Gỡ 'nút thắt' để văn hóa trở thành ngành công nghiệp tỷ đô

GD&TĐ - Giới quản lý, chuyên gia cũng kỳ vọng công nghiệp văn hóa sẽ thành ngành công nghiệp “tỷ đô”, đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đang được kỳ vọng đạt doanh thu 125 triệu USD vào năm 2030.
Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đang được kỳ vọng đạt doanh thu 125 triệu USD vào năm 2030.

Sau 7 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, quan niệm “văn hóa là ngành tiêu tiền” vẫn chưa được gỡ bỏ, vẫn chưa thể bứt phá khi chưa hình thành được hệ sinh thái văn hóa sáng tạo.

Ở nhiều nước “văn hóa là tiền”!

Ngày 9/7, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các “nút thắt”, giải quyết các thách thức ngăn trở để công nghiệp văn hóa thực sự trở thành ngành công nghiệp “tỷ đô” của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết: Tháng 9/2016, Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua thực tiễn 7 năm triển khai, chiến lược còn một số tồn tại hạn chế, nảy sinh nhu cầu phải có một bản chiến lược mới.

Giới chuyên gia đồng ý rằng, với nhiều quốc gia thì công nghiệp văn hóa thực sự là “gà đẻ trứng vàng” hay còn được ví là “cỗ máy in tiền”. Trung Quốc là ví dụ tiêu biểu, năm 2018 nước này sản xuất hơn 1.000 bộ phim, tổng cộng 323 chương trình truyền hình được phép phát hành, doanh thu phòng vé đạt 60,9 tỷ NDT (khoảng 9 tỷ USD).

Trung Quốc đứng đầu thế giới về xuất bản sách, về số loại ấn phẩm xuất bản. Đồng thời là thị trường phim lớn thứ hai, với số lượng phòng chiếu phim nhiều nhất thế giới. Doanh thu của các trò chơi trực tuyến do Trung Quốc phát triển tại các thị trường nước ngoài đạt 9,59 tỷ USD năm 2018.

Nước này cũng chỉ định 13 cơ sở xuất khẩu văn hóa quốc gia nhằm thúc đẩy thương mại văn hóa. Nhật Bản và Hàn Quốc lại xác định “văn hóa là tiền”, khai thác tối đa nguồn văn hóa sẵn có để văn hóa trở thành lĩnh vực kinh tế trụ cột, không chỉ đem lại lợi nhuận khổng lồ, mà còn quảng bá hữu hiệu hình ảnh đất nước.

Trở lại câu chuyện công nghiệp văn hóa ở nước ta, với lợi thế nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận các hạn chế khó khắc phục. Đó là cơ chế, chính sách chưa mang tính mở, đặc biệt trong hoạt động quản lý văn hóa bộc lộ nhiều mâu thuẫn.

“Chúng ta cần khách quan và cởi mở thừa nhận, hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá, điều chỉnh kịp thời và thích ứng với bối cảnh để tối đa hóa nguồn lực, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này”, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho hay.

go nut that de van hoa tro thanh nganh cong nghiep ty do (1).jpg
Hội thảo đã thu thập những ý kiến đóng góp chuyên sâu từ các chuyên gia, nghệ sĩ và người thực hành văn hóa.

Kỳ vọng thành ngành “tỷ đô”

Trong khi tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa là “con gà đẻ trứng vàng” thì tại Việt Nam – theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương vẫn tồn tại quan niệm “văn hóa là ngành tiêu tiền”. Đây là một trong những yếu tố tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh rào cản quan niệm, chính sách công – tư cũng là một “nút thắt” khó gỡ. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, có sự đối xử phân biệt về mặt chính sách với đội ngũ sáng tạo ngoài Nhà nước. Đội ngũ này gần như không được hưởng thụ chính sách ưu đãi, dẫn tới hạn chế cạnh tranh. Bởi vậy, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên được chia đều để thúc đẩy sự công bằng và khích lệ tư nhân.

Cũng ở góc độ tư nhân, nghệ sĩ Trương Uyên Ly – Giám đốc Hanoi Grapevine khẳng định, khu vực tư nhân tạo ra lực đẩy làm cho công nghiệp văn hóa phát triển nhanh. Vì vậy cần có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp, gia hạn thanh toán cùng các vấn đề khác về hạn mức, định mức.

Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành “tỷ đô”, bà Nguyễn Thị Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho rằng, cần phải gỡ bỏ các “nút thắt” cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng mở rộng thị trường, phát triển các quỹ văn hóa, sớm có hướng dẫn cách thức “gọi vốn đám đông”.

Theo thống kê, năm 2022 các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 4,04% GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Giới quản lý, chuyên gia cũng kỳ vọng công nghiệp văn hóa sẽ thành ngành công nghiệp “tỷ đô”, đóng góp 7% GDP vào năm 2030, doanh thu ngành điện ảnh đạt 250 triệu USD, doanh thu ngành thiết kế đạt 1 tỷ USD, thủ công mỹ nghệ đạt mức kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, kỳ vọng là một chuyện, còn thực tế có thực hiện được hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tó. Song, trước mắt theo khuyến cáo của giới chuyên gia và những người thực hành văn hóa sáng tạo, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, cần sự chung vai góp sức của nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, doanh nhân, nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế…

Và quan trọng, phải tháo gỡ được các “nút thắt”, giải quyết các thách thức ngăn trở, xây dựng được hệ sinh thái văn hóa sáng tạo, có chính sách phù hợp khích lệ sự phát triển toàn diện ở cả lĩnh vực công – tư.

“Hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ.

Trên cơ sở thu thập những ý kiến đóng góp chuyên sâu từ các chuyên gia, ban tổ chức sẽ tổng hợp để có một bản đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày càng hoàn thiện”, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.