Giúp trò yêu môn Địa lý hơn

GD&TĐ - Đó là việc mà cô giáo Nguyễn Thu Hiền (Trường THCS2 Thị Trấn Thanh Ba,huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) cố gắng làm trong suốt 15 năm đứng lớp. Trong khi nhiều người cho rằng môn Địa lý chỉ là môn học phụ, thì cô Hiền lại có những phương pháp đặc biệt khiến cho các em HS yêu thích môn này hơn.

Cô Hiền đang hướng dẫn HS trong tiết học thực hành
Cô Hiền đang hướng dẫn HS trong tiết học thực hành

Khó khăn không nản

Tốt nghiệp đại học năm 2003, cô Hiền được giao về một trường thuộc huyện miền núi Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ.Vừa mới ra trường, lại phải công tác một mình nơi miền quê heo hút, xa lạ, cô giáo trẻ gặp không ít khó khăn.

Cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ môn học khi ấy vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Trong khi đó, đối với môn Địa lý cô giảng dạy, nhiều em HS vùng quê nghèo này tỏ ra không mấy hứng thú. Cứ mỗi lần đứng lớp, cô Hiền lại cố gắng thay đổi phương pháp dạy để thu hút HS đối với môn học của mình.

Không chỉ vậy, dù chỉ là giáo viên một môn học không mấy ai quan tâm, nhưng cô Hiền lại tỏ ra lo lắng trước tình trạng HS bỏ học sớm. Không đành lòng nhìn lớp học ngày càng vắng, tuy đang mang thai, nhưng cô Hiền vẫn cố gắng đi cùng các cô giáo chủ nhiệm vận động HS tới lớp.

Năm ấy, cô Hiền mang thai đôi, sức khỏe cũng trở thành một vấn đề lớn khi cô công tác xa chồng, không có ai chăm sóc. Đôi lúc, tưởng chừng như những khó khăn ấy làm giảm bớt tình yêu nghề của cô. Nhưng may mắn thay, ở chính ngôi trường còn thiếu đủ thứ này, vẫn có tình đồng nghiệp không bao giờ vơi cạn. Dù kinh nghiệm giảng dạy còn ít, nhưng cô Hiền luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của đồng nghiệp, giúp cô quên đi nỗi niềm xa gia đình.

Đến bây giờ, khi đã được chuyển về trường THCS2 Thị Trấn Thanh Ba, cô vẫn không thể quên những khó khăn thuở mới vào nghề, cô tâm sự: “Sống xa gia đình hàng trăm cây số, thiếu thốn đủ thứ nhưng tình yêu nghề khi ấy không cho tôi bỏ cuộc. Mỗi lần đến lớp, chỉ cần có một hai em HS chú ý học, tôi lại tự nhủ phải cố gắng hơn”.

“Địa lý không phải môn học phụ...”

Cô Hiền luôn tích cực sử dụng công nghệ trong giờ học
Cô Hiền luôn tích cực sử dụng công nghệ trong giờ học

Khi được chuyển công tác, cô Hiền được giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi. Kinh nghiệm bồi dưỡng chưa có, cô Hiền buộc phải đi tìm tòi, học hỏi từ những thầy cô dạy giỏi trong và ngoài huyện, thậm chí cô còn tìm tới tận nhà những thầy cô đã nghỉ hưu.Bên cạnh đó, cô Hiền cũng phải tự tìm thêm tài liệu, cập nhật nhiều thông tin bổ ích ngoài môn học, tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để tạo hứng thú cho HS.

Trong khi nhiều em HS không dành nhiều thời gian cho môn Địa lý, cô Hiền luôn cố gắng liên hệ thực tiễn nhiều hơn trong các giờ học, để chứng tỏ rằng, môn nào cũng có những thú vị cần khám phá. Đối với những giờ học về châu lục, các hiện tượng tự nhiên... cô giáo không giỏi công nghệ này cũng cố gắng vận dụng những video hay, cuốn hút HS vào tiết học. Theo cô, hình ảnh trực quan và phim tài liệu sẽ dễ dàng được HS quan tâm hơn là ép các em học thuộc lý thuyết trong sách giáo khoa.

Mỗi khi gặp khó khăn trong việc khuyến khích HS vào đội tuyển HS giỏi Địa, cô Hiền luôn kiên trì thuyết phục phụ huynh. Cô chia sẻ: “Nhiều phụ huynh, HScoi môn Địa lý là môn phụ nên chẳng cần để ý. Vì lẽ đó, mình cần thay đổi cách nghĩ cũng như cách dạy thế nào cho tốt môn học này. Tuy là môn ít tiết, nhưng môn Địa lý cung cấp cho HS rất nhiều kiến thức thực tế, vốn sống sau này. Quan trọng là khơi gợi cho các em lòng yêu thích, khám phá thiên nhiên đất nước, con người...”.

Tính đến nay, cô Hiền đã có 10 năm kinh nghiệm bồi dưỡng HSG môn Địa lí tại trường THCS2 Thanh Ba. Bằng sự giảng dạy nhiệt tình, cô và trò của đội tuyển liên tục mang về nhiều giải Nhất, Nhì trong các kỳ thi cấp tỉnh. Đặc biệt, điểm thi môn Địa của trường THCS2 Thanh Ba qua các kỳ thi khá cao, liên túc giữ thứ 13/261 trường THCS của tỉnh Phú Thọ.

“Từ khi về trường, cô giáo Nguyễn Thu Hiền có tiến bộ chuyên cao môn, trở thành giáo viên bồi dưỡng cốt cán của huyện, của tỉnh. Việc đội tuyển HSG môn Địa lý do cô Hiền dẫn dắt đạt được nhiều giải cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển HSG của trường THCS2 Thanh Ba, đồng thời tạo nguồn cho các lớp khối xã hội tại các trường THPT trong địa bàn. ”- Cô Phan Thị Hoài Thanh, Phó Hiệu trưởng trường THCS2 Thanh Ba cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Phước) tham gia chương trình hướng nghiệp do Trường Đại học Gia Định tổ chức. Ảnh: M.Ngọc

Rút gọn phương thức tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH dự kiến rút gọn số lượng phương thức tuyển sinh, chú trọng đánh giá năng lực đầu vào trong mùa tuyển sinh 2025 sắp tới.