Giữ chuẩn cho trường chuẩn: Đau đáu nỗi lo… rớt hạng

GD&TĐ - Được công nhận trường chuẩn quốc gia đã khó, giữ danh hiệu này còn khó hơn.

Trường điểm lẻ, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất để đạt chuẩn.
Trường điểm lẻ, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất để đạt chuẩn.

Nhiều trường đứng trước nỗi lo “rớt chuẩn” khi yêu cầu về tiêu chí trường chuẩn ngày càng cao (công nhận lại và nâng lên mức độ 2), đặc biệt khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. 

Thành thị, nông thôn đều khó!

Trường chuẩn quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT. Việc xây dựng trường chuẩn đã khó, nhưng để giữ được chuẩn càng khó hơn. Vấn đề đặt ra chính là yêu cầu về định mức giáo viên/lớp, sĩ số học sinh/lớp, trình độ giáo viên cùng yêu cầu về cơ sở vật chất (phòng chức năng, nhà hiệu bộ…). Bên cạnh đó, trường học cũng chịu thách thức lớn khi không đáp ứng kịp gia tăng dân số, thiếu quan tâm đầu tư sau khi đạt chuẩn…

Khó khăn, thách thức trên là nỗi lo chung của nhiều trường học vùng thành thị và nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Như huyện Phú Tân (Cà Mau) địa bàn rộng, mạng lưới trường học dàn trải. Khi thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc xoá điểm trường lẻ, sáp nhập, ghép trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia (tăng số lớp, sĩ số học sinh điểm chính, cơ sở vật chất và diện tích của trường không đảm bảo, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày giảm nên một số tiêu chí bị rớt chuẩn). Địa bàn huyện có 26/46 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 19 trường đã đến thời điểm kiểm tra công nhận lại nhưng chỉ có 10 trường còn giữ chuẩn, 9 trường rớt chuẩn về cơ sở vật chất.

Huyện Năm Căn (Cà Mau) có 25/31 trường đạt chuẩn. Huyện là địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đứng đầu của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện gặp không ít khó khăn. Theo ông Phan Thanh Việt, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Năm Căn, một trong những nguyên nhân khiến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia chậm do có nhiều trường được xây dựng trước khi có quy chế công nhận trường chuẩn quốc gia.

Cơ sở vật chất không phù hợp so với quy định chuẩn về diện tích đất/học sinh, phòng chức năng, trang thiết bị… và buộc phải cải tạo lại, đòi hỏi số vốn đầu tư lớn. Tại thị trấn Năm Căn, có thời điểm số lượng học sinh tăng cao nên các trường buộc phải “phá chuẩn” mới có đủ chỗ cho học sinh vào học. Bên cạnh đó, giáo viên của các trường mầm non còn thiếu theo quy định giảng dạy tại trường đạt chuẩn. Vì vậy việc xây dựng trường đạt chuẩn đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó hơn.

Ông Việt cho biết thêm: Càng về sau xây dựng trường chuẩn quốc gia là việc không phải dễ. Huyện còn 6 trường chưa đạt chuẩn (2 trường mầm non; 2 tiểu học; 2 THCS). Ngoài diện tích đất, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất rất lớn vì hầu như phải làm mới từ đầu. 

Công nhận trường chuẩn quốc gia tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang).
Công nhận trường chuẩn quốc gia tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Phải nỗ lực nhiều hơn

Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương, việc thiếu kinh phí đang là nỗi lo lớn trong tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Thực tế đã có trường chuẩn quốc gia được công nhận, qua thời gian cơ sở vật chất xuống cấp, không được đầu tư kịp thời nên có nguy cơ “rớt chuẩn”.

TP Long Xuyên (An Giang) gặp khó trong công tác kiểm tra, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021. Qua kiểm tra, rà soát, đánh giá lại hiện trạng và đối chiếu với 5 tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia của Trường Mẫu giáo Hoàng Lan và các trường: Tiểu học Trần Quang Khải, Nguyễn Khuyến, Bùi Thị Xuân đều gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành hồ sơ công nhận trường đạt chuẩn. Cụ thể: Cơ sở vật chất chưa xây dựng xong; vẫn còn một số giáo viên chưa đạt chuẩn; thư viện chưa đạt chuẩn; diện tích đất để đảm bảo cho học sinh chưa đạt; thiếu phòng học...

Theo bà Võ Thị Xuân Kiều, Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khẩn trương triển khai bổ sung trang thiết bị, sách giáo khoa, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục và bàn giao lại cho trường học. Phòng GD&ĐT hỗ trợ các trường hoàn thành việc xây dựng thư viện đạt chuẩn, có kế hoạch bổ sung, đào tạo giáo viên nâng chuẩn theo yêu cầu.

Chuẩn bị hồ sơ đề nghị Sở GD&ĐT khảo sát và công nhận 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Thành phố Long Xuyên cũng chỉ đạo UBND các phường tăng cường hỗ trợ các trường thực hiện hồ sơ đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất. Phòng Tài chính - Kế hoạch xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí cho nhà trường đảm bảo điều kiện được công nhận đạt chuẩn trong năm 2021.

Chia sẻ việc phấn đấu đạt trường chuẩn, thầy Hồ Nguyên Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (Cà Mau) cho biết: Mơ ước về một trường đạt chuẩn quốc gia của tập thể nhà trường có từ lâu. Khó nhất là việc đáp ứng về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, vì số tiền đầu tư rất lớn.

Năm học 2019 – 2020, trường được huyện xây dựng mới hoàn toàn, có tính đến mục tiêu đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nhiều tiêu chuẩn khác liên quan đến yếu tố con người, trường phải tự nỗ lực để hoàn thiện như: Trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên… Khi những tiêu chuẩn về nhân lực đảm bảo sẽ tác động đến kết quả dạy và học, từ đó tạo được niềm tin trong phụ huynh và xã hội.

Năm học 2020 - 2021, nhà trường tập trung vào chuẩn hóa các tiêu chuẩn để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, yếu tố quan trọng còn lại là con người và chất lượng dạy, học. “Vượt qua những khó khăn, chúng tôi tin tưởng cuối năm học 2021 - 2022 khi những hạng mục còn lại của nhà trường tiếp tục hoàn thiện để sớm được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia”, thầy Hải nhấn mạnh.

Để trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu không dễ dàng. Nhà trường phải bám sát Thông tư hướng dẫn về xây dựng trường chuẩn quốc gia để triển khai từng tiêu chuẩn. Trong số đó có tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; đảm bảo trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đảm bảo hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ... Quá trình xây dựng các tiêu chuẩn trường phải tự đánh giá trước khi đăng ký đánh giá chính thức... - Cô Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Mầm non 28/7, huyện Năm Căn, Cà Mau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...