Yên tâm với phương án thi THPT Quốc gia

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia đến 2020 sẽ giúp các trường ĐH, CĐ và các trường phổ thông, đặc biệt là các em học sinh yên tâm xác định phương hướng phát triển và học tập. 

Yên tâm với phương án thi THPT Quốc gia

Trong những năm tới phương thức thi, tuyển sinh được giữ ổn định sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện về mặt tổ chức và tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ thi.

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ về phương án tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018, vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã đi vào ổn định. Trong quá trình chuẩn bị, triển khai, tổ chức thực hiện đã thể hiện những ưu điểm đáng kể. Trường ĐH Cần Thơ đã phối hợp tổ chức, hỗ trợ kỳ thi và tổ chức tuyển sinh rất thuận lợi. Điều mà xã hội nhận thấy ở kỳ thi chính là tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Kỳ thi đã được xã hội đánh giá cao vì giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh; làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp...

Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Để có bước chuẩn bị, toàn ngành GD&ĐT đã triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm, đặc biệt là từ năm 2015 Bộ đã đổi mới phương thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018 với phương án giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia đến 2020 là rất hợp lý. Đây là phương án được công bố kịp thời, đúng thời điểm và quan trọng nhất là giữ ổn định kỳ thi có tầm quan trọng của quốc gia. Đổi mới quan trọng này liên quan đến quá trình dạy và học của học sinh, giáo viên và sự chuẩn bị của các nhà trường nên đã được Bộ GD&ĐT thực hiện từng bước, không gây băn khoăn, lo lắng cho thí sính và xã hội.

Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng. Khi biết được sự ổn định của kỳ thi trong những năm tiếp theo thì các trường ĐH, CĐ có sự chủ động trong phương án phát triển, đào tạo, tuyển sinh cũng như hoạch định đường lối phát triển.

Còn các trường THPT, đặc biệt là các em học sinh không còn phải lo lắng, “trông đứng trông ngồi” phương án thi như trước. Phương án thi giữ ổn định, giáo viên và học sinh sẽ sớm có kế hoạch giảng dạy, học tập, ôn luyện (từ lớp 10, 11) theo hướng phù hợp nhất. Việc tổ chức các bài thi, môn thi trong 3 năm tới sẽ giữ ổn định như năm 2017 còn góp phần giữ ổn định trong công tác đào tạo, giảng dạy, học tập. Đây là điều mà xã hội nói chung, nhất là các trường học, phụ huynh và học sinh rất quan tâm và mong mỏi.

Một điều quan trọng trong kỳ thi chính là chất lượng đề thi, Bộ GD&ĐT đã chú ý nhấn mạnh đến vấn đề này. Để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ thi và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo tôi, đó là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công kỳ thi. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi phải được cập nhật thường xuyên, liên tục. Các giải pháp kỹ thuật sẽ được tăng cường thêm nhờ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được hoàn thiện, bổ sung và công nghệ thông tin được ứng dụng phổ biến hơn trong việc tổ chức kỳ thi.

Một vấn đề “nóng” đã được Bộ quan tâm chính là rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường… Nếu thực hiện tốt chủ trương này sẽ góp phần rất lớn nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học. Cùng với các ngành nghề khác, ngành sư phạm giờ đây cũng phải hướng tới đào tạo theo nhu cầu xã hội và đáp ứng thị trường việc làm…     

Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng. Khi biết được sự ổn định của kỳ thi trong những năm tiếp theo thì các trường ĐH, CĐ có sự chủ động trong phương án phát triển, đào tạo, tuyển sinh cũng như hoạch định đường lối phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.