Sau đây là hệ thống bài tập bổ sung do cô Hà Thị Mỹ Trinh đề xuất:
Bài tập xác định luận điểm
Trong ba bước xây dựng lập luận thì xác định luận điểm chính xác minh bạch là bước đầu tiên khá quan trọng. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng đạt được yêu cầu này.
Nhiều em sau khi đọc đề xong thì cắm cúi viết, viết khi chưa định hướng rõ những luận điểm chính của bài, viết lan man, rối rắm. Theo khảo sát của cô Hà Thị Mỹ Trinh, có đến 85.2% HS mắc lỗi xác định và trình bày luận điểm không rõ ràng, minh bạch.
Ở dạng bài tập này, SGK chủ yếu đưa ra kiểu bài tập: Cho sẵn văn bản nghị luận rồi yêu cầu HS xác định các luận điểm của văn bản đó (Bài tập phân tích ngữ liệu của SGK ở mục 2.1.1).
Cô Trinh bổ sung kiểu bài tập thứ hai: Không cho sẵn văn bản nghị luận, chỉ cho đề bài, sau đó yêu cầu HS tìm các luận điểm của đề bài đó. Ví dụ: Xác định các luận điểm cho những đề bài sau đây:
Trong lớp, nhiều bạn thích câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” và lấy đó làm phương châm sống. Nhưng một số bạn khác phản đối, cho câu tục ngữ trên không hẳn đúng, nhiều người “ở hiền” vẫn không “gặp lành”. Ý kiến của anh (chị) về vấn đề này.
“Một người đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn còn đánh mất nhiều thứ quý giá khác” (Theo sách Dám thành công – Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2008, 90). Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.
“Như một thứ a-xit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể làm ăn mòn cả một xã hội”. Từ ý kiến này, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay.
“Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”. Từ ý kiến này, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.
Bài tập xác định luận cứ
Sau khi xác định được luận điểm, người viết cần phải tìm các luận cứ để làm sáng tỏ luận điểm đó. Nhưng qua khảo sát, cô Hà Thị Mỹ Trinh nhận thấy có đến 64.5% HS mắc các lỗi về luận cứ như: luận cứ không chuẩn xác, không đáng tin cậy, dẫn chứng thực tế không đúng, số liệu không trung thực,… làm ảnh hưởng đến chất lượng của bài viết, khiến bài viết không có sức thuyết phục cao.
Ở dạng bài tập này, SGK có đưa ra kiểu bài tập: Cho sẵn văn bản nghị luận rồi yêu cầu HS đọc và phân tích các luận điểm, luận cứ của văn bản đó (Bài tập phân tích ngữ liệu của SGK ở mục 2.1.1)
Cô Trinh bổ sung thêm kiểu bài tập thứ hai: Cho các luận điểm và yêu cầu HS tìm các luận cứ làm sáng tỏ các luận điểm đã cho.
Bài tập xác định phương pháp lập luận
Trong SGK, ở dạng bài tập phân tích ngữ liệu, có thể bắt gặp một vài bài tập yêu cầu HS xác định hoặc phân tích cách luận chứng trong văn bản nhưng số lượng bài tập này lại quá ít, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu rèn luyện KNLL của HS.
Cô Hà Thị Mỹ Trinh hệ thống lại các kiểu bài tập ở dạng này như sau:
Kiểu 1: Cho sẵn văn bản nghị luận rồi yêu cầu HS chỉ ra các phương pháp lập luận được vận dụng trong văn bản đó.
Kiểu 2: Yêu cầu HS xác định và vận dụng các phương pháp lập luận thích hợp để giải quyết các vấn đề cần nghị luận.
Những bài tập này rèn luyện cho HS cách phân tích đề văn nghị luận và định hướng cách lập luận trong một bài văn. Tất nhiên, ở những bài tập này, bao giờ HS cũng phải vận dụng nhiều thao tác lập luận như: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh,…
Bài tập sửa lỗi lập luận
Đây là một trong những dạng bài tập rèn KNLL của SGK, tập trung chủ yếu ở bài Thực hành chữa lỗi lập luận. Tuy nhiên, những bài tập thuộc dạng này chưa nhiều; mặt khác, ngữ liệu của những bài tập này hầu hết là những ngữ liệu do người biên soạn đưa ra nên còn xa lạ với HS.
Trong khi đó, những bài làm văn của HS lại là một nguồn ngữ liệu vô cùng phong phú và thiết thực cho việc thiết kế dạng Bài tập sửa lỗi lập luận. Việc tìm và chữa những lỗi lập luận trong bài làm của HS sẽ thu hút được sự chú ý và hứng thú học tập của các em.
Hơn nữa, khi làm những Bài tập sửa lỗi lập luận của SGK, HS chỉ mới dừng lại ở việc đánh giá những lỗi lập luận trong bài viết của người khác chứ chưa được rèn luyện kỹ năng tự đánh giá những lỗi lập luận trong bài viết của mình. Mà kỹ năng tự đánh giá là một kỹ năng rất được đề cao trong quan điểm dạy học hiện đại.
Vì vậy, việc xây dựng Bài tập sửa lỗi lập luận từ những bài viết cụ thể của HS sẽ giúp các em phát huy khả năng tự đánh giá, nhờ đó mà tự nhận ra được những nhược điểm của mình và tìm cách khắc phục chúng.
Bài tập rèn KNLL trong câu văn nghị luận
Câu là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống ngôn ngữ, thực hiện chức năng thông báo. Trong văn nghị luận, lập luận bắt đầu từ đơn vị câu. Muốn lập luận hay, trước hết phải viết câu đúng.
Câu đúng phải đảm bảo hai yêu cầu: Một là, nội dung câu phải hợp lý về mặt logic và ngữ nghĩa”, hai là “cấu trúc cú pháp của câu phải phù hợp với quy tắc cấu tạo câu của tiếng Việt..
Ở dạng này, cô Hà Thị Mỹ Trinh xây dựng ba kiểu bài tập:
Kiểu 1: Viết câu hoàn chỉnh dựa vào những từ ngữ cho sẵn.
Kiểu 2: Viết câu theo những mô hình cho sẵn và xác định mô hình câu đó thuộc phương phương lập luận nào.
Mục đích khi xây dựng kiểu bài tập này là vừa rèn kỹ năng viết câu nghị luận cho HS vừa giúp các em nhận biết được mô hình câu đó thuộc thao tác lập luận nào để vận dụng cho phù hợp khi làm văn.
Kiểu 3: Lựa chọn những từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống để tạo thành câu hoàn chỉnh.
Bài tập rèn KNLL trong đoạn văn nghị luận
Dạng bài tập này được SGK chú trọng để rèn luyện KNLL cho HS, tuy nhiên số lượng bài tập vẫn còn ít, những bài tập này chưa đủ để rèn luyện và nâng cao KNLL cho HS.
Vì vậy, cô Hà Thị Mỹ Trinh đã xây dựng thêm một số kiểu bài tập rèn luyện KNLL trong đoạn văn nghị luận như: Bài tập viết đoạn vận dụng một thao tác lập luận; Bài tập viết đoạn vận dung kết hợp các thao tác lập luận; Bài tập về suy luận logic trong đoạn văn nghị luận; Bài tập sắp xếp trật tự logic trong đoạn văn nghị luận.
Kiểu 1: Bài tập viết đoạn vận dụng một thao tác lập luận
Kiểu 2: Bài tập viết đoạn vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
Kiểu 3: Bài tập về suy luận logic trong đoạn văn nghị luận
Cô Hà Thị Mỹ Trinh lưu ý: Suy luận logic là một vấn đề đặc biệt quan trọng của lập luận trong văn nghị luận, rèn luyện KNLL cho HS nhất thiết phải cho các em làm kiểu Bài tập về suy luận logic. Tuy nhiên, SGK (cơ bản) lại không chú trọng đến kiểu bài tập này, còn SGK (nâng cao) có đề cập đến nhưng những bài tập kiểu này còn rất ít.
Kiểu bài tập này giúp HS làm quen với các dạng suy luận như: suy luận theo logic truyền thống (gồm suy luận một tiền đề và suy luận hai tiền đề: tam đoạn luận) và suy luận theo logic hình thức (gồm phép giải thích và phép kéo theo).
Kiểu 4: Bài tập sắp xếp trật tự logic trong đoạn văn nghị luận.
Đây là dạng bài tập có vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện KNLL cho HS, nhưng theo khảo sát của cô Hà Thị Mỹ Trinh, hệ thống bài tập của SGK hoàn toàn không có bài tập này. Nhưng thực tế có rất nhiều HS mắc lỗi lập luận thiếu logic; trình bày lí lẽ và dẫn chứng còn lộn xộn, rối rắm,…
Phần lớn HS đều gặp khó khăn khi vận dụng lý thuyết vào viết một đoạn văn nghị luận đúng và hay. Vậy mà phần Luyện tập kỹ năng viết đoạn của SGK hiện nay chỉ đưa ra hai dạng: Bài tập phân tích ngữ liệu và Bài tập viết đoạn văn nghị luận với độ khó chênh lệch khá xa.
Từ hai lí do trên, cô Hà Thị Mỹ Trinh tiến hành xây dựng Bài tập sắp xếp trật tự logic nhằm tạo ra một khâu trung gian, một “bước đệm” trong quá trình rèn luyện KNLL cho HS.
Yêu cầu của kiểu bài tập này là: Từ những câu văn cho sẵn, HS sẽ phải tìm cách sắp xếp chúng theo một trật tự logic để tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh, mạch lạc; qua đó mà rèn kỹ năng tư duy, kỹ năng viết đoạn văn nghị luận cho HS.
Bài tập rèn luyện KNLL trong văn bản nghị luận
Nói cách khác, đây là dạng Bài tập về liên kết trong văn bản nghị luận. Ở dạng bài tập này, cô Hà Thị Mỹ Trinh xây dựng hai kiểu bài tập:
Kiểu 1: Bài tập dùng từ hoặc ngữ để liên kết các câu, các đoạn trong văn bản nghị luận.
Kiểu 2: Bài tập dùng câu để liên kết các đoạn trong văn bản nghị luận.
Tác dụng của bài tập này là rèn cho HS cách viết những câu nối đoạn, chuyển đoạn, chuyển ý trong bài văn nghị luận, giúp bài văn trở nên mạch lạc, logic và chặt chẽ hơn.