Đó là ý tưởng của cô Hiệu trưởng Trần Thúy An, bắt đầu triển khai từ năm học 2015 - 2016. Vì trường đã có sẵn một số nhạc cụ, nhưng chỉ để dạy âm nhạc thì thấy uổng quá, nên cô đã quyết định đặt ở sảnh trường để HS chơi. Phụ huynh thấy thế liền góp thêm kinh phí để mua thêm nhạc cụ cho phong phú như guitar, trống, sáo... tạo nên “dàn nhạc công cộng” học đường.
Tiếp thêm nghị lực cho học trò kém may mắn
Ấn tượng và đặc biệt nhất trong đó là tiếng đàn piano quen thuộc mỗi ngày của em Đỗ Hoàng Phúc, HS lớp 7A8 và chuẩn bị lên lớp 8. Em đặc biệt bởi em là cậu học trò duy nhất trong trường có sức khỏe không may mắn, em bị u tủy sống từ năm hai tuổi khiến hai chân em bị teo quắt lại và phải di chuyển bằng nạng, cơ thể em vì thế cũng gầy còm. Hiện, hầu như ngày nào em cũng phải tập vật lý trị liệu, mỗi tháng phải tái khám, thi thoảng phải mổ để hạn chế sự phát triển của bệnh. Ba mẹ em đều đi làm xa ở Đà Nẵng, một tháng chỉ về thăm nhà 2 - 3 lần nên em sống cùng ông bà ngoại.
Điều đặc biệt ở Phúc là dù không may mắn như các bạn, nhưng từ tiểu học đến nay, em luôn là HS giỏi của trường, được thầy cô và bạn bè quý mến. Đáng chú ý nhất là cậu rất mê âm nhạc, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ cũng như có giọng hát ấn tượng. Từ khi “dàn nhạc công cộng” của nhà trường ra đời, buổi sinh hoạt nào cũng có sự góp mặt của Hoàng Phúc.
Trò chuyện với Phúc, nét mặt em luôn hiện rõ sự thông minh, lanh lẹ và vui vẻ. Thi thoảng, bạn bè của em lại chạy đến dắt em lại chơi nhạc cùng các bạn hoặc đi đâu đó trong trường chơi cho vui. Phúc cho hay, em biết chơi nhạc từ năm 6 tuổi, mỗi khi rảnh hoặc stress là em lại chơi với cây đàn cho khuây khỏa. Em có thể đánh thành thạo hơn 20 bài hát và vẫn đang tiếp tục học đánh thêm nhiều bài khác nữa. Ngoài ra, em còn biết đánh trống thùng, đọc rap.
“Từ khi có cây đàn này em vui lắm. Em vẽ lại xấu nên ngoài chơi nhạc em không biết chơi gì được nữa cả, chắc chỉ học bài hoặc đi lại cùng các bạn thôi. Vì em bị hạn chế đôi chân nên mỗi ngày, em chỉ biết luôn cố gắng học thật tốt, ngoài học ở trường em còn đi học thêm Toán và Tiếng Anh ở ngay đối diện trường để biết thêm nhiều kiến thức hơn” – Phúc chia sẻ.
Có lẽ chính hoàn cảnh và năng khiếu của Phúc đã thôi thúc cho cô Trần Thúy An quyết định tạo nên dàn nhạc công cộng này. Cô Thúy An cho biết, khi Phúc mới vào lớp 6 thấy thương lắm, vì em phải di chuyển bằng nạng, người cũng gầy còm, thế nhưng em lại rất thông minh và học giỏi. Nhà trường cũng không biết làm gì để giúp em, chỉ động viên gia đình làm hồ sơ chứng nhận khuyết tật cho em để em được hưởng thêm chính sách hỗ trợ và ưu tiên khi thi cử sau này.
Cô Thúy An tâm sự: “Có nhiều HS đến đây chơi nhạc mỗi ngày nhưng nhìn Hoàng Phúc tự tin chơi nhạc là thành công lớn nhất trong ý tưởng này của tôi. Bởi ngay từ khi Phúc mới vào trường với đôi chân như thế, ai nhìn em cũng không khỏi thấy tội nghiệp. Nhưng từ khi có cây đàn ở đây, nhìn cách cậu bé đàn, tôi cảm nhận dường như cây đàn đã mang lại cho cậu một nghị lực lớn lao. Hình ảnh mọi người thương em, tội nghiệp em lúc đầu giờ thành cái nhìn của sự ngưỡng mộ và em cũng thấy tự hào, tự tin hơn trước các bạn”.
Kết nối những tài năng âm nhạc
Nói về lí do đề ra ý tưởng độc đáo của mình, cô An cho hay mong muốn HS được thể hiện năng khiếu chơi nhạc một cách thoải mái như ở nước ngoài đã làm, giúp sân trường trở nên vui nhộn và ý nghĩa hơn. Quan trọng hơn, cô muốn đánh thức sự tự tin, thỏa mãn ước mơ cho học trò nào đó đang âm thầm đam mê.
“Đàn công cộng nhưng nó gắn kết các em với nhau, nó giúp các em có động lực học thêm nhiều bản nhạc khác và học tập tốt hơn thì đó được xem là thành công trong giáo dục rồi. Ngay cả chỉ cần làm điều gì đó khiến HS cảm thấy hạnh phúc, hoặc giúp em nào đó lấy lại được niềm tin hoặc đơn giản là thay đổi thái độ của mọi người về em đó thì tôi thấy đó cũng là hạnh phúc lớn nhất của mình” – cô An tâm tư.
Cũng từ ý tưởng về dàn nhạc cụ đó, trường đã tập hợp và kết nối được những em yêu và có năng khiếu chơi các nhạc cụ này để sinh hoạt, với các thành viên thường trực hiện nay gần chục em. Mỗi khi trường có các ngày hội hay chương trình gì đó thì nhóm này sẽ gộp thành một nhóm để biểu diễn đàn hát gây quỹ từ thiện hoặc giúp cho các hoạt động của trường vui nhộn hơn.
Như em Nguyễn Hoàng Minh Khoa, HS lớp 8A8, mặc dù em chỉ thích các điệu nhảy hiện đại và chơi bóng rổ, nhưng em vẫn hay lân la lại dàn nhạc này nghe khi các bạn hát chờ ba mẹ đến đón. Khoa cho hay, em thấy những nhạc cụ công cộng ở trường rất hay và ý nghĩa. Sau một ngày học căng thẳng mà được nghe mấy bạn chơi nhạc thì đã lắm, rất thư giãn và mình có thể hùa hát theo.
“Theo em, để phát huy hiệu quả dàn nhạc này hơn nên tạo đà để các bạn có thể tự tin chơi với nhau bằng cách khuyến khích tạo nên các nhóm chơi nhạc theo từng lớp hoặc khối lớp. Giáo viên cần động viên đam mê của những bạn biết chơi nhạc để các bạn mạnh dạn tham gia hoặc tạo ra các hình thức thi thố, giao lưu giữa các nhóm để thu hút HS lui đến chơi hơn” – Minh Khoa nói.
Trao đổi về dàn nhạc độc đáo của nhà trường, thầy Trần Văn Tân, giáo viên dạy Toán, cho biết, việc để các nhạc cụ như vậy sẽ giúp HS giải trí trong lúc chờ ba mẹ đón, sau những giờ học căng thẳng và cũng là nơi các em có thể trình diễn năng khiếu của bản thân. Những bạn nào đến sớm cũng có thể chơi nhạc cụ như một cách khởi động tốt cho một ngày mới tốt hơn. Cũng khá nhiều HS có ngón đàn điêu luyện, không chỉ piano mà còn guitar hay mandolin, trống được thể hiện ra; điều mà trong các giờ sinh hoạt lớp hay thậm chí là các giờ học nhạc chính thức, các em vẫn còn e dè chưa dám bộc lộ.