Gỡ 'nút thắt' nhân lực chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo ý kiến của nhiều đơn vị tuyển dụng, Việt Nam đang thiếu hụt lao động có tay nghề cao; thiếu năng động, sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp...

Nhân công giá rẻ vừa là điểm thu hút nhưng cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam.
Nhân công giá rẻ vừa là điểm thu hút nhưng cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam.

Theo ý kiến của nhiều đơn vị tuyển dụng, Việt Nam đang thiếu hụt lao động có tay nghề cao; thiếu năng động, sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

Khan hiếm lao động chất lượng cao

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động đang tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với năm trước. Tuy nhiên, số lao động kỹ năng còn thấp, lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau dù có tăng, song số có bằng cấp, chứng chỉ vẫn ở mức thấp, là thách thức trong việc hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao.

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70%, song tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt từ 27 - 27,5%. Trong khi đó, nhu cầu về nhóm lao động trình độ cao luôn được doanh nghiệp săn đón, bất chất sự sụt giảm lao động ở một số phân khúc trình độ khác.

Yêu cầu tuyển dụng lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong quý IV/2023, với 53,7%. Đồng thời, có sự cách biệt khá lớn so với các nhóm trình độ còn lại, như không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm hơn 7% và yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cũng chiếm chưa đến 40%.

Ông Trình Xuân Hinh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Phát triển nhân lực Xuân Thanh nhìn nhận, nhu cầu về lao động có trình độ cao vẫn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, cơ khí, điện, điện tử…

Với các vị trí này, doanh nghiệp thường được đối tác có nhu cầu đưa ra mức lương trung bình từ 800 USD đến trên 2.000 USD tùy theo năng lực. “Trình độ chuyên môn, bằng cấp và ngoại ngữ là ba yếu tố nếu người lao động đảm bảo được thì doanh nghiệp luôn sẵn sàng chi trả mức lương rất cao”, ông Hinh cho hay.

Thừa nhận Việt Nam đang rất “khát” lao động trình độ cao, bà Lê Trà Phương, Giám đốc khối nhân sự Công ty Groovy cho rằng, điều này có một phần bắt nguồn từ khâu đào tạo trước đây.

Theo bà Phương, thực tế khi các doanh nghiệp FDI có nhu cầu đầu tư và mở các nhà máy tại Việt Nam, họ luôn quan tâm đến nguồn nhân lực, song khi thực hiện phỏng vấn, tuyển dụng các lực lượng lao động có chất lượng cao thì rất khó.

Thực trạng về nguồn lao động tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đang có nhu cầu về nhóm nhân lực thuộc phân khúc trình độ này.

Và điều hiển nhiên khi không tìm kiếm được nguồn lao động chất lượng cao trong nước, các doanh nghiệp FDI bắt buộc phải tuyển dụng lao động nước ngoài vào để thực hiện các công việc có tính chất chất lượng cao, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất.

“Tôi được biết phần lớn ở các doanh nghiệp FDI khi tuyển dụng nhân sự mang tính chất trọng yếu, then chốt hầu hết đều là người nước ngoài, đây là thực trạng rất đáng buồn cho lực lượng chất lượng cao của Việt Nam hiện nay”, bà Phương bày tỏ lo ngại.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần cải thiện chuyên môn, kỹ năng mềm

Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam vẫn đang còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.

Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ông Đỗ Đức Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Nhân Kiệt nhìn nhận, một trong những hạn chế của lao động Việt Nam là tính kỷ luật. Là đơn vị trung gian cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, bao gồm nhiều doanh nghiệp FDI, ông Chí cho hay, đơn vị đã nhận được các phản hồi từ đối tác về việc một số lao động của chúng ta có tính kỷ luật chưa cao, hiệu suất công việc chưa tốt. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo và thực tiễn khiến nhiều lao động khi vào doanh nghiệp phải đào tạo lại kiến thức chuyên môn. Theo ông Chí, đây cũng là những vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới.

Với Bộ LĐ-TB&XH, trong kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao tiếp tục được nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, công tác đào tạo sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.