Giữ ổn định chương trình năm học trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Chiều 26/2, Bộ GD&ĐT họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Thứ trưởng, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Bộ GD&ĐT.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị rà soát, hoàn thiện kho bài giảng trực tuyến phủ khắp từ lớp 1 đến lớp 12 ở các khu vực khác nhau.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị rà soát, hoàn thiện kho bài giảng trực tuyến phủ khắp từ lớp 1 đến lớp 12 ở các khu vực khác nhau.

63 tỉnh, thành phố đều tổ chức dạy học trực tuyến

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thanh Đề cho biết: Đến ngày 22/2, đã có 49 trẻ mầm non, học sinh, sinh viên (38 tại Hải Dương, 4 tại Hà Nội, 1 tại Bình Dương, 5 tại Quảng Ninh, 1 tại Gia Lai) và 7 giáo viên (2 tại Hải Dương, 2 tại Quảng Ninh, 1 tại Hưng Yên và 2 tại Gia Lai) được xác định dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều học sinh, giáo viên thuộc diện F1 phải cách ly y tế.

Đến 19h00 ngày 25/2/2021, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, căn cứ tình hình dịch bệnh, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có quyết định cho học sinh đi học trở lại (còn Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội chưa có thông báo chính thức, trong đó Hà Nội dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3/2021; Hải Dương và Hải Phòng dự kiến cho học sinh học trở lại từ ngày 1/3/2021, riêng đối với các huyện có dịch tiếp tục nghỉ học trên lớp và tổ chức dạy học trực tuyến).

Đến ngày 25/2/2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều tổ chức dạy học trực tuyến, điều chỉnh kế hoạch dạy học và triển khai chương trình giáo dục kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh.

Với các cơ sở giáo dục đại học, tính đến thời điểm ngày 22/2/2021, có 28 cơ sở đào tạo (không có trường thuộc khối an ninh quốc phòng) đã cho sinh viên học tập trung từ ngày 22/2/2021; 31 cơ sở dự kiến cho sinh viên học tập trung ngày 1/3/2021; 59 cơ sở báo cáo tùy vào tình hình diễn biến bệnh dịch tại địa phương sẽ tổ chức để sinh viên đi học tập trung sớm nhất có thể.

Trong số các cơ sở chưa tổ chức cho sinh viên học tập trung trong tuần từ 22-26/2/2021 có 58 cơ sở tổ chức học trực tuyến online cho sinh viên từ ngày 22/2/2021 và 8 cơ sở dự kiến bắt đầu tổ chức học trực tuyến từ ngày 1/3/2021 khi không thể cho sinh viên đi học tập trung theo kế hoạch. Hiện tại, có 3 cơ sở đào tạo nghệ thuật (Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia và Học viện Múa) không tổ chức học trực tuyến và lùi kế hoạch học tập học kỳ 2 chậm lại 1 đến 2 tuần tùy theo tình hình dịch bệnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản năm học

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nghe các đơn vị Vụ, Cục báo cáo một số nội dung trọng tâm như: Tiến độ xây dựng phần mềm, kho học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến ở các cấp học; Kịch bản đôn đốc học sinh quay trở lại trường học; Cẩm nang hướng dẫn học trực tuyến; Triển khai hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng; Đảm bảo an toàn cho lưu học sinh Việt Nam tại nước ngoài và lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp; Kịch bản điều hành năm học, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ 2021; Chất lượng dạy học trực tuyến ở các cơ sở giáo dục; Xây dựng các nội dung hướng dẫn (qua các kênh trực tuyến) cha mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mầm non ở nhà…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp có ưu nhược điểm riêng nên không thể so sánh thuần túy. Trong đó, xu hướng dạy học trực tuyến ngày càng được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Bậc đại học có thể tận dụng tối đa hình thức dạy học này, còn bậc phổ thông khuyến khích dạy học trực tuyến thay thế từng phần một cách phù hợp, không thay thể hết bởi cấp học này phải đảm bảo yêu cầu dạy học phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Trong điều kiện dịch bệnh thì áp dụng thay thế toàn phần một cách hợp lý theo quy trình chuẩn.

Để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, Bộ trưởng yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành Thông tư quản lý hình thức dạy học này ở bậc phổ thông; bổ sung các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số; ban hành cẩm nang hướng dẫn giáo viên các kỹ năng dạy học trực tuyến; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, kết nối với các nhà mạng, doanh nghiệp để hỗ trợ, định hướng về phần mềm, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dạy và học trực tuyến.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giao các đơn vị chuyên môn phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến trên diện rộng, đưa ra khuyến cáo và giải pháp mở rộng, nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến. Trong đó, chú trọng xây dựng các điều kiện cụ thể đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến ở bậc đại học.

Với tình hình dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát như hiện nay và hầu hết địa phương sẽ cho học sinh trở lại từ tuần sau, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi, tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khác nhau tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo. Đối với thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo Bộ trưởng, "từ khóa" là giữ ổn định và sẵn sàng các phương án tình huống khác nhau.

Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động phát hiện, đề xuất xem xét khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác phòng, chống dịch; triển khai tốt việc dạy học trực tuyến…

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị rà soát, hoàn thiện kho bài giảng trực tuyến phủ khắp từ lớp 1 đến lớp 12 ở các khu vực khác nhau. Sớm giới thiệu cẩm nang dạy học trực tuyến theo hướng cầm tay chỉ việc cho tất cả giáo viên; kết hợp xây dựng video hướng dẫn cụ thể theo các môn học để đạt hiệu quả cao nhất. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ở các cấp học. Trong đó, chú trọng xây dựng các điều kiện cụ thể đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến ở cơ sở giáo dục đại học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.