Giun chui lên lỗ mũi qua ống thông dạ dày

Điều trị cho bệnh nhân uốn ván, viêm màng não, các bác sĩ phải đặt ống thông dạ dày. Không ít ca, giun ngoi lên lỗ mũi bệnh nhân do ống thông trơn giúp chúng di chuyển dễ dàng.

Giun chui lên lỗ mũi qua ống thông dạ dày

Ngày nay, với việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục tăng cường vệ sinh cho người dân, đồng thời từng bước thay đổi tập quán canh tác sử dụng phân người, tỷ lệ mắc giun sán hiện nay đã giảm. Bên cạnh những nỗ lực tuyên truyền giáo dục sức khỏe triển khai tại trường học, nhiều tỉnh đã triển khai tẩy giun hàng loạt cho trẻ em trong độ tuổi đến trường và đã thu được kết quả tốt. Các thuốc tẩy giun hiện nay rất nhiều, dễ sử dụng và ít tác dụng phụ càng tạo thuận lợi hơn cho công tác phòng chống các bệnh giun sán.

Ăn gì dễ mắc giun sán?

Thịt bò tái: sán dây bò. Thịt lợn chưa chín như nem, chạo, tiết canh: sán dây lợn, giun xoắn. Rau sống: các loại giun móc, giun tóc, giun kim, giun đũa chó mèo, sán lá gan. Cá nước ngọt chưa chín: sán lá gan nhỏ. Cua, ốc, tôm chưa chín: sán lá phổi. Cá biển chưa chín: ấu trùng giun tròn.Ếch chưa nấu chín: ấu trùng sán nhái.

Không còn nhiều trường hợp giun bỗng nhiên chui lên lỗ mũi, nhưng Ths.BS Nguyễn Quốc Thái – khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết nếu gặp điều kiện thuận lợi, loài ký sinh trùng này vẫn di chuyển khắp nơi trong cơ thể, trong đó có mũi.

“Bệnh nhân uốn ván và viêm màng não phải đặt ống thông dạ dày để cho ăn. Không biết có phải do ống thông luồn từ mũi vào dạ dày giúp giun di chuyển dễ dàng không mà nhiều bệnh nhân đã bị giun chui ra ngoài từ lỗ mũi?”, bác sĩ Thái băn khoăn.

Giun chui lên lỗ mũi qua ống thông dạ dày
Không ít bệnh nhân bị giun chui ra lỗ mũi từ ống thông dạ dày khi chữa bệnh. Ảnh minh họa.

Bác sĩ này chia sẻ thêm, rất nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Truyền nhiễm với triệu chứng nôn nhiều, đau bụng dữ dội. Khi nắn bụng bệnh nhân, các bác sĩ thấy có khối khu trú như u; chụp x quang có hình ảnh tắc ruột nhưng không nghĩ do giun. Khi quyết định mổ, tìm vị trí gây tắc ở ruột, họ bất ngờ vì thấy búi giun to bên trong.

Bên cạnh các loại giun lây truyền qua đất như giun đũa, tóc, móc, ở Việt Nam còn hay gặp một số loại giun sán khác lây truyền do tập quán ăn rau sống từ thực vật thủy sinh (rau ngổ, cải xoong...) và ăn gỏi, nem, thịt tái. Đó là các loại ký sinh trùng sán lá gan lớn, sán lá ruột, dây lợn, dây bò. Giun lươn cũng là ký sinh vật nguy hiểm đối với những người có tình trạng suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.

“Ăn thịt bò chưa nấu chín có thể bị bệnh sán dây bò; thịt lợn tái dễ mắc bệnh sán dây lợn, giun xoắn. Bệnh giun xoắn gây sốt, đau cơ và hủy hoại cơ. Sán dây gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể làm tắc ruột. Đã có nhiều trường hợp, sán dây dài hàng chục mét ẩn trú trong ruột bệnh nhân”, vị này cảnh báo.

Theo đó, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là đôi tay, các bác sĩ khuyến cáo nên ăn chín, uống sôi để phòng tránh các loại ký sinh trùng làm tổ trong cơ thể.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ