Gỡ khó cho xuất khẩu gạo

GD&TĐ - Bộ Công Thương đã xây dựng xong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp. Theo dự thảo nghị định mới, nhiều quy định xuất khẩu gạo bị xem là “rào cản” sẽ được tháo gỡ. 

Gỡ khó cho xuất khẩu gạo

Nhiều mặt hàng gạo sẽ được xuất khẩu mà không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận...

DN được tạo điều kiện tối đa

Theo dự thảo, một số điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không còn phù hợp về kho chứa, cơ sở xay xát, dự trữ lưu thông, hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung... sẽ được bãi bỏ.

Thay vào đó, các điều khoản trong dự thảo quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng không quy định quy mô kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo, chỉ quy định các cơ sở phải đáp ứng quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành. Ngoài ra, các cơ sở phải đáp ứng đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Đồng thời dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo theo lộ trình do Bộ Công Thương ban hành thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo.

Đối với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân được xuất khẩu không hạn chế về số lượng, chỉ phải thông báo hợp đồng xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện tối đa để đẩy mạnh xuất khẩu gạo khi trong dự thảo đã bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định về giá sàn; giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5%.

Thêm nữa, quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng được bãi bỏ, thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Như vậy, sắp tới, “quyền” của VFA sẽ bị hạn chế, thay vào đó là doanh nghiệp chủ động với kế hoạch xuất khẩu của mình, thông qua đăng ký trực tuyến.

Tăng cường liên kết để nâng cao chất lượng

Điểm quan trọng nhất trong dự thảo nghị định lần này là quy định hàng loạt các điều khoản về đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu, đồng thời tăng cường liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như giải quyết được vướng mắc trong thời gian qua đối với các đối tượng kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cụ thể, xóa số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu không quá 105 đầu mối; xóa luôn địa bàn đầu tư nhà máy, cơ sở xay xát, thay vì 2 năm phải bảo đảm tối thiểu 20.000 tấn thì nay theo dự thảo mới, nếu 12 tháng mà không xuất khẩu thì sẽ xem xét.

Đặc biệt hơn là trong dự thảo nghị định thay thế có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng cánh đồng lớn và vùng nguyên liệu an toàn, dư lượng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng, bao bì, ghi nhãn, đóng gói, bảo quản, cũng như tiêu chuẩn quốc gia đối với mặt hàng gạo xuất khẩu...

Nhằm thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành hoặc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo.

Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, người sản xuất lúa có trách nhiệm thực hiện cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo đã ký.

Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đàm phán mở cửa thị trường; chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin thị trường, thực hiện chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại...

Dự báo của VFA, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2016, tức là khoảng 5 triệu tấn.                                                                                                                                                                                                          Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta chỉ đạt 1,28 triệu tấn với kim ngạch gần 570 triệu USD, giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.