Gỡ khó cho khoa học

GD&TĐ - Việc theo học các ngành khoa học cơ bản vốn được xem là có cơ hội nghề nghiệp kém hấp dẫn hơn, tính thương mại hóa thấp...

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Cuối tháng 12, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã tổ chức hội thảo chủ đề “Khoa học cơ bản: Vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Nhiều ngành “trắng” người học

Tại hội thảo, GS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) đã nêu lên tình hình của khoa học xã hội và nhân văn trong bố́i cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Chủ trương xã hội hoá và cải cách giáo dục đại học đã làm thay đổi diện mạo của giáo dục sau trung học.

Các trường cao đẳng giảm mạnh hoặc được nâng cấp làm gia tăng số trường đại học. Sự phát triển của nền đại học giai đoạn này có sự chuyển động gắn liền với sự vận động của nền kinh tế theo định hướng thị trường và thị trường lao động. Nền kinh tế càng phát triển theo chiều sâu càng làm cho quá trình chuyên môn hoá lao động diễn ra phong phú và phức tạp.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giáo dục sau giai đoạn trung học ngày càng phải thích ứng, tập trung vào các ngành kinh tế và kỹ thuật của nền kinh tế đang giai đoạn chuyển dịch sang công nghiệp và dịch vụ. Giáo dục đại học Việt Nam những năm gần đây đang chuyển động mạnh theo khuynh hướng chuyên biệt hoá. Các ngành kinh tế, kỹ thuật trở thành nơi thu hút số lượng lớn sinh viên với mong muốn có một nghề nghiệp, thu nhập tốt cho tương lai.

Đặc thù của các ngành khoa học cơ bản là nghiên cứu các vấn đề mang tính tổng quát, lý thuyết, các quy luật vận động phát triển của tự nhiên lẫn xã hội, đồng thời có cả quá trình thử và sai, có độ trễ, đôi khi tính bằng thập niên để được ứng dụng thành công và mang lại giá trị gia tăng; kết quả của nghiên cứu cơ bản thường được công bố dưới dạng các ấn phẩm khoa học và hầu như chưa mang lại lợi ích thương mại trực tiếp.

Song song với việc tiệm cận nhu cầu thị trường lao động, quá trình tự chủ đại học đang diễn ra với nhiều mức độ và cách thức khác nhau nhưng thực tiễn cho thấy chi phí học tập đại học gia tăng đáng kể. Điều này lại dẫn đến tình trạng học sinh và gia đình sẽ cân nhắc nhiều hơn việc theo học các ngành khoa học cơ bản vốn được xem là có cơ hội nghề nghiệp kém hấp dẫn hơn, tính thương mại hóa thấp trong thị trường lao động hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ về thông tin tuyển sinh của các ngành khoa học cơ bản trong giai đoạn các năm 2018 - 2022, cho thấy trường duy trì tỉ lệ tuyển mới các ngành khoa học cơ bản vào khoảng 30% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Năm 2022 có giảm nhẹ về số lượng và tỉ lệ so với hai năm trước. Một số ngành khoa học cơ bản rơi tiếp tục rơi vào tình trạng khó tuyển.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Đáng chú ý, một số ngành đặc biệt khó tuyển khi không có sinh viên hoặc rất ít sinh viên. Chẳng hạn như ngành Hải dương học năm 2018 không có sinh viên, năm 2019 cũng chỉ có 2 sinh viên. Tương tự, ngành Tài nguyên và môi trường nước (tên gọi cũ là Thủy văn học) trong hai năm 2017 và 2019 không có sinh viên nào học, còn năm 2018 cũng chỉ có 2 sinh viên. Ngành Địa chất vào năm 2019 cũng “trắng” sinh viên theo học. Các ngành này đồng thời cũng tuyển dưới 20 sinh viên/năm trong nhiều năm.

Cần giải pháp đồng bộ

“ĐHQG Hà Nội từ vài năm trở lại đây đã được đầu tư kinh phí để thực hiện đề án áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản. Tháng 7/2022, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã phê duyệt Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022 - 2023 nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội”, PGS Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên theo học một số ngành khoa học cơ bản, Chính phủ đã có quy định về việc miễn, giảm học phí cho người theo học các ngành này. Tuy nhiên, các trường cũng cần có những chính sách ưu đãi riêng.

Những giải pháp đầu tư, chính sách đãi ngộ sẽ có hiệu quả và thu hút người học. Tuy nhiên, đó mới chỉ góc độ đầu vào, cần thiết có sự đồng bộ trong quá trình đào tạo và sử dụng sản phẩm đầu ra. Trường được đầu tư cần nỗ lực trong hoạt động tổ chức đào tạo, giữ chân người học với ngành học, trang bị đủ kĩ năng và kiến thức cần thiết theo chuẩn đầu ra kì vọng.

Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế, công cụ để đánh giá năng lực, thiên hướng của người học để có thể phân nhóm người học, xác định họ có tố chất đi vào nghiên cứu chuyên sâu hay không, để các suất đầu tư đạt hiệu quả. Đầu tư kinh phí cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học cũng cần được nâng lên để khuyến khích việc biên soạn giáo trình, chất lượng giảng dạy.

Xã hội cũng cần chung tay đảm bảo đồng bộ đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo. Các cơ quan hữu trách cần có dự báo và đặt hàng cụ thể về nhân lực khoa học cơ bản cần bổ sung, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài của nguồn nhân lực cơ bản, được đào tạo tinh hoa bằng những thiết chế về tuyển dụng, đãi ngộ; Đảm bảo người tốt nghiệp, đạt được chuẩn năng lực nghề nghiệp hay được tuyển dụng sẽ có mức thu nhập đảm bảo cuộc sống, tiếp tục tâm huyết với ngành nghề, nâng cao trình độ và đóng góp.

Nhà nước có quy định kèm theo chế tài hạn chế hoặc thậm chí xử lí pháp luật đối với các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực được đầu tư đào tạo mà không chi trả phù hợp, coi nhẹ đầu tư khoa học cơ bản của Nhà nước. Làm được như vậy thì ngay từ khâu tuyển sinh, yếu tố nghề nghiệp đã là tiêu chí để xem xét chọn người học, đồng thời tạo động lực cho sinh viên.

Theo PGS Nguyễn Thị Hồng Minh, số lượng sinh viên nhập học các chương trình đào tạo khoa học cơ bản giai đoạn 2014 đến 2018, đến nay đã hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp có tỉ lệ trung bình khoảng 60%. Có thể thấy đây là tỉ lệ khôg cao, tuy nhiên so với tỉ lệ trung bình tốt nghiệp của tất các ngành đào tạo trong năm của trường trong cùng giai đoạn chỉ đạt 47%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ