các tập đoàn kinh tế lớn, hoặc những doanh nghiệp trong nước quan tâm đến việc phát triển kinh doanh ở Thái Lan chẳng hạn. Chính phủ Thái Lan rất quan tâm đối với du học sinh Việt Nam cũng như các nước châu Á khác, đồng thời cũng tăng lượng học bổng cho du học sinh Việt Nam, góp phần đáp ứng đáng kể nhu cầu tuyển dụng nhân sự nói được cả ba thứ tiếng kể trên. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên cũng dễ dàng có cơ hội xin visa làm việc tại Thái theo chuyên môn được học.
Thammasat: ngôi trường dạy sinh viên biết yêu thương
Được thành lập vào năm 1934, Đại học Thammasat là trường Đại học lâu đời thứ 2 tại Thái Lan và nổi tiếng với slogan đặc biệt: “Thammasat where we learn to love the people”. Nếu Chulalongkorn là “trụ cột quốc gia” thì Thammasat là “dân chủ nước nhà”. Trường có khoảng 36.000 sinh viên theo học, trong đó số sinh viên cử nhân chiếm khoảng 5.500 sinh viên (số liệu năm 2014).
Mỗi năm, có khoảng 6,500 Cử nhân tốt nghiệp từ gần 30 khoa, trải dài trên 5 khu học xá trên toàn Thái Lan, bao gồm cơ sở chính tại Bangkok và cơ sở lớn nhất ở Rangsit.
Ban đầu, trường có tên là Đại học Đạo đức và Khoa học chính trị, gồm có 3 chuyên ngành: Khoa học chính trị, Luật và Kinh tế. Là một trường có chính sách tự do nhập học, Thammasat đã có 7.094 sinh viên ghi danh trong năm học đầu tiên. Thời kỳ này, trường chủ trương “dạy sinh viên yêu mến nền dân chủ” (By the people and for the people) và có liên quan nhiều đến vấn đề chính trị của quốc gia. Nếu ở Hollywood có Đại lộ danh vọng, thì ở trường Thammasat có một con đường lịch sử ốp đá tương tự đánh dấu tất cả sự kiện quan trọng của trường và đất nước Thái. Tôi khá thích thú với sự sáng tạo này và nhờ đó tôi có thể ghi nhớ đáng kể một vài sự kiện lịch sử. Rất nhiều lãnh đạo ở Thái đều đã từng theo học tại trường.
Thêm một điều khiến tôi yêu thích ngôi trường này là đời sống sinh viên sôi nổi chẳng khác nào trong những bộ phim truyền hình vẫn thường theo dõi trước khi đi du học. Mỗi tuần đều có sự kiện diễn ra từ thể thao, văn nghệ, cho đến luyện tập đội cổ vũ bóng đá với chuỗi backdrop, standee đầu tư khủng như các poster quảng cáo nhóm nhạc Kpop. Các bạn năng nổ nhiều cũng vì trường có quá nhiều điều kiện tốt để sinh viên thực hiện đam mê của mình.
Tôi được biết, Thammasat (cơ sở Rangsit) từng được vinh dự tổ chức Asian Games 1998. Thế mới biết trường rộng lớn như thế nào và tôi đã mất một thời gian chỉ để nghiên cứu tuyến xe buýt chạy đến các địa điểm trong trường, đôi lúc thong thả tôi cũng thường đạp xe Ofo dạo quanh trường để giải tỏa căng thẳng sau những giờ học vất vả.
Tôi đã minh chứng lựa chọn của mình như thế nào?
Chuyến du học của tôi bước đầu không phấn khởi như nhiều bạn bè cùng trang lứa, thậm chí còn ít nhiều áp lực dư luận trái chiều phải vượt qua. Nhưng tôi đã không chứng minh gì cả, bởi thực tế đã minh chứng cho quyết định của tôi.
Thammasat thuộc trường top 3 của Thái và trường top về việc đào tạo Khoa học chính trị ở Châu Á (được xếp hạng bởi Word University Ranking 2017). Học bổng Thạc sĩ của tôi tương đối cao (hơn 500.000B cho khóa học 16 tháng). Chương trình học hoàn toàn bằng Tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của các giáo sư tốt nghiệp từ các trường hàng đầu như Oxford, Havard,Manchester, Cambridge, ANU, và Tokyo với đa dạng các môn học thuộc 4 lĩnh vực chính: Kinh tế, Luật, Chính trị và Quan hệ quốc tế.
Mặc dù đã trải qua hơn một năm học tập ở đây nhưng tôi khó có thể mà thuộc tên của các giảng viên một cách chính xác, vì bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường, chúng tôi còn được học cùng các chuyên gia quốc tế đến từ các Bộ ngành các nước, WTO, APEC, UNESCAP và một số giảng viên thỉnh giảng từ các trường Đại học khác như Chulalongkorn, Kyoto, ANU.
Cũng chính nhờ sự đa dạng và mới mẻ từ kiến thức, cũng như địa điểm học tập phong phú, có những buổi học chính là việc tham dự các Hội nghị quốc tế, Buổi tọa đàm ở UNESCAP và các tổ chức khác, đã làm cho việc học tập trở nên sinh động và cuốn hút hơn bao giờ hết.
Với tôi, đi học cũng là đi chơi, đi giao lưu và khám phá. Đó là chưa kể đến việc học viên lớp học, chắc chỉ có tôi là sinh viên đúng nghĩa đen, vì các bạn quốc tế cùng lớp tôi đa số đều là các anh chị, cô chú cán bộ, chuyên viên nhiều kinh nghiệm đến từ các Bộ ngành, NGO, trường Đại học.
Chính nhờ thế mà các buổi học thật sự không phải là sự tiếp nhận thông tin thuần từ giảng viên, mà tôi luôn có cảm giác đang được tham dự các phiên họp cấp cao vậy. Học từ thầy cô chưa đủ, tôi còn học được rất nhiều từ bạn bè cùng lớp.
Thông qua những trải nghiệm cá nhân tôi chia sẻ trên Facebook, rất nhiều bạn trẻ đã liên hệ và chia sẻ rằng họ muốn được học tập cùng môi trường như tôi. Càng ngày, tôi cảm thấy rất tự hào và tự tin hơn rất nhiều với sự lựa chọn của mình. Tôi nhớ thầy hướng dẫn luận văn của tôi bảo rằng: “Bằng chứng sẽ không là minh chứng cho mọi sự sai sự thật. Và không có bằng chứng nào thật hơn bản chất của sự thật”.