Khi đó, trẻ cần sự lắng nghe chủ động của cha mẹ. Đồng thời, phụ huynh cần chia sẻ với con về việc dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn khi triển khai vắc-xin.
Tư duy “mở”
Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường học các cấp từ mầm non, tiểu học tới trung học, đại học trên cả nước bắt đầu tổ chức dạy trực tiếp trở lại. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh còn “e dè” và lo rằng, trẻ có thể trở thành F0. PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, khi trẻ trở lại trường, chắc chắn sẽ có nguy cơ.
Bởi, hiện, chúng ta không còn theo chính sách “Zero Covid”. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trong cuộc sống, ai cũng phải đối diện với tình trạng biến động, bất định và phức tạp cao. Do đó, phụ huynh và trẻ cần biết phân biệt giữa nguy cơ - tỷ lệ mắc phải và tự trấn an.
PGS Nam cho rằng, nguy cơ trở thành F0 sẽ tồn tại như nguy cơ bị tai nạn khi tham gia giao thông. Dù luôn phải đối diện với nguy cơ tai nạn, nhưng bằng việc tuân thủ đúng luật, quy tắc an toàn giao thông, chúng ta có thể an toàn.
“Vì vậy, việc đi học trở lại cũng cần được các phụ huynh tư duy mở. Hãy cân nhắc giữa nguy cơ dịch bệnh (có thể kiểm soát được) khi trở lại trường và những hậu quả có thật, trầm trọng, lâu dài khi trẻ ở nhà (từ bạo hành, tai nạn thương tích, tổn thương sức khỏe tâm thần và mất các cơ hội phát triển trong tương lai). Từ đó, nhất quán trong thái độ thể hiện”, chuyên gia khuyến cáo.
PGS Trần Thành Nam dẫn chứng, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đi học trực tiếp giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Đồng thời, tốt cho sự phát triển của não bộ. Trong khi đó, Covid-19 gây ra những lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục được.
Cụ thể, nhiều trẻ thiếu hụt các kỹ năng làm toán và đọc viết cơ bản (với học sinh tiểu học). Học sinh các cấp học rơi vào tình trạng sa sút trong học tập, giảm khả năng tập trung, nhận thức cấp cao và tư duy phản biện. Với học sinh độ tuổi nhỏ, hoạt động chủ đạo của các em là giao tiếp và vui chơi.
Việc này giúp phát triển toàn diện về mặt nhân cách, như năng lực ngôn ngữ, khả năng vận động khéo léo, xử lý tình huống xã hội, tuân thủ nguyên tắc các trò chơi và kiểm soát cảm xúc tiêu cực khi phải chờ đợi...
Tạo tâm thế tốt cho trẻ
Chia sẻ về việc nhiều phụ huynh lo ngại khi trẻ tới trường, PGS Nam nhấn mạnh, nếu cha mẹ nhất quán rằng, trở lại trường là cần thiết và có lợi thì sẽ tạo được tâm thế tốt cho con.
Bởi, theo chuyên gia này, cha mẹ là người có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đến cảm giác an toàn và an tâm của con. Cha mẹ là người cam kết suốt đời với trẻ, là nhà đầu tư không cần hoàn lại.
“Việc đi học trở lại có thể khiến một số trẻ vừa háo hức vừa lo lắng. Các em có thể cảm thấy thiếu động lực tham gia những hoạt động từng yêu thích ở trường vì nhiều nguyên do khác nhau.
Nhiều em có thể trải qua sang chấn tâm lý, mất đi người thân, hoặc cảm thấy choáng ngợp trước lượng thông tin khổng lồ trên các kênh như mạng xã hội hay truyền hình về nguy cơ khi trở lại trường.
Vì vậy, các em cần sự lắng nghe chủ động của cha mẹ. Cần sự hỗ trợ tích cực từ cha mẹ để thay vì bàn tán về ai đã mắc Covid-19, nhà ai cách ly..., hãy tập trung giúp những người đã khỏi hội nhập.
Đồng thời, chia sẻ về việc dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn thế nào khi triển khai vắc-xin. Nhắc nhau những giải pháp an toàn bảo đảm cho bản thân và những người xung quanh...”, chuyên gia khuyến cáo.
Ngoài ra, cha mẹ cần chấp nhận 3 bình thường khi con trở lại trường. Trong đó, việc có cảm xúc tiêu cực là bình thường. Khi đó, cha mẹ hãy bình thường hóa lo âu. Ngoài ra, việc trẻ cảm thấy ái ngại, cô lập, khác biệt so với cảm nhận về trường lớp trước đây cũng là bình thường. Hoặc, trẻ mắc lỗi do không bắt kịp những thứ diễn ra xung quanh như nội dung học tập cũng là bình thường...
“Để giúp các em thích nghi nhanh hơn với việc trở lại học tập trực tiếp, cha mẹ hãy chuẩn bị để con sẵn sàng hơn về thể chất, tâm thế tình cảm, trí tuệ, cũng như quan hệ xã hội”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.