Giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

GD&TĐ - Theo GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, việc giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia đến năm 2020 là đáp ứng nguyện vọng, mong đợi của phụ huynh, thí sinh và giáo viên các trường phổ thông, tạo sự chủ động trong dạy – học.

Giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Xin GS cho biết những đánh giá của mình về kỳ thi THPT quốc gia 2017?

Đây là lần đầu tiên, các Sở GD&ĐT đảm nhận chính trong tất cả các khâu tổ chức đúng với tính chất là kỳ thi THPT. Điểm tích cực nổi bật được xã hội ghi nhận và đánh giá tốt là khâu tổ chức tại 65 cụm thi trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước, giúp thí sinh thuận tiện, yên tâm đi lại. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí đi lại, ăn ở cho thí sinh và người nhà; giảm thiểu áp lực về giao thông, an ninh trật tự trong thời gian tổ chức kỳ thi. Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ thí sinh dự thi các môn rất cao, đạt trên 99%, trong đó, 74% thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Phương thức thi đổi mới theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên đã rút ngắn được thời gian thi từ 4 ngày xuống còn 2,5 ngày, giảm bớt áp lực và tốn kém. Nội dung bám sát chương trình học theo cấu trúc 60% là kiến thức cơ bản, 40% là kiến thức nâng cao đã thúc đẩy thí sinh chú trọng việc tự học, tự hệ thống kiến thức qua đó giúp phát huy năng lực sở trường. Cũng nhờ vậy mà công tác chấm thi khách quan và chính xác hơn do được chấm bằng máy.

Việc xét tuyển ĐH chủ yếu dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản được đánh giá là thành công, đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc, chu đáo, có độ tin cậy và hạn chế những sai sót, khó khăn đối với xã hội và thí sinh. Quy chế tuyển sinh ĐH 2017 có sự linh hoạt cho thí sinh và tính tự chủ cho các trường nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ của Bộ GD&ĐT. Việc không giới hạn số nguyện vọng giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn đúng ngành và trường yêu thích, tăng cơ hội trúng tuyển.

Điều này phần nào khắc phục được tồn tại của Quy chế 2016 là có khá nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển. Tình trạng ảo được hạn chế nhờ hệ thống phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào một trường với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký. Điểm đổi mới tích cực so với năm 2016 là thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ngay khi nộp hồ sơ đã giúp các em có định hướng ngành nghề ngay từ ban đầu cũng như Bộ GD&ĐT và các trường bước đầu có được số liệu về nhu cầu định hướng nghề nghiệp của thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh vẫn được quyền điều chỉnh nguyện vọng ngành xét tuyển khi đã biết kết quả thi THPT quốc gia.

Tính tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học được đảm bảo như thế nào với quy chế tuyển sinh năm 2017, thưa GS?

Quyền tự chủ của các trường được thể hiện bằng Đề án tuyển sinh của chính mình, trong đó công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường để thí sinh và xã hội lựa chọn, giám sát. Việc các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT theo hướng xét tuyển tổ hợp môn thi/bài thi trong đó có ít nhất một môn thi độc lập là Toán hoặc Ngữ văn và nhà trường có thể chủ động quy định nhân hệ số điểm môn thi/bài thi khi xét tuyển là một điểm tích cực giúp các trường chủ động thiết kế được khối thi xét tuyển mới ngoài những khối thi truyền thống, có thể chọn được những thí sinh có kiến thức đồng đều cả tự nhiên và xã hội.

Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo điều kiện để các trường được tự nguyện tổ chức thành các nhóm trường thực hiện xét tuyển, đồng thời được khai thác thông tin trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ từ đó dự kiến điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển. Để giảm lượng thí sinh ảo, các trường được lọc ảo bằng cách dưa lên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh và giữ lại nguyện vọng cao nhất.

Tiếp đó, danh sách này được gửi lại cho các trường xác định và thống nhất điểm chuẩn. Cuối cùng, dữ liệu được gửi lên phần mềm xét tuyển chung để Bộ GD&ĐT lọc ảo lần cuối nhằm bảo đảm mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng cao nhất. Các trường cũng được quyền tự chối tiếp nhận nhập học hay buộc thôi học khi thí sinh không xác nhận và nộp bản chính chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển với hồ sơ gốc. Đây là những công đoạn mới - tích cực, thể hiện tính khoa học, logic, công phu và có tính trách nhiệm cao, tôn trọng quyền lựa chọn của thí sinh và các trường.

Như vậy, có thể thấy kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thể hiện những đổi mới tích cực trên lộ trình hoàn thiện, thưa GS?

Với những đổi mới tích cực đã được xã hội ghi nhận, đánh giá tốt trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2017, chúng tôi rất ủng hộ việc Bộ GD&ĐT giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia đến năm 2020. Việc giữ ổn định phương án thi và công bố sớm là phù hợp với nguyện vọng, mong đợi của phụ huynh, thí sinh và giáo viên các trường phổ thông, tạo sự chủ động trong dạy – học. Hơn bao giờ hết, thành công của kỳ tuyển sinh đại học hàng năm chính là một trong những yếu tố hướng đến sự bền vững cho các cơ sở giáo dục đại học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tuy nhiên, để công tác tuyển sinh được hoàn thiện hơn, nên điều chỉnh lại đề thi để có tính phần loại tốt hơn, hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký của thí sinh ở một chữ số; thí sinh phải tự đăng ký xét tuyển, xem kết quả xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng và xác nhận nhập học trên tài khoản đã được cấp. Ngoài ra, nên đưa danh sách thí sinh xét tuyển theo học bạ vào dữ liệu chung để hạn chế ảo. Cách tính điểm xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cần được Bộ quy định một cách cụ thể trước khi các trường xây dựng đề án tuyển sinh. Bộ GD&ĐT chạy phần mềm tuyển sinh chung để có được kết quả tuyển sinh nhanh chóng, chính xác, không cần qua một quá trình xét tuyển đơn lẻ, lọc ảo nhiều lần như năm 2017.

Xin cảm ơn GS.

Giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ảnh 1

GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng: “Trong việc giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo sư phạm, Bộ GD&ĐT nên ưu tiên các trường đã được công nhận đạt chất lượng kiểm định giáo dục, có truyền thống, bề dày kinh nghiệm đào tạo và tiềm lực mạnh. Chúng ta cần nỗ lực đổi mới để tránh tình trạng sinh viên sư phạm khi ra trường không tìm được việc làm, gây lãng phí và tiếp tục xảy ra tình trạng “đầu vào” các trường sư phạm có điểm chuẩn không cao như mong đợi làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong tương lai, không để tiếp diễn thực trạng thí sinh không “thiết tha” vào các trường sư phạm.

Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu và quy định điểm sàn các ngành sư phạm cho phù hợp, cho dù lộ trình từ năm 2018 trở đi, Bộ GD&ĐT sẽ giao quyền tự chủ cho các trường tự xác định ngưỡng đầu vào dựa trên cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục và “đầu ra” thông tin có việc làm của sinh viên tốt nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ