Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, đề án vẫn chưa được thông qua dù nhiều lần đưa ra bàn thảo.
Thiếu nhân, vật lực
Theo thống kê, Quảng Nam có 65 hồ bơi trong trường tiểu học, THCS. Con số này quá thấp so với số lượng 445 trường toàn tỉnh (chiếm chưa đến 13%).
Không chỉ vậy, hệ thống hồ bơi tư nhân trên địa bàn cũng khiêm tốn với khoảng 53 hồ. Đa phần số hồ bơi này phục vụ vui chơi giải trí, kinh doanh và nằm ở khu vực thành thị. Vì vậy, nhiều trường ở vùng cao gặp khó khi liên kết để triển khai dạy bơi cho học sinh. Thầy cô phần lớn chỉ dạy lý thuyết và tuyên truyền học sinh biết cách phòng tránh đuối nước. Đáng nói, nhiều giáo viên dạy thể chất chưa được đào tạo huấn luyện, cấp chứng chỉ dạy bơi.
Cô Trần Thanh Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Đại Lộc) cho biết, phổ cập bơi cho học sinh cần đầu tư thời gian, kinh phí và nhân sự đủ lớn mới có thể dạy, đảm bảo cho các em biết bơi. Hiện, rất ít trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh có bể bơi và hạng mục này không nằm trong danh mục cơ sở vật chất.
“Việc đầu tư vận hành một hồ bơi trong nhà trường yêu cầu nhiều tiêu chuẩn và nguồn kinh phí khá lớn. Mặt khác, đa số thầy cô tốt nghiệp cử nhân sư phạm thể chất, giảng dạy các môn Thể dục, vận động cơ bản chứ không bắt buộc biết bơi. Trong khi đó, để dạy bơi cần huấn luyện viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Đây là khó khăn chưa thể giải quyết”, cô Thanh Hoa nói.
Dạy bơi tại Trung tâm Cộng đồng TP Tam Kỳ, anh Nguyễn Văn Tưởng cho rằng: Dạy bơi giỏi phải biết phân tích đúng sai về kỹ thuật. Người dạy bơi có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn sẽ biết hướng dẫn người học bơi thích ứng tốt với môi trường nước (có thể đứng, xoay các hướng, thở trong nước...), tiếp đó mới triển khai dạy kỹ thuật các kiểu bơi.
“Nếu dạy bơi kiểu “mì ăn liền” không theo quy trình chuẩn thì người học chỉ biết bơi một cách máy móc và như vậy dễ bị “đuối”, cũng như không biết ứng phó khi xảy ra sự cố trong lúc bơi. Do đó, người dạy bơi cần đáp ứng đủ kiến thức, kỹ năng”, anh Tưởng chia sẻ.
Ngành Giáo dục Quảng Nam đang thiếu hồ bơi lẫn giáo viên dạy bơi cho học sinh. Ảnh: TG |
Các trường học cần chú trọng tổ chức luyện tập môn bơi cho học sinh. Ảnh: TG |
Tháo nút thắt
Theo thống kê, số lượng học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh biết bơi hiện nay gần 67 nghìn em, tương đương 28%. Thiếu hồ bơi, thiếu người dạy là lý do khiến số lượng trẻ biết bơi cách khá xa chỉ tiêu dự thảo đưa ra năm 2025 là tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho trên 40% học sinh và đến năm 2030 là trên 60%.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD&ĐT TP Tam Kỳ cho rằng, nếu mỗi trường học có 1 bể bơi phục vụ dạy, học bơi và tổ chức các hoạt động liên quan đến bơi thì chỉ tiêu trên có thể đạt được. Tuy nhiên, rất khó để thực hiện vì cần nhiều kinh phí xây dựng, vận hành, bảo quản hồ bơi và nhiều khó khăn khác.
Trưởng phòng GD&ĐT TP Tam Kỳ đề xuất cần xây dựng hồ bơi theo cụm trường học; căn cứ số trường, học sinh các cấp học để phân bổ số lượng bể bơi cho phù hợp. Đồng thời, các cấp quản lý cần có quy định, hướng dẫn cơ chế quản lý, vận hành sao cho phù hợp để đảm bảo duy trì hoạt động hồ bơi đạt chất lượng, hiệu quả.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành nhiều nghị quyết thực hiện phổ cập bơi. Tuy nhiên, từ nghị quyết đến thực tiễn là một vấn đề nan giải mà các cấp, ngành của tỉnh chưa thể thực hiện.
Điển hình như, từ năm 2016, Đề án Phổ cập bơi cho trẻ em đã được giao trách nhiệm cho Sở VH,TT&DL soạn thảo. Sau đó, sở GD&ĐT được phân công tiếp tục soạn thảo, song đến nay, đề án vẫn chỉ dừng lại dự thảo.
Theo dự thảo đề án, giai đoạn 2025 - 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 33% trường học có hồ bơi và 65% học sinh được phổ cập bơi. Để thực hiện mục tiêu này, toàn tỉnh đầu tư xây dựng 81 hồ bơi (47 di động và 34 cố định) và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí hơn 77 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công 62 tỷ đồng, nguồn sự nghiệp 15 tỷ đồng.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, đề án đã đưa ra bàn thảo nhiều lần, có cả lấy ý kiến các ngành theo quy định nhưng hiện chưa được thông qua.
“Nguyên nhân bởi vướng Luật Đầu tư công. Theo luật này, nếu muốn đưa nguồn kinh phí sử dụng cho giai đoạn 2025 - 2030 thì bắt buộc phải đến năm thứ 4 của kỳ trước, tức là năm 2024 mới đủ điều kiện làm hồ sơ, thủ tục đầu tư công. Sở đang hoàn thiện nội dung, đến tháng 9 năm nay sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua”, ông Tường lý giải.
Như vậy, vấn đề của Quảng Nam hiện nay là thiếu một kế hoạch đầu tư dài hơi, toàn diện, có tầm nhìn chiến lược, quy mô cả tỉnh trong việc phổ cập bơi. Việc đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức phổ cập bơi vẫn thực hiện theo kiểu tự phát, tùy theo quan tâm và điều kiện từng địa phương. Cùng đó tồn tại nghịch lý trường học có bể bơi nhưng thiếu trang thiết bị, dụng cụ dạy bơi. Kinh phí để vận hành, bảo trì hồ bơi cũng khiến các trường “đau đầu”.
Những điều này vô hình trung khiến việc phổ cập bơi cho học sinh vẫn là bài toán nan giải, khó dứt điểm trong một sớm một chiều. Do đó, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng cùng tháo gỡ vướng mắc.
Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam cho biết, theo quy hoạch tỉnh mới công bố thì có 60% trường học phổ cập bơi cho học sinh nên cần thiết phải đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy bơi. Số tiền 62 tỷ đồng đầu tư công không lớn nhưng bố trí chỗ này sẽ hụt chỗ khác.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030 chưa có cơ sở để xác định nên phải chờ Bộ KH&ĐT hướng dẫn việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn thì mới có căn cứ tham gia ý kiến về khả năng cân đối nguồn vốn.