Giọt nước mắt lấp lánh tình thương yêu

GD&TĐ - Văn chương Nguyễn Minh Châu là những suy tư đa chiều, trằn trọc không yên về cuộc sống và con người.

“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu phản ánh vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa: Nguồn IT
“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu phản ánh vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa: Nguồn IT

Trong Chiếc thuyền ngoài xa, người ta thấy bận bịu vô hạn về tình người, về nhân cách, về thiên chức của người nghệ sĩ... Ám ảnh tâm trí độc giả về hình ảnh người đàn bà làng chài không chỉ vì số phận lạ lùng, mà còn vì một chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhoi – giọt nước mắt của chị.

1.

Đã từng trải qua những giông tố của cuộc đời, từ cuộc tình dang dở, cuộc sống mưu sinh đầy bấp bênh, khó nhọc đến bi kịch khổ đau trước sự hành hạ của người chồng, có lẽ hơn ai hết, người phụ nữ miền biển này đã quá thấu hiểu: Cuộc đời này vốn dĩ không đơn giản mà chứa đựng biết bao hiểm nguy và cạm bẫy, đe dọa, rình rập con người.

Như con chim sợ cành cây cong, chị như con gà mái mẹ đang xòe đôi cánh vững chãi chở che cho đàn con của mình. Lo cho chúng từ miếng ăn, giấc ngủ, người phụ nữ ấy biết chắt chiu, giữ gìn những hạnh phúc đời thường. Đó là những niềm vui thật nhỏ bé, bình dị, đơn giản chỉ là những giây phút vợ chồng con cái hòa thuận, vui vẻ, là những lúc con cái được ăn no cho dù có lẽ những khoảnh khắc ấy là không nhiều trong cuộc sống của chị. Song, người đàn bà hàng chài ấy vẫn cứ nhớ, vẫn cứ nâng niu như là điểm tựa tinh thần bình yên cho thị để sống và nuôi đàn con.

Sự hành hạ của người chồng với chị dường như không trở thành vấn đề, bởi chị sống cho những đứa con chứ không phải cho mình. Vì thế, khi để thằng bé Phác, đứa con trai lớn mà có vẻ như thị đang thiên vị một chút lòng thương yêu, chứng kiến cảnh mình bị chồng đánh đập, hành hạ, chị vô cùng đau đớn.

Sự hi sinh, chịu đựng vốn dĩ người phụ nữ ấy dành lấy cho mình, vậy mà giờ đây, trước cảnh tượng ấy, có lẽ chị nghĩ, mình đang bắt đứa con trai yêu quý cũng phải chia phần cho sự đau đớn, xót xa. Không, chị không muốn thế! Tất cả gánh nặng cuộc đời hãy đổ dồn lên đôi vai của mẹ, các con hãy cứ sống và lớn lên với cuộc đời bình dị, cho dù có lúc biển động phong ba, song biển rồi sẽ lặng sóng, yên bình. Giọt nước mắt của người đàn bà làng chài, bởi thế, quả đã có sức lay động sâu xa trong lòng người đọc. 

Ảnh minh họa: Nguồn IT
Ảnh minh họa: Nguồn IT

2.

Ấn tượng ban đầu của người đọc cũng như nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng và chánh án Đẩu về người đàn bà làng chài, đó là người phụ nữ có số phận kì lạ, nhẫn nhục, cam chịu sự hành hạ của người chồng vũ phu. Cái nhìn ấy chỉ thực sự thay đổi khi ta nghe những lời nói sâu sắc và từng trải của người phụ nữ ấy ở tòa án huyện. Nhưng thực chất, sự sâu sắc và thấu hiếu lẽ đời của chị đã được hòa cùng dòng nước mắt tuôn chảy trong buổi sáng hôm ấy, khi đứa con trai yêu quý của chị chứng kiến cảnh mẹ nó bị bố đánh đập dã man ở bãi xe tăng hỏng, giữa một buổi bình minh trên biển đẹp như một câu chuyện cổ tích.

Trong những giọt nước mắt ấy, điều ta cảm nhận được không chỉ là lòng thương yêu và sự hi sinh vô bờ bến của chị dành cho những đứa con, mà nó còn hé mở cho ta nhiều điều hơn thế. Ở đó, người đọc thấy xa xót bởi nỗi xấu hổ vô vàn và bi kịch đắng cay của một người mẹ, khi những gì chị cố gắng che giấu thì bây giờ đã không còn có thể giấu kín được nữa. Xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh, không để cảnh mình bị hành hạ diễn ra trước sự chứng kiến bởi những ánh mắt thơ ngây của đàn con, người phụ nữ ấy đã nhận tất cả nỗi khổ đau về mình.

Song cái sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời của chị phải chăng là ở chỗ chị hiểu, cảnh tượng ấy sẽ làm tổn thương tâm hồn non nớt của những đứa con. Như một chuyên gia tâm lí thực sự, người đàn bà làng chài thấu hiểu, vết thương ngoài thể xác, theo thời gian, nó có thể lành miệng, nhưng những tổn thương trong tâm hồn con trẻ thì sẽ không dễ gì phôi pha theo năm tháng. Để cho thằng bé Phác chứng kiến cảnh cha đánh mẹ, chị đau xót vì đã gieo vào tâm hồn đứa con trai yêu quý sự tổn thương trong tình mẫu tử.

Thật tội nghiệp và ám ảnh biết bao chi tiết người mẹ vừa khóc, vừa chắp tay vái lấy vái để đứa con. Nó như ẩn chứa dự cảm lo lắng cho sự phát triển lệch lạc trong nhân cách thằng bé. Chị dường như đang cầu mong thằng Phác hãy vì mẹ mà thấu hiểu và cảm thông cho cha nó.

Chị biết rằng, với lòng thương yêu dành cho mẹ, thằng Phác có thể có những hành động dại dột, trái với luân thường đạo lí, chống lại cha để bảo vệ cho mẹ. Và như thế, sau này lớn lên, nó sẽ trở thành người như thế nào, liệu có thể là một người lành lặn về nhân cách được không? Đó thực sự là một bài học lớn để tất cả chúng ta suy ngẫm về phương cách nuôi dạy con cái nên người. 

Giọt nước mắt lấp lánh tình thương yêu ảnh 2

3.

Tự nguyện nhận tất cả nỗi đau khổ, vất vả trong cuộc sống mưu sinh về phần mình, bởi thế, có lẽ đã từ lâu lắm rồi, người phụ nữ làng chài này cũng không mấy khi để cho mình rơi nước mắt, đặc biệt là trước sự chứng kiến của những đứa con. Ấy vậy mà giờ đây, thằng bé Phác đã chứng kiến và thấu hiểu tất cả. Đằng sau khuôn mặt mếu máo và những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt, người đọc và cả thằng bé Phác đều hiểu, người phụ nữ này đã phải chịu đựng một cuộc sống đầy bi kịch khổ đau. Như một quả cam bị bóp mạnh, chị đã chảy nước mắt cho những tủi hờn mà lâu nay mình đã phải cố gắng kìm nén.

Cuộc đời người đàn bà ấy sao quá ít niềm vui mà lắm cơ cực, tủi hờn. Sự chứng kiến của thằng Phác như là một giọt nước làm tràn li, chị không muốn khóc trước mặt con mà sao nước mắt cứ chảy tràn. Người phụ nữ ấy không chỉ khóc vì tủi hổ, vì lo sợ cho những hành động sắp tới của thằng Phác mà dường như chị còn chảy nước mắt cho thân phận của mình.

Một chi tiết nhỏ nhoi, tưởng chừng như chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, ấy vậy mà nó gieo lại trong lòng độc giả bao nỗi xa xót cho thân phận con người trong biển đời mênh mông, vất vả, thấm thía hơn câu nói của nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn – Nam Cao: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thương...

(...) “Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt, và cái thằng nhỏ, lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt” (...)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ