Giúp thí sinh thi THPT quốc gia ôn tập tốt môn Hóa học giai đoạn “nước rút“

GD&TĐ - Cô giáo Nguyễn Lệ Hà - Giáo viên dạy giỏi môn Hóa học - trường THPT Đống Đa (Hà Nội) - chia sẻ một số kỹ năng ôn tập và làm bài thi để đạt điểm cao môn Hóa học trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Lệ Hà: "Nội dung đề thi THPT quốc gia môn Hóa học bám sát chương trình THPT, chủ yếu là kiến thức lớp 12 (tăng cường độ phân hóa và có nhiều câu hỏi mở).

Đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Vì vậy, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.

Đặc thù của môn Hóa học là kiến thức vừa dài, rộng, sâu. Phần lý thuyết chiếm 50-60% tổng điểm của bài thi.Vì vậy, trong một khoảng thời gian không còn nhiều để ôn tập, học sinh cần phải có phương pháp tốt nhất để đạt hiệu quả cao".

Cô Lệ Hà đưa ra một số lưu ý cụ thể đối với từng phần kiến thức, giúp học sinh tiết kiệm thời gian ôn tập mà vẫn có thể nắm vững kiến thức cơ bản nhất vì đề thi thường chỉ xoay quanh khối kiến thức này - trong những kiến thức được sách giáo khoa trang bị.

Kỹ năng ôn tập lý thuyết hóa học:

Rà soát kiến thức, khoanh vùng và ôn luyện theo chuyên đề.

Không nên biến lý thuyết hóa thành một khối lượng kiến thức khổng lồ cần học thuộc lòng theo cách “học vẹt”, “đọc chay” mà cần hiểu rõ bản chất của phương trình.

Các em cần biết công thức cấu tạo, suy luận, so sánh và liên hệ giữa các phần, sau đó tổng kết theo một dàn ý ngắn gọn, kiến thức cô đọng nhất của từng bài, từng chương. Sử dụng thành thạo bản đồ tư duy . Như vậy các em sẽ nhớ lâu hơn và biết vận dụng tối ưu kiến thức để giải quyết vấn đề khi làm bài thi.

• Trong từng chuyên đề ôn tập học sinh cần lưu ý các nội dung:

- Tên gọi: Nắm được cách đọc tên các chất (Thông thường, quốc tế)

- Tính chất vật lý: Trạng thái, màu sắc, mùi vị, tính tan, t0nc, t0sôi,…

- Cấu tạo: Biết được đặc điểm cấu tạo của từng loại hợp chất, liên kết trong phân tử, viết được công thức cấu tạo cho từng loại hợp chất. Đối với phần hữu cơ lưu ý các qui tắc, qui luật( qui tắc cộng vào liên kết bội, qui tắc thế vòng benzen,…)

- Tính chất hóa học: Dựa vào đặc điểm cấu tạo suy ra tính chất hóa học

Cần nắm vững những phản ứng nào, tác dụng được với các loại chất nào?

- Điều chế: Phương pháp chung để điều chế các chất

Phương pháp riêng cho từng chất.

- Ứng dụng: Phần liên hệ với đời sống rất quan trọng không được bỏ qua.

Trong đề thi có lồng ghép kiến thức thực nghiệm hóa học, các câu hỏi về ứng dụng thực tiễn. Yêu cầu học sinh phải hiểu rõ bản chất, hiện tượng hóa học, làm tốt các bài thực hành, biết cách thao tác tiến hành thí nghiệm, các hiện tượng xảy ra, nhận biết được các chất…

Dạng bài lý thuyết thường gặp:

- Bài đếm số nhận định: Dạng bài này kiểm tra lý thuyết khá sâu đòi hỏi học sinh phải nắm vững .Khi làm dạng này các em nên đọc từ nhận định đầu đến nhận định cuối. Nhận định nào thỏa mãn thì đánh dấu vào sau đó đếm lại thì sẽ không bị nhầm.Trong đề thi thường lặp lại phần phương trình, bài đếm rất nhiều.

- Dạng bài tìm nhận định đúng hoặc sai trong các đáp án A,B,C,D.

- Dạng này nên dùng phương pháp loại trừ, loại những đáp án chắc chắn sai. Còn lại đáp án nhiễu thì vận dụng lý thuyết đã học và đọc kỹ đề bài không để bị “đánh lừa”.

Kỹ năng làm bài tập hóa học:

Khi làm bài các em cần phân tích kỹ để nhận diện chỉ ra được dấu hiệu để quyết định phương pháp giải bài toán

Các dạng bài tập thường gặp:

* Áp dụng các định luật bảo toàn để tính nhanh trong khi làm bài

- Bảo toàn khối lượng

- Bảo toàn electron

- Bảo toàn nguyên tố

- Bảo toàn điện tích

* Phương pháp số đếm

* Phương pháp đường chéo

* Phương pháp trung bình

* Phương pháp tăng giảm khối lượng

Phương pháp bảo toàn e thường áp dụng trong các phản ứng oxi hóa- khử

Nên qui đổi hỗn hợp các chất thành nguyên tố, chỉ quan tâm số oxi hoá đầu và sau cùng. Bài tập áp dụng: Các dạng bài về HNO3 và ion NO3- trong môi trường H+. Đây là dạng bài tập khó ăn điểm và học sinh thường hay sai khi làm bài

Khi làm bài dạng này cần lưu ý: Sản phẩm khử là khí tạo thành có phải duy nhất không? Bài khó thường có thêm muối amoni. Học sinh hay bỏ sót và dẫn đến bị sai. Chú ý:

mmuối= mkim loại+ mNO3 - (muối của kim loại) + mNH4NO3

nNO3 - (muối của kim loại) = n e nhường = n e nhận

nHNO3 = ∑nNO3+ ∑nN( sản phẩm khử)

Nếu đề bài cho hỗn hợp nhiều chất trong đó có chất chưa biết công thức phân tử. Thường áp dụng phương pháp trung bình…

Cô Lệ Hà lưu ý học sinh: Trong đề thi tuyển sinh năm 2015: Phần lý thuyết chiếm 27 câu, trong đó phần đại cương- vô cơ có14 câu. Phần hữu cơ 13 câu.

Phần bài tập: Đại cương và vô cơ chiếm 12 câu, phần hữu cơ chiếm 11 câu

Đề thi có 30 câu dễ, 10 câu trung bình và 10 câu khó. Phần lớp 10 và 11 chiếm 15 câu còn lại chủ yếu ở phần lớp 12 chiếm 35 câu.

Vì vậy các em hãy cố gắng làm thật chính xác , cẩn thận những câu trung bình và dễ không được để sai bất cứ câu nào. Khi đi thi các em sẽ không tiếc những câu khó mình không làm được mà chỉ tiếc những câu dễ mình làm sai mà thôi. Sau khi làm các câu dễ xong các em tiếp tục chinh phục các câu khó, phân loại học sinh.

Khi làm bài thi các em cần lưu ý bình tĩnh, câu dễ làm trước và khó làm sau, cần phân bố thời gian hợp lý tránh mất thời gian quá lâu ở một vài câu quá khó để không còn thời gian làm những câu khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ