Điều này gia tăng cơ hội cho học sinh, nhưng sự mới mẻ, khác nhau của đề thi giữa các trường khiến không ít giáo viên, học sinh túng lúng và vất vả trong quá trình ôn luyện.
Thầy, trò đều lúng túng
Phạm Thu Trang - học sinh lớp 12 tại quận Ngô Quyền (Hải Phòng) đăng ký thành công dự thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đợt tháng 4. Trang chọn kỳ thi này vì kết quả được số lượng lớn trường đại học sử dụng để xét tuyển, từ đó tăng cơ hội đỗ vào trường mình yêu thích. Đặt quyết tâm vào kỳ thi, em đã tìm kiếm lớp ôn thi trên mạng.
“Lớp em có 39 học sinh thì 10 bạn đăng ký thi đánh giá năng lực, 8 bạn thi đánh giá tư duy. Các bạn đều học một khóa trên mạng của thầy Văn Hoa HAS; tài liệu là cuốn “20 đề đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, NXB Dân trí”, Phạm Thu Trang chia sẻ.
Theo thầy Phan Quang Bình - giáo viên Toán, Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên), vài năm gần đây, thi đánh giá năng lực là sự lựa chọn vào đại học của không ít học sinh THPT. Tại Trường THPT Trần Quang Khải, có khoảng 30% học sinh khối 12 đăng ký kỳ thi này.
Đánh giá năng lực là kỳ thi còn mới, phổ kiến thức rộng, đòi hỏi học sinh hiểu sâu và đúng bản chất. Vì thế, đa số học sinh lựa chọn thi đánh giá năng lực có kiến thức nền và khả năng tự học tốt, không học lệch, tự tin, bản lĩnh khi làm bài.
Với mong muốn đạt kết quả cao trong kỳ thi, học sinh nhà trường đã chủ động tìm hiểu cấu trúc đề qua các kênh thông tin, trang web trường đại học dự định xét tuyển; đồng thời chủ động hỏi thầy, cô giáo bộ môn, lên kế hoạch tìm kiếm tài liệu, ôn luyện trong thời gian dài. Tài liệu chủ yếu tự tìm kiếm, mua qua Internet nên các em lúng túng trong kiểm chứng mức độ chính xác của kiến thức.
Chia sẻ điều này, thầy Phan Quang Bình đồng thời thừa nhận không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng lúng túng trong cách tiếp cận các kỳ thi riêng của trường đại học, trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Mỗi trường có hình thức ra đề, nội dung kiến thức khác nhau nên khó định hướng, ôn luyện. Về tài liệu, giáo viên phải tự tìm kiếm, tham khảo và cùng trao đổi về kiến thức ôn luyện cho học sinh.
“Chúng tôi mong các trường đại học thống nhất chung một cấu trúc đề, quy định chi tiết nội dung kiến thức trong mỗi phân môn của đề để học sinh khỏi hoang mang trong quá trình ôn luyện; giáo viên cũng tự tin hơn khi định hướng cho các em. Ngoài ra, tôi hy vọng các trường đại học tăng thêm số lượng thi và mở rộng băng thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học”, thầy Phan Quang Bình bày tỏ.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Lịch sử, Trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình), cô Nguyễn Thị Thoa cho biết, lớp có khoảng 10 học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Học sinh ôn luyện các kỳ thi này khó khăn hơn nhiều so với thi tốt nghiệp THPT bởi đề thi tích hợp nhiều môn, cả môn tự nhiên và xã hội.
Giáo viên chỉ có thể ôn một trong số nội dung ở bài thi vì không thầy cô nào hiểu biết chuyên sâu các nội dung của bài. Do đó, học sinh thường đăng ký lớp ôn đánh giá năng lực và tư duy trên mạng, đi học thêm. Tài liệu cũng do giáo viên tự biên soạn hoặc mua trên mạng.
Thí sinh thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023. Ảnh: VNU |
Cẩn trọng tài liệu, luyện thi
Trước việc học sinh tìm mua tài liệu, đăng ký ôn tại các lớp luyện thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội khẳng định, vai trò của các trung tâm luyện thi không nhiều với kỳ thi đánh giá năng lực. Bởi bài đánh giá tương đối rộng, không hỏi mẹo, hỏi khó, đánh đố, đòi hỏi học sinh học tương đối đầy đủ chương trình THPT.
Học sinh chỉ cần có thái độ học nghiêm túc, học đầy đủ trên lớp là có thể làm tốt. Trên thực tế, nhiều em đạt điểm thi đánh giá năng lực tốt đến từ vùng nông thôn, những nơi việc luyện thi trên mạng không phổ biến.
Với tài liệu ôn thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, ĐHQG Hà Nội đã công bố tường minh, mạch lạc trên website những thông tin liên quan đến đề thi (đề minh họa, đề cương chi tiết, dạng thức, cấu trúc đề thi, phần kiến thức có trong đề thi…). Đây chính là tài liệu ôn thi chính thức. Giáo viên, học sinh căn cứ vào tài liệu này để dạy học, ôn tập. Toàn bộ kiến thức trong đề thi thuộc chương trình giáo dục phổ thông. Riêng môn Ngữ văn, ngữ liệu có thể có hoặc không có trong sách giáo khoa.
“Đợt thi đầu tiên kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của ĐHQG Hà Nội diễn ra trong hai ngày 23 và 24/3. Theo nhận định sơ bộ, thí sinh dự thi năm 2024 cố gắng làm bài thi, tinh thần thái độ dự thi quyết tâm hơn so với các năm trước; các em vững tâm hơn khi dự thi, ôn tập và chuẩn bị kỹ”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin thêm.
Với kỳ thi đánh giá tư duy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: ĐH Bách khoa cung cấp tài liệu hướng dẫn ôn tập và trải nghiệm bài thi trên nền tảng trực tuyến (hệ thống thi TSA) miễn phí cho thí sinh.
Chuỗi bài giảng, hướng dẫn ôn tập cho từng phần của bài thi cũng được đơn vị xây dựng dưới dạng học liệu số; cùng đó là các tài liệu mô tả về kỳ thi, đề cương từng phần thi, nhóm cộng đồng tư vấn riêng cho kỳ thi. Với cá nhân, hội nhóm chào mời ôn thi đánh giá tư duy trên mạng, thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ; nếu ôn tập, nên lựa chọn tổ chức lớn, có uy tín.
Hiện có khá nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển, bao gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Việt Đức, Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Cửu Long, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh...