Hiện thực đam mê với nhạc truyền thống
Mỗi người dân Khmer khi được sinh ra đến lúc chết đi đều được chào đón và tiễn đưa bằng những tiếng nhạc ngũ âm, do vậy đời sống họ gắn bó với loại hình âm nhạc này rất sâu sắc.
Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, để từ đó khi ở nhà hay đến trường các em đều mang theo điệu nhạc này, tạo dòng suối nhạc tưới tắm tâm hồn trở nên nhẹ nhàng bay bổng.
Hiện nay, tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Bạc Liêu (Thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) đang duy trì đội đánh nhạc cụ ngũ âm do chính giáo viên và học sinh trong trường đảm nhiệm.
Điểm tuyên dương tinh thần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Khmer không thể hiện giới hạn trong những khu vực cộng đồng, mà còn có thể lan tỏa trong môi trường giáo dục, đặt những viên gạch bảo tồn âm nhạc vào không gian mới với những thế hệ học sinh.
Hành trang mang vào mái trường THPT nội trú không chỉ là sách vở, quần áo, mà còn là một góc kỉ niệm về âm nhạc. Những em có năng khiếu đánh nhạc ngũ âm bộc lộ từ những bậc học thấp và lên tới bậc cao hơn lại có niềm đam mê mãnh liệt với giai điệu truyền thống.
Không thuộc không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Khmer, các em càng khao khát được “cháy” với nhạc cụ ngũ âm hơn nữa, mong muốn sống với nhạc ngũ âm hơn nữa trong trường học.
Xuất phát từ kiến nghị về điều kiện thực tế, nhu cầu học tập vui chơi giải trí của nhà trường, từ năm 2015 Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu đã cấp cho trường 1 bộ nhạc cụ ngũ âm mới.
Ngành giáo dục tỉnh nhà hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm với các loại nhạc cụ chính thuộc 5 nhóm âm thanh là đồng, sắt, gỗ, da và hơi; từ đó đã quy tụ 6 học sinh là thành viên chủ chốt và mở rộng lên đến khoảng 15 em học sinh, rất nhiều em học sinh yêu thích nhạc ngũ âm cũng muốn đăng kí tham gia.
Trong nhóm biểu diễn, mỗi em nhận đánh 1 loại nhạc cụ phải thành thạo về cách chơi, biết cách phối hợp ăn ý với nhau ở mỗi bài hát, cũng như hiểu được cách hòa phối ghép bài của mỗi loại nhạc cụ.
Em Thạch Hoàng Phúc - học sinh lớp 11CA của trường chia sẻ: “Em học đàn từ những thầy đàn trong chùa đến khi biết chơi từ năm học lớp 7 ở THCS, sau đó em nghỉ 2 năm cho đến khi em vào học lớp 10 (năm học 2016 - 2017) ở trường.
Lúc này đã có dàn nhạc nên em tham gia tập luyện ôn lại kĩ năng, tập đánh những bài hát mới, có nhiều thời gian cùng các bạn ở trường tập thường xuyên, điều chỉnh từng nhịp đánh chính xác hơn”.
Thật không quá khó để hiện thực đam mê với âm nhạc cổ truyền Khmer đối với các em học sinh vốn có ý thức về bảo tồn bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ.
Đây là sân chơi âm nhạc đặc sắc dành cho tất cả học sinh, giáo viên, đem tiếng nhạc cổ truyền từ mái chùa, mái nhà đến mái trường.
Nền tảng sẵn có ở phum sóc, các em dễ dàng đem theo “môn học” này để tiếp tục trau dồi kĩ năng trên ngôi trường nội trú. Không nhiều cơ hội theo đuổi tinh thần từ các nghệ nhân đánh nhạc chánh tông, các em tự hoàn thiện năng khiếu của mình từ chính thầy cô giáo, bạn bè.
Em Thạch Hoàng Phúc thể hiện tay nghề trên nhạc cụ Rô-niêt-đek |
Kết nối bằng sợi dây âm nhạc
Được diễn xướng trong giáo dục do nhà giáo và học sinh thể hiện, âm nhạc tác động rất lớn đến bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của người Khmer nơi đây. Xung quanh đó là những câu chuyện bảo tồn, thiết lập và trẻ hóa đội ngũ kế thừa, song song giữa việc học chữ và tiếp thu văn hóa dân tộc qua âm nhạc.
Giữ gìn tinh hoa trong đời sống âm nhạc, thăng hoa qua từng giai điệu để thấy được tình yêu quê hương, yêu đồng bào, phát huy giá trị kết tinh của văn hóa dân tộc.
Đội đàn ngũ âm quy tụ những em học sinh có năng khiếu đặc biệt và đam mê lâu dài, để có thể tạo thành đội tập luyện, những em học sinh thuộc các khối lớp chủ động về thời gian luyện tập hợp lí.
Thường là sau giờ tan học trong ngày và buổi tối sau 21h, các em dành khoảng 30 phút để tập bài mới, ôn luyện bài cũ, không gian sinh hoạt học tập nội trú khá thuận lợi để các em thực hành.
Nhóm chơi đàn cũng truyền lửa cho những thế hệ đàn em để khối cuối cấp tốt nghiệp sẽ trực tiếp chỉ dạy cho những khối lớp sau giữ tính liên tục trong công tác bảo tồn.
Thầy Lâm Thanh Nhã - phụ trách phong trào văn nghệ của trường cho biết: “Để mở rộng thành viên chơi đàn ngũ âm, sắp tới trường sẽ thành lập câu lạc bộ hoạt động có nề nếp, giáo viên sẽ sắp xếp thời gian hợp lí để tổ chức những buổi hướng dẫn cho những em đam mê học đàn.
Những thành viên đã đàn nhuần nhuyễn sẽ tiếp tục hướng dẫn cho những bạn chưa biết hoặc rèn tay nghề cho những bạn còn đàn yếu.
Được hỗ trợ tối đa về mặt vui chơi giải trí các con em người Khmer đem tiếng đàn ngũ âm phục vụ những dịp lễ lớn của trường như: lễ khai giảng, kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, các lễ hội truyền thống của người Khmer…
Ngoài ra, dàn nhạc của học sinh cũng góp vui cho Hội tòng quân của huyện Hòa Bình, biểu diễn những bài hát liên quan đến chủ đề. Thể hiện sức mạnh của truyền thống dân tộc, các em được kế thừa loại hình âm nhạc độc đáo và đó cũng duy trì tốt trong mọi hoạt động của trường”.
Theo giáo viên và học sinh tham gia chơi đàn ngũ âm ở trường, biết đàn được những loại nhạc cụ xem như là nắm được sợi dây văn hóa âm nhạc, tài năng đàn càng hay, mức độ thấu hiểu loại đàn này càng thâm thúy, đỉnh cao chính là có thể chơi được tất cả các loại nhạc cụ.
Âm điệu mỗi loại nhạc cụ mang màu sắc riêng biệt của người Khmer, mỗi người chơi cũng cần có khả năng thẩm thấu mỗi loại nhạc cụ mà mình đảm trách, vì vậy trong đó điểm khó chính là đánh những nốt nhạc để nhớ âm, hòa âm với những bạn đàn.
Tuy nhiên, điểm khó nhất chính là người đàn phải dưỡng tâm tính ôn hòa thì mới có thể lĩnh hội trọn vẹn. Sự vội vàng nôn nóng muốn chiếm lĩnh mức độ đàn thành bài hát nhanh nhất sẽ khiến những người chơi đàn khó lòng thành công.
Như vậy, tập đàn nhạc ngũ âm cũng là phương tiện dưỡng tâm hồn con người hữu hiệu, giảm bớt tính nóng nảy, thể hiện tính tích cực. Việc giữ tâm bình thản, tập trung với tinh thần thoải mái mới có thể chơi tốt, kết hợp tốt với đồng đội, rèn ý chí kiên trì cho các em từ khi còn nhỏ.
Em Thạch Hoàng Phúc thể hiện tay nghề trên nhạc cụ Rô-niêt-đek
Điểm độc đáo của đàn ngũ âm, ngoài việc quy tụ đầy đủ bộ nhạc, còn có thể kết hợp thêm sáo trúc, bộ gõ, đàn kéo dây… Những em học sinh ngoài đánh những bài hát của người Khmer, còn tập những bài hát có giai điệu lời tiếng Việt về đất nước, con người Việt Nam (Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng), những bài hát nhạc trẻ hiện hành có giai điệu trẻ trung (Vầng trăng khóc…).
Với tay nghề không chuyên, các em học đàn dưới phương thức truyền miệng từ những thầy đàn, từ những giáo viên trong trường hay học tập qua bạn bè, tập luyện linh hoạt theo thời gian biểu của các em nên thời gian sản xuất một bài hát trong vòng 15 ngày hoặc có thể hơn, bỏ đi một loại nhạc cụ sẽ khiến tiếng nhạc trở nên nhạt điệu, cũng giống như âm nhạc cổ truyền phải được truyền thụ cho những thế hệ kế thừa, tiếp quản để không ngừng tạo thêm điệu nhạc để đời lưu truyền về sau.
Như một sợi dây kết nối thế hệ trẻ ngày càng mặn mòi với truyền thống đặc trưng của dân tộc, dàn nhạc ngũ âm trong môi trường giáo dục thể hiện tính mở của văn hóa dân tộc, sự giao thoa giữa không gian văn hóa, không biên giới, phạm vi diễn xướng, nối tiếp thế hệ kế thừa chủ yếu là thanh thiếu niên học sinh trong trường, tạo sân chơi lành mạnh, tích cực hướng tới đội ngũ kế thừa chuyên nghiệp có đam mê, yêu thích. Từ đó, đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer vào mái trường nội trú, làm sáng bừng không gian văn hóa - giáo dục.