Khát nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

GD&TĐ - Tại Hội thảo “Chất lượng nguồn nhân lực tài chính ngân hàng trong quá trình hội nhập” do Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa tổ chức, nhiều ý kiến đánh giá: Thách thức lớn của ngành Tài chính ngân hàng (TCNH) Việt Nam hiện nay là khan hiếm nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Khát nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Vừa thừa lại vừa thiếu

Các đại biểu chỉ ra thực trạng ngành TCNH với nguồn nhân lực vừa thừa lại vừa thiếu, cụ thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như xây dựng chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, thanh toán quốc tế, đầu tư quốc tế...

Theo TS Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - cho biết hàng năm, Việt Nam thừa khoảng 30.000 cử nhân ngành TCNH. Theo ông Sơn, nguồn nhân lực TCNH dồi dào nhưng tồn tại nhiều hạn chế: Các ứng viên chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu tự tin trong giao tiếp, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc nhất là khi xử lý tình huống phức tạp, kiến thức chuyên môn còn hạn chế. Ông Sơn phân tích sở dĩ có thực trạng trên là do chất lượng đào tạo còn thấp, chủ yếu đào tạo lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn người sử dụng, chưa có cơ chế “nhà tuyển dụng - cơ sở đào tạo”…

“Trong thời gian tới, nhân sự cấp cao trong lĩnh vực TCNH tại sẽ tiếp tục khan hiếm ở các vị trí chuyên gia quản lý rủi ro, quản lý cấp trung và chuyên gia tài chính đầu tư. Vì vậy, nếu không có kế hoạch bồi dưỡng những ứng viên kế cận cho các vị trí cấp cao thì trong vài năm tới tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân sự lãnh đạo trong ngành TCNH càng nghiêm trọng hơn” - TS Nguyễn Sơn  nhấn mạnh.

ThS Lã Thị Kim Anh, Trường ĐH Kinh tế và QTKD Thái Nguyên nêu lên các con số: Hiện cả nước có khoảng 40 cơ sở đào tạo TCNH, trong đó có 24 trường ĐH với tổng số sinh viên ra trường mỗi năm khoảng 11.000 và khoảng 7.000 sinh viên của các trường CĐ. Bà Kim Anh cho biết theo kết quả điều tra mới đây của một tổ chức chuyên nghiệp cho thấy cứ 25 - 30 tân cử nhân TCNH xin việc thì chỉ có một người nhận được việc làm. Còn theo kết quả khảo sát của Viện Nhân lực ngân hàng – tài chính, cho thấy trong năm 2012 và 2013 có khoảng 30.000 – 32.000 và đến năm 2016 là khoảng 61.000 sinh viên TCNH ra trường nhưng chỉ có khoảng 15.000 đến 20.000 người được nhận vào làm việc tại các ngân hàng.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành TCNH, bà Nguyễn Phan Yến Phương, giảng viên Học viện Ngân hàng, cho rằng việc nghiên cứu và triển khai giải pháp thúc đẩy các cơ sở đào tạo mở rộng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại nhằm phối hợp chặt chẽ về nội dung đào tạo gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội là vấn đề cấp thiết.

Theo bà Yến Phương, về phía các hệ thống ngân hàng nên đẩy mạnh hỗ trợ giảng viên, sinh viên những kiến thức, tình huống xử lý trong thực tế, từ đó hạn chế tình trạng phải đào tạo lại nguồn nhân lực sau khi tuyển dụng. Đồng thời, định hướng các chương trình đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng các mục tiêu của ngành trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

ThS Tô Thị Thanh Trúc, Trường ĐH Kinh tế - Luật phân tích: Ở Việt Nam trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ thất thoát, thua lỗ dẫn đến việc đóng cửa, sáp nhập các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại… nguyên nhân là do những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của những người liên quan. Theo ThS Thanh Trúc, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải được xem là một phần quan trọng trong đào tạo nhân lực ngành TCNH. “Ở Việt Nam, mỗi đơn vị như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đều ban hành bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp để hướng dẫn nhân viên theo cách đảm bảo lợi ích của tổ chức đó nhưng chưa có một bộ quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn đạo đức chung cho toàn ngành TCNH do cơ quan có thẩm quyền hoặc hiệp hội nghề nghiệp ban hành” - ThS Trúc nói.

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng BIDV, lại nêu lên kết quả thống kê có đến 60% các vụ án lớn đều liên quan đến TCNH. Nó xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp của những người làm trong ngành TCNH. Vì vậy theo ông Lực, cần phải có những quy chuẩn đạo đức cho những người làm trong lĩnh vực TCNH.

TS Nguyễn Sơn cho biết, theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành TCNH sẽ là 120.900 người, tăng gấp đôi năm 2016. Ông Sơn cho biết, yêu cầu đặt ra cho chất lượng nguồn nhân lực TCNH trong thời hội nhập là phải có tiêu chí sử dụng nhân lực quản lý và tác nghiệp ở từng vị trí làm việc; người lao động phải tự trang bị kiến thức, ngoại ngữ, công nghệ để có thể làm việc độc lập và ở nhiều quốc gia, phải cập nhật kiến thức vĩ mô và các nghiệp vụ mới, hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.