Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”

Chiều nay 11/4 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án tri thức Việt số hóa tổ chức Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”. Chương trình được tường thuật trên Báo Giáo dục và Thời đại và các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình Điều ước cho Em
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình Điều ước cho Em

Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đồng chí Phạm Thị Kim Oanh, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Về phía lãnh đạo 4 cơ quan đồng chủ trì chương trình Điều ước cho em có: Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đồng chí Bùi Thế Duy, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thường trực đề án Hệ trí thức Việt số hóa; đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thứ BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 1
Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 2

Tham dự chương trình còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp và Hoa hậu Hoàn vũ 2018 H’Hen Niê - Đại sứ Chương trình “Điều ước cho em”.

Lễ phát động được tổ chức vào ngày "Làm việc tốt" 11/4 nhằm giới thiệu tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình “Điều ước cho em" với nhân dân, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp để khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động nguồn lực từng bước hỗ trợ các trường học ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, thực trạng hiện nay ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cùng với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và các cơn bão liên tiếp tại các tỉnh miền Trung; ngành Giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, điện, vệ sinh môi trường, nước sạch...

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hội nhập quốc tế; ngành Giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ các trường học vượt qua các khó khăn, đảm bảo điều kiện tốt hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan cùng phối hợp triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.

Chương trình nhằm vận động kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ học sinh, thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Chương trình đặt ra mục tiêu hỗ trợ các cơ sở giáo dục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường học tập và điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh bị thiệt hại do lũ, lụt gây ra, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để triển khai Chương trình "Điều ước cho em", cần rất nhiều những tấm lòng thiện nguyện, những trái tim nồng ấm bao dung, tất cả những chia sẻ cụ thể của mỗi doanh nghiệp, cá nhân tới các trường học, các em học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn sẽ được lan tỏa trên Nền tảng nhân đạo số quốc gia. Trên đó đã có dữ liệu của hàng chục ngàn trường học; mỗi hoạt động thiện nguyện sẽ được số hóa để đảm bảo tính minh bạch và xuyên suốt...

Mời độc giả theo dõi sự kiện trực tuyến trên trang các trang fanspage của Báo Giáo dục và Thời đại (https://www.fb.com/giaoducthoidai), Trung ương Đoàn (https://www.fb.com/Trunguongdoan), Chương trình Việc tử tế (https://www.fb.com/vtv24viectute), Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (https://www.fb.com/vvc.tnqg), Học sinh sinh viên Việt Nam (https://www.fb.com/cthssvvn)

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Văn nghệ chào mừng

Tiết mục Múa thiếu nhi với ca khúc “Vui đến trường”, nhạc Lê Quốc Thắng.
Tiết mục Múa thiếu nhi với ca khúc “Vui đến trường”, nhạc Lê Quốc Thắng.

Kim Thoa

report

Clip giới thiệu chương trình Điều ước cho em

report

3 điều ước của cô giáo trẻ dân tộc H"rê (Bình Định):

Cô giáo trẻ Đinh Thị Hồng Linh (dân tộc H"rê) bên học trò.
Cô giáo trẻ Đinh Thị Hồng Linh (dân tộc H"rê) bên học trò.

Nơi đang công tác - cũng là nơi cô Linh sinh ra, lớn lên – là xã miền núi đặc biệt khó khăn, cư dân đa số là người dân tộc thiểu số, làm nông, trình độ dân trí còn hạn chế.

Điều kiện kinh tế khó khăn, thêm địa hình không thuận tiện, mỗi mùa mưa, học sinh bên kia sông thường phải nghỉ học vì không có cầu. Cô Linh là một trong số ít người ở nơi đây, vượt qua vô vàn khó khăn, quyết tâm theo đến cùng việc học và thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo. Trải qua 6 năm công tác, cô càng thấu hiểu những vất vả của học trò, đồng nghiệp.

Được chọn là đại sứ Chương trình "Điều ước cho em", Cô giáo trẻ Đinh Thị Hồng Linh (dân tộc H"rê), giáo viên Trường Mầm non An Dũng, xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chia sẻ 3 điều ước cho học trò và đồng nghiệp:

“Mong mỏi đầu tiên của tôi là có được một máy lọc nước, giúp học sinh có nước sạch để sinh hoạt hàng ngày, bảo đảm sức khỏe. Điều ước thứ 2, dành cho những đồng nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì từ nơi xa đến bám trường. Tôi mong có được nhà lưu trú để thầy cô từ xa đến có nơi ở, giảm bớt khó khăn vất vả và yên tâm cống hiến lâu dài. Điều ước thứ ba, tôi thay mặt tập thể trường gửi gắm, là mong muốn có đồ dùng, phương tiện dạy học, như: máy chiếu và đồ dùng học tập trong lớp đầy đủ, để phục vụ việc dạy học được tốt hơn”

Kim Thoa

report

Bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giúp học sinh vùng khó khăn hoàn thành các điều ước bay cao, bay xa

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 6

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Nhằm phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Tri thức Việt số hóa…. cùng nhau xây dựng, triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.

Chương trình với sự tham gia đồng hành chung của 4 cơ quan Trung ương và một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn TH, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác…

Để tăng cường công tác phối hợp và thể hiện sự cam kết triển khai chương trình, các cơ quan đơn vị đã xây dựng Chương trình phối hợp triển khai một số nội dung chính như: Xây dựng hoàn thiện hệ thống công nghệ hỗ trợ các cơ sở giáo dục và các địa phương cập nhật, tổng hợp số liệu về các nhu cầu hỗ trợ dành cho học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục. Tập hợp nguồn lực và lập kế hoạch phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục có nhu cầu trong toàn quốc.

Trước khi có buổi Lễ phát động ngày hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động ban hành Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT nhằm kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại các vùng khó khăn, khu công nghiệp, cùng chung tay cùng ủng hộ các học sinh và nhà trường khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần đoàn kết.

Theo Thứ trưởng, đây là nội dung quan trọng hướng chương trình đi vào chiều sâu; bám theo tiêu chí của Chính phủ xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Mong muốn là mọi trẻ em luôn được sống trong môi trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất; đạt chuẩn về đội ngũ thầy cô; đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa ứng xử, không có bạo lực học đường.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiên phong đi trước, tạo dựng mô hình với 600 trường học an toàn, thân thiện, phấn đấu đạt được trong 5 năm, từ 2021-2025.

Theo Thứ trưởng, mặc dù Chương trình mới được triển khai từ đầu năm 2021 nhưng đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Để triển khai được nhiều nhất điều ước cho học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị Ngành GD&ĐT các cấp trong toàn quốc tham mưu lãnh đạo chính quyền các cấp chỉ đạo và tập trung chỉ đạo các nhà trường thống kê, đăng ký nhu cầu cụ thể của học sinh, giáo viên lên trên Cổng Nhân đạo quốc gia (Inhandao); chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tại các xã (như tổ chức Đoàn/Đội, Chữ thập đỏ, cán bộ bưu điện xã) triển khai hoạt động Tổ tình nguyện hoạt động hiệu quả.

Nhân buổi Lễ phát động Chương trình Điều ước cho em hôm nay, thay mặt Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ ngành, các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp và toàn thể các quý vị đại biểu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn muốn Chương trình tạo được sức lan tỏa lớn để tập trung nguồn lực tạo ra giá trị nhất định cho học sinh, sinh viên và ngành Giáo dục.

Hiếu Nguyễn

report

Phát biểu của lãnh đạo TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí Thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các Bộ, ban ngành thời gian qua đã quan tâm, dành tình cảm ấm áp, sự quan tâm cho các học sinh và thầy cô.

Cùng với Bộ GD&ĐT, Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các Bộ ban ngành, địa phương, tập thể, cá nhân trong thời gian qua đã làm nhiều việc quan tâm nhiều đến học sinh. Tuy nhiên cách làm đôi khi chưa thực sự đúng hướng, chưa giải quyết được trọn vẹn những điều ước giản dị của thầy cô và học sinh vùng sâu xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì  vậy cần sự thay đổi lớn trong cách chăm lo đồng hành, chăm sóc HS. Muốn thay đổi lớn cần phải có phương pháp đúng. Và phương pháp của Phó thủ tướng Võ Đức Đam đưa ra chương trình Điều ước cho em là hoàn toàn đúng đắn để thay đổi cách thức chăm lo và đồng hành cùng các em học sinh.

Với cách làm này công việc chúng ta đang làm sẽ bài bản, minh bạch hơn. Chúng ta sẽ thực hiện được những mong muốn, điều ước của GV, HS, có biện pháp đồng hành hỗ trợ những điều ước  hiệu quả.

Là đơn vị tham gia chương trình, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo những nội dung mà các đơn vị cùng ký cam kết với tinh thần đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, minh bạch trong chương trình Điều ước cho em.

Với tư cách là cơ quan đại diện để bảo trợ cho hoạt động của cồng đồng tình nguyện Việt Nam, chúng tôi kêu gọi và mong muốn sự chung tay của của các cấp Bộ ngành trong cả nước, đặc biệt cộng đồng tình nguyện Việt Nam…

Sức mạnh sẽ đến từ toàn bộ cộng đồng. Nếu có sự chung tay của toàn bộ thành viên, từng người dân để chăm  lo đồng hành bảo  trợ cho các em thì chắc chắn chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh to lớn để đáp ứng được ngày càng nhiều hơn những mong mỏi của thầy cô và HS-  Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Đức Hạnh

report

Cô Phàng Thị Xua- Trường MN Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: Mong mọi học sinh đều hạnh phúc khi đến trường

Cô Phàng Thị Xua- Trường MN Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
Cô Phàng Thị Xua- Trường MN Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

 

Hôm nay, cô trò chúng tôi được ra Hà Nội tham dự chương trình “Điều ước cho em” thấy rất vui và hồi hộp. Thời tiết Hà Nội hôm nay rất đẹp, khiến chúng tôi thấy thêm phấn chấn, háo hức và muốn được hòa mình vào chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Trường MN Vân Hồ hiện có hơn 300 học sinh, 49 CBGV, dạy và học ở 14 điểm trường nên còn gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh của trường cũng có rất nhiều điều ước khi đến trường, đó là có nhiều đồ chơi để vui chơi sau mỗi giờ học, có cơ sở vật chất sạch, đẹp, kiên cố để yên tâm đến lớp. Cô và trò nhà trường cũng mong muốn, chương trình sẽ hỗ trợ cho nhà trường một phòng học Kidsmart để sớm được tiếp cận với chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Mong rằng từ chương trình, mọi học sinh, trẻ em trên mọi miền đất nước đều được chăm lo, được hạnh phúc, an tâm khi đến trường.

Kiều Giang

report

Ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La: Đem điều ước về học tập, rèn luyện, vui chơi của học sinh thành hiện thực

Ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La
Ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La

Sơn La là 1 tỉnh có diện tích khá lớn, đứng thứ 3 trong cả nước, dân số của tỉnh không lớn, mật độ dân số 88 người/km2, người dân ở thưa thớt dẫn đến học sinh đi từ nhà tới trường học cũng rất xa. Cùng với đó, kinh tế xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, hệ thống đường sá ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa với nhiều dốc cao, hiểm trở nhưng chưa được đầu tư; việc đi lại trong điều kiện thời tiết bình thường đã vất vả, vào những ngày mưa, ngày giá rét thì vất vả tăng lên bội phần.

Những năm trước, vì đi học xa, nên học sinh rất hay nghỉ học và bỏ học. Các thầy cô mất rất nhiều công sức đến từng nhà vận động học sinh và gia đình nhưng hiệu quả không cao. Từ thực tế đó đã có một trường học có cách làm sáng tạo, vận động học sinh ở tại trường. Trường dùng chế độ hỗ trợ tiền, hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để nấu ăn cho các cháu để các cháu đỡ phải đi lại.

Năm 2013, Ban Thường vụ tỉnh ủy có chủ trương thực hiện thí điểm tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú tại một huyện khó khăn nhất của tỉnh (huyện Bắc Yên). Hiệu quả thấy rõ rệt, sau đó thực hiện ở tất cả các huyện.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông. Do ngân sách của tỉnh có hạn, NQ đó mới chỉ hỗ trợ kinh phí để các nhà trường tổ chức nấu ăn và mua dụng cụ thiết yếu nhất: Dụng cụ nhà bếp, đồ dùng phục vụ nấu ăn, đồ dùng tổ chức bữa ăn tập thể.

Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ học sinh ăn ở tại nhà trường. Đến nay đã có 178 trường phổ thông, 65 trường MN ở vùng đặc biệt khó khăn tổ chức nấu ăn bán trú cho hơn 34 nghìn học sinh và hơn 11 nghìn trẻ.

HS ở bán trú được các thầy cô chăm sóc, dạy dỗ, được phụ đạo, được giáo dục kỹ năng sống, được giao lưu, được tăng cường Tiếng Việt… Chất lượng giáo dục toàn diện, cả đức – trí – thể - mỹ đã tăng lên rõ rệt. Gia đình học sinh tin tưởng gửi con em mình ở trường (nhiều cháu mới học lớp 1 cũng được gia đình đưa đến trường để học tập). Trường bán trú thực sự là tổ ấm thứ 2 của học sinh.

Xác định được mục tiêu quan trọng của mô hình, Sở GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt và thực hiện hiệu quả. Với thời gian rất ngắn (3 tháng) chưa đủ để cân, đo các thông số về thể lực nhưng GV, HS, CMHS đều thấy được rất rõ hiệu quả: Bữa ăn của các cháu được cải thiện với các thực đơn phong phú, các cháu ăn ngon miệng hơn và thích ăn ở trường; nhiều gia đình xin thực đơn của nhà trường để về nhà nấu cho con mình, Sở GD&ĐT cũng đã lấy thực đơn của mô hình chỉ đạo tất cả các trường có bán trú để tham khảo, thực hiện. Ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, mô hình còn kết hợp rất khoa học với rèn luyện thể lực cho học sinh bằng cách tổ chức các hoạt động vui chơi, các bài thể dục tăng vận động cho các em.

Có thể nói, làm được như vậy Sơn La đã rất cố gắng, đã đem lại cơ hội học tập, rèn luyện vui chơi, sinh hoạt cho học sinh trong môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để hình thành một nhân cách tốt cho học sinh và đó cũng là đem những điều ước về học tập, về rèn luyện, về vui chơi của các em thành hiện thực

Tuy nhiên, ở Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn, học sinh Sơn La vẫn còn rất nhiều các điều ước mặc dù rất đơn giản (mùa đông có nước nóng để tắm, khu bán trú có nhà vệ sinh đảm bảo, trẻ có đồ chơi, có máy vi tính để học ...) nhưng cấp ủy, chính quyền chưa thể làm ngay được.

Vì vậy rất mong được đón nhận sự hỗ trợ của Chương trình Điều ước cho em để thực hiện những điều ước đó cho các em ở vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho các em phát triển khả năng của mình

 

Kiều Giang

report

Gia đình đại sứ “Điều ước cho em”

Với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, anh Phạm Minh Chiến và chị Nguyễn Thị Dung – xã Tân Tiến (An Dương, Hải Phòng) đã trở thành Gia đình đại sứ “Điều ước cho em”. Anh chị chia sẻ, cả hai vợ chồng đều là thành viên của câu lạc bộ Hoa phượng đỏ. Anh chị đã và đang nhận nuôi 1.200 em nhỏ tỉnh Lai Châu thực hiện dự án “Nuôi em"; đồng thời hỗ trợ xây dựng 11 điểm trường mầm non, tiểu học cho tỉnh Lai Châu, cùng hàng trăm chương trình thiện nguyện hỗ trợ học sinh khó khăn miền núi.

Gia đình Anh Phạm Minh Chiến và chị Nguyễn Thị Dung đến dự Lễ phát động Chương trình Điều ước cho em
Gia đình Anh Phạm Minh Chiến và chị Nguyễn Thị Dung đến dự Lễ phát động Chương trình Điều ước cho em

“Được trở thành Gia đình đại sư “Điều ước cho em”, chúng tôi rất vinh dự và tự hào. Mong rằng, chương trình sẽ lan tỏa đến khắp mọi miền của Tổ quốc và ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chung tay, góp sức để hỗ trợ trẻ em, học sinh nghèo vượt khó, biến những ước mơ của các em trở thành hiện thực, để ngày ngày các em yên tâm, vui bước đến trường” – chị Dung chia sẻ, đồng thời cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, anh chị dự kiến nhận nuôi thêm khoảng 2000-3000 em nhỏ.

Minh Phong

report

Hiệu quả mô hình “trường giúp trường”

Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội).
Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội).

Đồng hành với chương trình, thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết: Trước mắt, nhà trường hỗ trợ toàn bộ dầu ăn, gạo đến hết năm học cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nặm, Bắc Kạn).

Chia sẻ lý do đồng hành hỗ trợ Chương trình Điều ước cho em, thầy Nhâm cho biết: Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đặc biệt là đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Qua chương trình, các nguồn lực xã hội có thể chia sẻ, hỗ trợ cho các trường, điểm trường, học sinh vùng khó khăn về cơ sở vật chất, những điều kiện thiết yếu như: bữa ăn bán trú, chăn ấm mùa đông….

“Mô hình “trường giúp trường” là một trong những phương thức theo tôi mang nhiều ý nghĩa và rất thiết thực. Với mô hình này, các em học sinh vùng có điều kiện hơn sẽ có cơ hội thấu hiểu, sẻ chia với các học sinh vùng khó khăn. Từ đó thấy được giá trị và ý nghĩa của những hoạt động này. Đây là thực tế sinh động giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”, thầy Hà Xuân Nhâm chia sẻ.

 

Kim Thoa

report

Ban điều hành Chương trình "Điều ước cho em" ký MOU

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 12

 

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 13

 

Chương trình Điều ước cho em do 4 cơ quan Trung ương thống nhất đồng hành triển khai, dựa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT; số hóa toàn bộ dữ liệu đăng ký từ tất cả các trường học trong toàn quốc, dựa trên App Inhandao - nền tảng nhân đạo số quốc gia (http://Inhandao.vn); Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của đ/c Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 Cơ quan đồng hành đã đồng thuận cao để triển khai Chương trình.

report

Đại diện các đơn vị đồng hành trao biển tượng trưng tài trợ cho Chương trình

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đại diện các đơn vị tổ chức Chương trình "Điều ước cho em" lên tiếp nhận các tấm lòng của các nhà tài trợ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đại diện các đơn vị tổ chức Chương trình "Điều ước cho em" lên tiếp nhận các tấm lòng của các nhà tài trợ

Là chương trình thiện nguyện, có tính cộng đồng hóa cao; Chương trình "Điều ước cho em"chào đón mọi nguồn lực hỗ trợ Chương trình, trong đó có sự chung tay của các Doanh nghiệp, tập đoàn, nhà hảo tâm…..

Với sự đồng hành của các tổ chức, DN, ngay trong Lễ phát động hôm nay, “Điều ước cho em” đã nhận được tổng số công trình 16 công trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà bán trú cho em”, “1000 nhà vệ sinh cho em”, Bữa ăn trưa cho 30 nghìn em, nhiều suất học bổng, quà tặng, hệ thống điện cho HS tại các vùng miền khó khăn trị giá gần 127 tỷ đồng.

Ngọc Bích

report

Điều ước lớn đến với cô trò ở Trường Mầm non Họa Mi, Trạm Tấu, Yên Bái

Bản Mù là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Trạm Tấu, Yên Bái, nằm trên sườn núi cao.  Chương trình “Điều ước cho em” đã đem đến cho HS dân tộc H’Mông ở đây ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp.

Trường có nhiệm vụ thu nhận các cháu mầm non người dân tộc H’Mông trong độ tuổi đến ăn học. Địa hình địa lý phức tạp, trườngcó điểm Mù Cao khoảng cách đi lại với trường chính 3km nhưng đường đất, dốc cao, trơn trượt, thậm chí giao thông chia cắt vào mùa mưa là những khó khăn lớn để huy động trẻ đến trường. Để khắc phục điều này, Phòng GD&DT huyện Trạm Tấu đã  sáp nhập điểm trường này về điểm chính Trường Mầm non Họa Mi, Bản Mù. 

Số học sinh điểm trường chính đông hơn, mong có được trường mới đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu là Điều ước lớn của cô và trò Trường mầm non Bản Mù. Thật kỳ diệu, điều ước đã thành hiện thực. Các doanh nghiệp đã cùng chung tay thực hiện dự án xây dựng điểm Trường Mầm non Họa Mi mới tại thôn Tà Ghênh, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Đây là dự án nhằm mang lại mái trường khang trang, vững chắc cho trẻ mầm non vùng cao, thu hút nhiều hơn trẻ đến trường, góp phần thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Học sinh Trường MN Bản Mù bên những phòng học cũ xuống cấp
Học sinh Trường MN Bản Mù bên những phòng học cũ xuống cấp

Cô giáo Trần Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, vui vẻ cho biết: Điểm trường tại thôn Tà Ghênh có 3 lớp học, được lắp ghép bằng khung thép từ năm 2003 dùng lại của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Bản Mù. Thêm học sinh nên diện tích càng chật hẹp, các phòng học đều đã xuống cấp, không phù hợp với đặc thù mầm non, không bảo đảm an toàn cho trẻ nên rất khó khăn để thuyết phục phụ huynh đưa con ra lớp. Điểm trường mới có diện tích hơn 1.400m2 với 5 phòng học khép kín, sân chơi và tường rào… chắc chắn sẽ thu hút trẻ đi học nhiều hơn.

Cùng chung niềm vui với học sinh và các cô giáo Trường MN Họa Mi, nhà giáo Phạm Mạnh Tưởng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu cho biết: Thôn Tà Ghênh là một trong số những thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn của tỉnh, với địa hình hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Người dân sinh sống nơi đây 100% là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm hơn 60% tổng số hộ. Điều kiện kinh tế còn khó khăn nên có ngôi trường mới là điều ước từ lâu nay. Việc xây mới Trường MN Họa My là niềm vui lớn với ngành GD, nhà trường và phụ huynh nơi đây, họ luôn mong muốn được cho con tới lớp.

Ngọc Dư

report

Bà Thái Hương: Hạnh phúc khi được đóng góp sức lực, tâm huyết, trí tuệ và vật chất cho chương trình "Điều ước cho em"

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 16

 

Bà Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á cho biết, Tập đoàn đã phối hợp với Bộ GD&ĐT khởi công 2 nhà vệ sinh trường học tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đây là 2 công trình đầu tiên trong tổng số 1.000 nhà vệ sinh đạt chuẩn mà TH thông qua chương trình “Điều ước cho em” xây dựng tại các trường và điểm trường khó khăn trên cả nước trong vòng 10 năm tới.

“Chúng tôi hạnh phúc khi được đóng góp sức lực, tâm huyết, trí tuệ và vật chất cho chương trình Điều ước cho em - Chương trình hết sức ý nghĩa khi kết nối và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng, chung tay tháo gỡ khó khăn cho trẻ em mầm non và học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm cải thiện toàn diện Sức khỏe học đường cho các em” – bà Hương nói.

Bà Thái Hương cũng biết, trong 4 mục tiêu lớn của “Điều ước cho em” gồm: Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học - Dinh dưỡng học đường - Thiết bị học tập và sinh hoạt thiết yếu - Học bổng, tập đoàn TH quan tâm đồng bộ cả 4 vấn đề, trong đó vấn đề xây dựng nhà vệ sinh sẽ được triển khai ngay, 3 vấn đề còn lại sẽ được TH đồng hành bài bản ở Đề án mang tính bao trùm hơn mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng, dự kiến sẽ khởi động vào thời gian tới.

Bảo Trâm

report

Em Mùi Phạm Huyền My, học sinh Trường PTDTNT Vân Hồ: Mong trường học khang trang hơn

Em Mùi Phạm Huyền My, học sinh Trường PTDTNT Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Em Mùi Phạm Huyền My, học sinh Trường PTDTNT Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

 

Em Mùi Phạm Huyền My, học sinh lớp 9 Trường PTDTNT Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được tham dự chương trình quy mô lớn, lắng nghe những ước mơ, tâm tư của học sinh, giáo viên khó khăn như Chương trình Điều ước cho em nên cảm thấy rất háo hức, hồi hộp.

Trường PTDTNT Vân Hồ nơi My theo học là trường đặc biệt khó khăn và còn nhiều thiếu thốn như phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học và đồ dùng học tập, sách vở. Qua thời gian, nhiều phòng học đã xuống cấp, thiếu quạt, bóng đèn. Học sinh nơi đây hầu hết đến từ các gia đình nghèo khó. Trong những ngày thời tiết giá lạnh, nhiều em chân đi dép nhựa, khoác áo mỏng đến trường. Ngoài ra, trường chỉ có bốn phòng ngủ với diện tích nhỏ, luôn trong tình trạng chật kín học sinh. Cơ sở vật chất của trường chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nội trú của nhiều học sinh nơi đây.

My kể, khi hay tin em được ra Hà Nội, nhiều bạn bè đã chúc mừng, nhắn gửi em mang theo tâm tư, nguyện vọng của học sinh trường lên Hà Nội. Bản thân em cũng cảm thấy tự hào, hy vọng có thể góp một phần tiếng nói của mình giúp xây dựng ngôi trường mến thương thêm khang trang, sạch đẹp.

"Mong muốn lớn nhất của em là trường học sẽ được đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất giúp thầy cô giáo xây dựng những bài giảng sinh động, học sinh trau dồi kiến thức. Học sinh nội trú có phòng ngủ khang trang, thoáng mát", em My cho biết.

Tú Anh

report

Chúng em mong ước có nhiều hơn nữa nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày

Học sinh Bàn Thế Tường, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Vân Hồ (Vân Hồ - Sơn La)
Học sinh Bàn Thế Tường, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Vân Hồ (Vân Hồ - Sơn La) 

Em Bàn Thế Tường, Trường Phổ thông dân tộc Nội  trú Vân Hồ (Vân Hồ - Sơn La) bày tỏ: Em rất hồi hộp và vui mừng khi được tham dự chương trình “Điều ước cho em”.

Đến với chương trình em mong ước được bày tỏ những khó khăn mà hàng ngày em và hơn 300 bạn HS nội trú tại trường đang gặp phải.

Là một trường vùng cao thuộc huyện Vân Hồ - Sơn La, trường em còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, đặc biệt là khó khăn trong nước sạch sinh hoạt.

Tới nay trường vẫn phải tích nước mưa trong bể, téc nước để dùng quanh năm. Với khắc nghiệt, đặc biệt mùa khô hạn vào tháng 5, 6 khiến lượng nước sinh hoạt đã thiếu càng thêm thiếu.

Thiếu nước đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của HS, GV nhà trường

Việc tắm, giặt quần áo của hơn 300 HS phải tiến hành theo khung giờ được quy định. Thiếu nước buộc nhà trường phải tận cả dụng nước đã qua sinh hoạt, trữ vào các hố đựng, để lắng tưới cây, rau…  

Cũng do thiếu nước mà kỹ năng tiết kiệm nước được các thầy cô giáo giảng hàng ngày thông qua các giờ học trên lớp hoặc hoạt động ngoại khóa. Thậm chí, thầy cô nội trú phải tận tay hướng dẫn những kĩ năng tắm giặt, vệ sinh phòng ở, nhà vệ sinh, nhà tắm… sao cho tiết kiệm nước tối đa.

Em hy vọng những khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp; đặc biệt nước sạch sinh hoạt của trường sẽ được hỗ trợ, tăng cường.

Có cơ sở vật chất tốt, nước sạch sinh hoạt đảm bảo sẽ giúp cho GV và HS có thêm điều kiện trong dạy học, sinh hoạt hàng ngày, yên tâm học tập và nâng cao chất lượng giáo dục.

Đức Trí

report

Nghi thức phát động chương trình "Điều ước cho em"

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 19
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình Điều ước cho Em
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình Điều ước cho Em

Ngọc Bích

report

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lan tỏa những điều tốt đẹp đến với học trò

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 21

Chia sẻ tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ trăn trở khi xem những thước phim trong phóng sự, ghi nhận nhiều điểm trường còn khó khăn thiếu thốn đủ bề. Nhiều nơi học sinh còn chưa được ăn trưa đầy đủ, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu nhà vệ sinh, thậm chí là không có.

“Tôi tin, những điều đó đã thôi thúc mỗi chúng ta cần làm điều gì đó cho các em, để những ước mơ giản dị của thầy – trò trở thành hiện thực. Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người, để cùng chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ ” – Phó Thủ tướng bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh:

Trước tiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tham gia ngay Chương trình Điều ước cho em và xác định đây là trách nhiệm và nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cần quan tâm và dành nguồn lực đầu tư cho thầy – trò vùng khó.

Chương trình Điều ước cho em sẽ trở thành điểm kết nối để các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc. Trên cơ sở đó, cập nhật những yêu cầu thiết thực của thầy – trò, để các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, hỗ trợ, biến những điều đó trở thành hiện thực.

Phó Thủ tướng mong muốn, chương trình sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng, để không dừng lại là những bữa ăn bán trú, hay nhà vệ sinh cho học sinh… mà tới đây sẽ là những bữa ăn đủ dinh dưỡng, những điểm trường có đầy đủ khu vui chơi, giải trí, để các em rèn luyện sức khỏe, học mà chơi, chơi mà học. Điều ước đó sẽ tiếp tục và sẽ lan tỏa để trở thành hiện thực, để những điều tốt đẹp sẽ đến với thệ hệ học trò - tương lai của đất nước.

Sỹ Điền

report

Hoa hậu H"Hen Niê: Nỗ lực hết sức có thể để lan tỏa những điều tốt đẹp

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” ảnh 22

 

Xúc động chia sẻ trong lễ phát động với vai trò là Đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em”, hoa hậu H"Hen Niê gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; không phải với tiếng nói của một hoa hậu, một người nổi tiếng, mà là đại diện cho các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

Nhắn gửi đến các học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, H"Hen Niê cho rằng, đây là một cơ hội tuyệt vời và các em phải biết nắm lấy cơ hội của mình; để sau này trở thành người truyền cảm hứng, người có ích cho cộng đồng.

Với vai trò là Đại sứ, H"Hen Niê cho biết mình sẽ làm tất cả những gì có thể để cùng đồng hành với Chương trình; lan tỏa những điều tốt đẹp, từ đó đem lại những cơ hội tốt nhất cho học sinh, sinh viên vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.