Giúp học sinh vùng khó khăn hoàn thành những điều ước bay cao, bay xa

GD&TĐ - Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiên phong đi trước, tạo dựng mô hình với 600 trường học an toàn, thân thiện, phấn đấu đạt được trong 5 năm, từ 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi lễ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết điều này trong phát biểu tại Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” chiều 11/4.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, trong những năm qua, với mục tiêu phát triển và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng thông qua các Luật, các Nghị định của Chính phủ, các Đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Với sự quan tâm đó, công tác phát triển giáo dục và đào tạo tại các vùng này đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của nước ta được củng cố và phát triển. Cơ bản xóa bỏ được các phòng học 3 ca, phòng học tạm, cơ sở vật chất được cải thiện rõ rệt.

Ngoài những chính sách có tính ổn định của Nhà nước, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn đến từ sự quan tâm ủng hộ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, qua hoạt động xã hội hóa, kết nối nguồn lực.

Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, Thứ trưởng cho biết, công tác phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, giữa các huyện, xã ngay trong cùng một địa phương.

Trên thực tế, ở một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều nơi còn rất thiếu phòng học, phòng ăn bán trú, nhà vệ sinh, điện nước sinh hoạt. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng phòng học xuống cấp; thiếu và rất thiếu thiết bị dạy học và đồ dùng học tập của học sinh.

Vùng núi phía Bắc, khu vực bắc trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vẫn là những nơi khó khăn nhất.

Mặt khác, hiện tại cả nước có hơn 188.000 nhà vệ sinh cho học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT; tỷ lệ kiên cố hóa mới đạt khoảng 67%.

Trong đó nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất với chỉ gần 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%, mầm non hơn 70%. Những khu vực có tỷ lệ kiên cố hóa thấp là: Vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Về bữa ăn bán trú, theo Thứ trưởng, mặc dù hằng năm có gần 600 nghìn học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn được hỗ trợ ăn trưa từ nguồn ngân sách Nhà nước; nhưng số lượng học sinh không đủ điều kiện thụ hưởng ở những vùng này vẫn còn rất lớn ngay trong cùng một trường, một lớp.

Bữa ăn trưa của các em mới chỉ đủ no mà chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chưa bảo đảm được dinh dưỡng tối thiểu.

“Để góp sức, chung tay xây dựng cộng đồng phát triển bền vững và để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, các tập đoàn, công ty, các nhà hảo tâm đã rất sẵn lòng chung tay, đồng hành với ngành Giáo dục; sẵn sàng góp công, góp của, đóng góp trí tuệ để phát triển giáo dục ở những vùng khó khăn này” – Thứ trưởng chia sẻ.

Kết nối nguồn lực giúp học sinh vùng khó

Nhằm phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Tri thức Việt số hóa… xây dựng, triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.

Chương trình với sự tham gia đồng hành chung của 4 cơ quan Trung ương và một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn TH, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác…

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Để tăng cường công tác phối hợp và thể hiện sự cam kết triển khai chương trình, các cơ quan đơn vị đã xây dựng Chương trình phối hợp triển khai một số nội dung chính như: Xây dựng hoàn thiện hệ thống công nghệ hỗ trợ các cơ sở giáo dục và các địa phương cập nhật, tổng hợp số liệu về các nhu cầu hỗ trợ dành cho học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục. Tập hợp nguồn lực và lập kế hoạch phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục có nhu cầu trong toàn quốc.

Trước lễ phát động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động ban hành Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT nhằm kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại các vùng khó khăn, khu công nghiệp, cùng chung tay ủng hộ học sinh và nhà trường khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần đoàn kết.

Theo Thứ trưởng, đây là nội dung quan trọng hướng chương trình đi vào chiều sâu; bám theo tiêu chí của Chính phủ xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Mong muốn là mọi trẻ em luôn được sống trong môi trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất; đạt chuẩn về đội ngũ thầy cô; đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa ứng xử, không có bạo lực học đường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiên phong đi trước, tạo dựng mô hình với 600 trường học an toàn, thân thiện, phấn đấu đạt được trong 5 năm, từ 2021-2025.

Mặc dù Chương trình mới được triển khai từ đầu năm 2021 nhưng đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Để triển khai được nhiều nhất điều ước cho học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị ngành GD&ĐT các cấp trong toàn quốc tham mưu lãnh đạo chính quyền các cấp chỉ đạo và tập trung chỉ đạo các nhà trường thống kê, đăng ký nhu cầu cụ thể của học sinh, giáo viên lên trên Cổng Nhân đạo quốc gia (Inhandao); chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tại các xã (như tổ chức Đoàn/Đội, Chữ thập đỏ, cán bộ bưu điện xã) triển khai hoạt động Tổ tình nguyện hoạt động hiệu quả.

Nhân buổi lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục dục và Đào tạo, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ ngành, các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp và toàn thể các quý vị đại biểu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn muốn Chương trình tạo được sức lan tỏa lớn để tập trung nguồn lực tạo ra giá trị về tinh thần và vật chất, nhằm thực hiện điều ước cho học sinh, sinh viên và ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.