Giúp học sinh nói không với thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên Tham vấn tâm lý học đường Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội) tư vấn giúp học sinh nói không với thuốc lá.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Vì sao học sinh tìm đến thuốc lá?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh tìm đến thuốc lá. Cô Nguyễn Thị Thu Hoài chỉ ra 3 nguyên nhân phổ biến nhất.

Thứ nhất: Bắt chước bạn bè, thích thể hiện bản thân. Trong độ tuổi dậy thì, học sinh dễ bị bạn bè rủ rê và tâm lý tò mò muốn thử. Hoặc do “sĩ diện” với bạn bè nên nhiều học sinh lựa chọn hút thuốc lá để khẳng định rằng mình đã lớn và mình “ngầu” trong mắt bạn bè xung quanh.

Thứ hai: Giáo dục của gia đình. Nhiều gia đình lơi lỏng trong giám sát, giáo dục con em nên các em có những quan niệm sai lầm nhưng không được điều chỉnh kịp thời. Việc bố mẹ làm gương và tạo môi trường lành mạnh cho con là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định việc học sinh đi đến lựa chọn sử dụng thuốc lá hay không.

Nếu sống trong môi trường có nhiều bất ổn, gặp nhiều vấn đề với gia đình, học sinh có xu hướng dễ sa ngã và khó khăn trong việc từ chối các vấn đề như hút thuốc lá hơn những học sinh khác.

Thứ ba: Hút thuốc với mục đích giải quyết vấn đề tâm lý. Nhiều học sinh tìm đến thuốc lá như một cách giải tỏa những bất an, lo lắng về các vấn đề mà các em đang gặp phải. Nhiều em không thể chia sẻ vấn đề với cha mẹ, gặp nhiều vấn đề với gia đình, bạn bè, học tập dẫn đến quyết định sai lầm.

Việc hút thuốc làm các em nhầm tưởng sẽ giúp thư giãn và quên đi vấn đề của mình; nhưng về lâu về dài sẽ để lại những hậu quả lớn về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần. Bản chất của việc tìm đến thuốc lá là tìm đến một sự “xao nhãng” để mong rằng các vấn đề tâm lý của mình sẽ biến mất. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến tâm lý sẽ không biến mất theo khói thuốc mà sẽ có xu hướng tăng nặng lên nếu không được hỗ trợ đúng cách.

Cô Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên Tham vấn tâm lý học đường Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội).

Cô Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên Tham vấn tâm lý học đường Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội).

Hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu thấu sự nguy hại của thuốc lá

Để học sinh có thể đưa lời từ chối với thuốc lá nói riêng và tệ nạn xã hội nói chung, cô Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, gia đình và nhà trường cần liên tục trang bị cho các em những kiến thức để các em hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu thấu về sự nguy hại của nó. Từ đó, học sinh hình thành được những quan điểm sống đúng đắn, thái độ sống vững vàng và kỹ năng để nói lời từ chối trước những cám dỗ.

Gia đình đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục, hướng dẫn con em mình về tác hại của thuốc lá, làm gương cho con để con không sử dụng thuốc lá khi còn là học sinh. Nếu học sinh có vấn đề với gia đình, liên kết lỏng lẻo với phụ huynh, gặp các tổn thương tâm lý và sống trong môi trường bất ổn, độc hại thì khả năng sử dụng thuốc lá nói riêng và các hành vi lệch chuẩn khi còn đi học sẽ tăng cao hơn. Ngoài ra, việc cha mẹ quan tâm đến thời gian biểu của con, con làm gì, đi chơi với ai cũng giúp hạn chế và ngăn chặn sớm những sự rủ rê, lôi kéo từ những nhóm bạn khác.

Nhà trường đóng vai trò đồng hành cùng phụ huynh và giáo viên, cần thường xuyên có các hoạt động nâng cao nhận thức, bồi dưỡng và phát triển nhân cách để các em có quan điểm sống đúng đắn, hình thành những thói quen lành mạnh để phát triển bản thân.

Bản thân học sinh cần có nhận thức đúng đắn về những tác hại của thuốc lá và kiên quyết không sử dụng vì những hậu quả mà nó sẽ để lại cho chính bản thân mình. Việc từ chối sự rủ rê từ bạn bè, kiềm chế sự tò mò ở lứa tuổi này là một điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, các em cần học cách từ chối khéo léo nhưng cũng phải kiên quyết về quan điểm của bản thân.

Ngoài ra, các em cũng cần cân nhắc, xem xét những người bạn thường xuyên khích bác, rủ rê và lôi kéo mình có thật sự là những người bạn sẽ giúp mình tốt hơn và phù hợp để tiếp tục đồng hành cùng nhau hay không.

Mỗi cá nhân đều có một lựa chọn của riêng mình nhưng hãy luôn ưu tiên lựa chọn những điều tích cực, tốt đẹp cho cuộc đời của chính mình; thay vì những điều sẽ khiến bản thân mình rơi vào những sự bê bối, độc hại.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, bao gồm cả những chất có khả năng gây ung thư. Khi chất độc hại tích tụ sẽ phá hủy các tế bào cơ thể và đặc biệt nó có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển của trẻ em đang trong độ tuổi dậy thì.

Bên cạnh những hệ lụy về sức khỏe, thuốc lá còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của học sinh. Khói thuốc lá khi giải phóng vào trong máu, tích lũy lâu sẽ dần sẽ tổn thương hệ thần kinh, bào mòn tư duy chất xám, làm giảm khả năng sáng tạo của các em học sinh. Từ đó dẫn đến chán học, thích chơi và có biểu hiện lôi kéo các bạn cùng hút cho vui. Do vậy, chất lượng và hiệu quả học tập sa sút.

Ngoài ra, việc hút thuốc lá sẽ khiến các em sẽ phải bỏ ra một số tiền để đáp ứng nhu cầu của mình, điều này làm gia tăng các hành vi lệch chuẩn và hình thành những thói quen xấu ảnh hưởng đến chất lượng học tập, mối quan hệ cũng như cuộc sống của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thu Hoài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ