Chương trình bị cho là đã tạo ra nhiều con nợ suốt đời và dẫn đến một chiến dịch xóa nợ. Trong bối cảnh này, một số ý kiến đã nêu ra cách thay thế để đảm bảo người nghèo có thể tiếp cận giáo dục đại học.
Phía sau chiến dịch xóa nợ
Chiến dịch xóa nợ cho sinh viên được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ Thái Lan đã thông qua một dự luật sửa đổi để giải quyết vấn đề này. Theo đó, chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất cho người đi vay, không phạt tiền đối với người không trả được nợ và không yêu cầu người bảo lãnh. Những thay đổi này sẽ giúp khoảng 3,4 triệu sinh viên Thái Lan vỡ nợ khỏi bị kiện vì không trả được tiền.
Theo các nhà vận động đòi xóa nợ cho sinh viên, các khoản nợ không chỉ là gánh nặng đối với sinh viên cũ mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, các nhà phê bình đã gọi dự luật là một “âm mưu bầu cử”.
Sau khi dự luật sửa đổi được thông qua tại hạ viện Thái Lan vào tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai, cho biết, đây là luật nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri. Theo ông, quỹ nên đưa ra các cách để thúc đẩy người đi vay hoàn trả.
Theo giáo viên tiếng Anh Pattama Vilailert, đồng thời là một nhà tư vấn du lịch ở Bangkok, đây là một chiến dịch để xóa bỏ con nợ, không phải xóa quỹ, do vậy SLF sẽ vẫn tồn tại. Các nhà vận động muốn con nợ không phải trả nợ và muốn chính phủ cấp tiền cho họ.
Bà Pattama Vilailert nhấn mạnh, kể từ đại dịch Covid-19 năm 2020, nhiều người thất nghiệp và SLF đã liên tục đưa ra các biện pháp để giúp đỡ những người đi vay. Theo cuộc khảo sát thường niên vào tháng 8 của Đại học Thương mại Thái Lan, các hộ gia đình Thái Lan đang phải vật lộn với mức nợ cao nhất trong 16 năm.
Trong khi đó, nguyên nhân phía sau các vụ vỡ nợ bao gồm áp lực lạm phát và xu hướng các con nợ không coi việc trả nợ là ưu tiên. Theo ban quản lý quỹ cho vay, trong số 6,4 triệu người đi vay, khoảng 2,5 triệu người không trả được nợ trước hạn.
Vào thời điểm SLF được thành lập với số vốn 80,5 triệu USD từ hơn 20 năm trước, nó được dự định là một quỹ quay vòng với các khoản hoàn trả để tiếp tục hoạt động.
Năm 1997, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) buộc Chính phủ Thái Lan phải cắt giảm trợ cấp giáo dục đại học để sinh viên nhận được hỗ trợ cho vay từ ngân hàng. Trợ cấp của chính phủ cho các trường đại học bị giảm và sinh viên buộc phải trả học phí cao hơn.
Khoản vay sinh viên được cho là giảm khoảng cách về cơ hội giáo dục. Ảnh: Bangkok Post |
Giảm khoảng cách về cơ hội giáo dục
Để giúp các gia đình khó khăn tiếp cận giáo dục đại học, vào thời điểm trên Chính phủ Thái Lan đã giới thiệu SLF cung cấp các khoản vay.
Ông Chuan Leekpai khẳng định, SLF có mục đích giúp đỡ sinh viên nghèo và nó đã thành công trong việc giảm khoảng cách về cơ hội học tập. Ông cho biết sửa đổi hiện tại đối với đạo luật SLF sẽ mở đường cho nhiều vụ vỡ nợ hơn và làm suy yếu tính thanh khoản của quỹ. Ông cũng cáo buộc các trường đại học tư nhân khuyến khích sinh viên của họ không trả các khoản vay.
“Nếu chúng ta nhìn vào các con số, sinh viên vỡ nợ tại các cơ sở tư nhân rất cao. Tài chính là quan trọng, và trách nhiệm tài chính cũng vậy”, ông Chuan Leekpai lập luận và cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích việc hoàn trả khoản vay.
Tiến sĩ Kamolrat Intaratat, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý Tri thức truyền thông và phát triển tại Đại học mở Sukhothai Thammathirat, tin rằng, chương trình cho sinh viên vay có lợi cho người thuộc nhóm thu nhập thấp hơn.
Hiện có những lời kêu cân nhắc về vấn đề tài trợ cho trường đại học và hỗ trợ sinh viên khi họ đang học đại học, thay vì hủy bỏ khoản nợ tích lũy. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc tăng trợ cấp của chính phủ cho trường đại học hoặc giáo dục đại học “miễn phí” sẽ được hỗ trợ như thế nào.
Các nhà vận động đòi xóa nợ cũng đang thúc đẩy mở rộng giáo dục miễn phí từ cấp tiểu học và trung học đến giáo dục đại học. Một số người cho rằng, điều này có thể giúp nhà nước ít thiệt hại hơn so với việc xóa nợ.
Ông Pumsaran Tongliemnak, quyền Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục bình đẳng, cho biết sẽ rất tốt nếu chính phủ có thể cung cấp giáo dục đại học miễn phí cho mọi công dân, nhưng thừa nhận rằng điều này có thể khó thực hiện.
Trong một chương trình đặc biệt được phát sóng gần đây về vấn đề SLF, ông Pumsaran Tongliemnak cho biết, trước đây, nhiều người không tin nền giáo dục của 1,4 triệu sinh viên đại học Thái Lan cần được trợ cấp vì cho rằng hầu hết các gia đình có đủ khả năng chi trả.
“Trong vài thập kỷ qua, học phí đại học đã tăng đáng kể”, ông Pumsaran nhấn mạnh, “Vì vậy, tôi nghĩ rất khó để thúc đẩy chính phủ chi trả cho giáo dục đại học của người dân”. Tuy nhiên, theo ông, SLF cần “điều chỉnh một chút”, chẳng hạn như dỡ bỏ các hình phạt nặng nề áp dụng cho những người không trả được nợ.
Đề xuất rút ngắn thời gian học tập
Bà Intaratat của Đại học mở Sukhothai Thammathirat cho biết, tình hình đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Bà nhấn mạnh, ngay cả khi học đại học được miễn phí, cũng không có nhiều bạn trẻ muốn theo học. Bây giờ, sinh viên muốn kiếm tiền và việc làm. Đa số sinh viên thích các khóa học ngắn hạn, các khóa học nhanh chóng có thu nhập như thiết kế đồ họa. Bà cho rằng cần thiết kế một hệ thống giáo dục khác. Trong khi đó, Bộ Giáo dục đang khuyến khích các trường đại học đưa ra các con đường thay thế.
Theo bà Intaratat, một trong những kế hoạch đang được xem xét ở Thái Lan là cho phép những người trẻ tuổi đi làm ngay sau khi đi học. Kiến thức họ thu được trong công việc có thể được lưu trữ trong “ngân hàng tín chỉ” để sử dụng sau này nếu họ muốn học lên cao hơn. Điều này có thể làm giảm thời gian sinh viên học để lấy bằng, ví dụ, giảm từ 4 xuống 2 năm và họ sẽ có tiền tiết kiệm được trong khi làm việc để học đại học.