Đây là hoạt động thường niên giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với hai viện hàn lâm và hai đại học quốc gia (ĐHQG), nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và nguồn nhân lực lên tầm cao mới.
Tại hội nghị nhiều nhà khoa học đã có ý kiến đóng góp, thẳng thắn nhằm tháo gỡ nhiều vấn đề. PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng đã đến lúc cần có cơ chế đồng giám sát trong hoạt động khoa học để minh bạch các sản phẩm, kết quả nghiên cứu, qua đó cùng nhau chia sẻ, đánh giá.
Sẽ có nhiều chiến lược mới mẻ về KHCN
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KHCN&ĐMST, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động KHCN&ĐMST.
Đặc biệt, Bộ sẽ nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ những bất cập trong hệ thống luật pháp và chính sách để KHCN&ĐMST phục vụ phát triển KTXH, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách về kinh tế, đầu tư, thương mại; Tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp.
Bộ KH&CN sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST như là cầu nối để KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển KT-XH, qua đó tạo bứt phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Ông Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM nêu ý kiến đóng góp tại hội nghị. |
Song song đó là các giải pháp thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN lần thứ tư.
"Đặc biệt, Bộ KH&CN sẽ thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp; Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN; Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế" - ông Huỳnh Thành Đạt nói.
Cần nhanh chóng tháo gỡ nhiều vướng mắc
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, dù chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ hiện đã được điều chỉnh, đổi mới nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đơn cử như khi viết bài khoa học, nghiên cứu xong các nhà khoa học còn phải làm thanh quyết toán, thủ tục giải ngân đề tài tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, cần tháo gỡ, từng bước đơn giản hóa các thủ tục và giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài. Không nên biến nhà khoa học thành kế toán viên, đã đến lúc có cơ chế đồng giám sát.
Những hạn chế bất cập, cần tháo gỡ ngay lúc này là gia tăng ngân sách chi đầu tư cho con người, mà cụ thể là cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của các thầy cô. Bởi như hiện nay ngân sách cho khoản này là vô cùng hạn chế. Lý do một phần là do thực hiện chính sách cắt chi thường xuyên đối với các đơn vị thực hiện tự chủ đại học (ĐHQG TPHCM có 6/7 trường thành viên đã tự chủ).
Vấn đề đầu tư cho KHCN chưa thực sự trọng tâm trọng điểm, nhất là việc xây dựng các chương trình nghiên cứu phục vụ phát triển của vùng, phát triển đất nước còn dàn trải. Song song đó, các chính sách hỗ trợ chưa thực sự thúc đẩy ĐMST, khởi nghiệp cho sinh viên, cho thầy cô giáo...đã gián tiếp kiềm tỏa sự phát triển của hoạt động NCKH, đổi mới sáng tạo" - PGS.TS Vũ Hải Quân nói.
Một đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. |
PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học và công nghệ ĐHQG TPHCM cho rằng Nhà nước cần sớm ban hành thể chế, cơ chế, chính sách thí điểm mô hình đổi mới sáng tạo cho các đại học quốc gia trong việc triển khai theo sự phân công đặt hàng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Phải có sự đột phá lớn để thúc đẩy hoạt động KHCN. Với một quốc gia đang phát triển và xem thành tựu của KHCN là chìa khóa cho sự đổi mới, phát triển thì vai trò kiến tạo của Nhà nước về lĩnh vực KHCN&ĐMST là đặc biệt quan trọng. Nhà nước cần có chỉ đạo, định hướng các mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là các giải pháp thúc đẩy để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ một cách mạnh mẽ" - PGS.TS Lâm Quang Vinh nêu ý kiến.