Vẻ đẹp mẫu tính trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu

GD&TĐ - Nếu cái Đẹp là sự sống thì Mẫu tính là nguồn cội của sự sống. Hành trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người của Nguyễn Minh Châu thì viên ngọc quý giá nhất, sáng nhất là Mẫu tính.

Trong sâu thẳm tâm hồn 
người đàn bà làng chài quê mùa, Mẫu tính chính là những hạt ngọc lấp lánh. (Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: IT).
Trong sâu thẳm tâm hồn người đàn bà làng chài quê mùa, Mẫu tính chính là những hạt ngọc lấp lánh. (Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: IT).

Nhà viết kịch người Anh, George Bernard Shaw từng cho rằng: Vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ.

Mẫu tính là tất cả cái phần sâu thẳm như một thứ thiên phú của tâm hồn nữ giới, là bản năng sinh ra sự sống và bản năng hi sinh cho sự sống bằng cả cưu mang, chăm lo, che chở và xả thân. Nếu cái Đẹp là sự sống thì Mẫu tính là nguồn cội của sự sống. Hành trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người của Nguyễn Minh Châu thì viên ngọc quý giá nhất, sáng nhất là Mẫu tính.

1. Lời nhắn gửi quan trọng nhất của một truyện ngắn thường cất lên từ tình huống truyện, từ những gì hiện ra như một khoảnh khắc của đời sống mà tại đó xuất hiện một tương quan bất thường nào đấy.

Cái bất thường của tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa là một nghịch lý oái oăm, trớ trêu: Một bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích, nhưng khi nhìn gần, nhìn vào bên trong thì như một câu chuyện cổ đầy quái đản - đó là thảm trạng bạo hành tồi tệ, dã man, nhức nhối của chính cái gia đình sống trên chiếc thuyền đó: Chồng đánh vợ, con đánh bố; trong cảnh đói nghèo triền miên - những khi ông trời làm động biển, suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…

Đối diện với nghịch cảnh ấy, nhân vật Phùng - nghệ sĩ nhiếp ảnh vỡ lẽ: Hóa ra cái đẹp bề ngoài thường che lấp cái xấu ở bên trong. Đến với cuộc sống, tìm hiểu cuộc sống mà chỉ đứng ngoài, đứng từ xa để ngắm nhìn, anh sẽ chỉ thấy được cái bề ngoài, không bao giờ đến được, thấy được sự thật cuộc đời.

Nghệ thuật phản ánh đời sống mà chỉ chụp ảnh cái bề ngoài dù đẹp đến mức cảnh đắt trời cho, vẻ đẹp toàn bích đi nữa cũng chỉ là thứ nghệ thuật giả dối, cái đẹp giả dối, là cái đẹp phi đạo đức.

Giải mã nghịch lý của tình huống truyện, ta nghe được lời đề nghị của nhà văn Nguyễn Minh Châu về cách nhìn đời và cả lời kêu gọi: Hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống. Muốn vậy, người nghệ sĩ phải hiểu biết cuộc đời cặn kẽ như chính mình làm ra nó.

2. Con người là đối tượng hàng đầu của nghệ thuật, là trung tâm chú ý của người nghệ sĩ cũng như là chủ nhân của cuộc sống. Khi ta nói cách nhìn đời của người nghệ sĩ thì cũng bao hàm trong đó cách nhìn nhận con người.

Khi hướng tới đối tượng trung tâm của mình, tác phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện đời sống và phẩm chất của con người, không chỉ đặt ra và giải quyết những vấn đề nẩy sinh trong quan hệ giữa con người và con người, giữa con người và tự nhiên mà quan trọng hơn là tìm hiểu, khám phá và phát hiện ra những bí ẩn nằm trong chiều sâu những chiều kích khác nhau của con người - một thực thể kì diệu và huyền bí.

Hơn bốn mươi năm trước, Nam Cao đã đặt vấn đề nhìn người trong truyện ngắn Lão Hạc: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố mà tìm hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi (…) không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương. Đó là lời của nhân vật ông giáo - một hóa thân của Nam Cao, đã chỉ ra: Phải nhìn người, phải tìm hiểu con người bằng đôi mắt tình thương.

Với đôi mắt ấy mà ông giáo cũng phải trải qua bao lần ngộ nhận rồi vỡ lẽ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, cho đến khi nhân vật từ giã cõi đời mới hiểu được một con người. Hành trình cố mà tìm hiểu để hiểu, để yêu thương con người mới gập ghềnh làm sao!

Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, một tác phẩm thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc

Con người với tư cách là đối tượng của nhà văn cố mà tìm hiểu trong Chiếc thuyền ngoài xa là người đàn bà hàng chài. Đó là nhân vật có sự đan bện, hợp thành của nhiều nghịch lý.

Nhân vật Phùng - nghệ sĩ nhiếp ảnh, cùng với Đẩu - vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển nghe người đàn bà kể về cuộc đời mình, cùng một lúc thốt lên: - Không thể hiểu được! Quả thật là khó cắt nghĩa nổi khi mà một người đàn bà cần cù, đảm đang, một người vợ tốt mà vẫn bị bạo hành vô cùng tàn bạo: Ba ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận lớn. Trong hoàn cảnh ấy người đàn bà vẫn cam chịu, không chống trả, không kêu van, không trốn chạy, không khóc lóc, tự nguyện chịu đòn roi như là một phần không thể thiếu của cuộc đời mình.

Ấy vậy mà khi thằng Phác - con của chị, chống lại cha - kẻ vũ phu tàn độc, để che chở cho mẹ thì chị lại khóc lóc, van xin con. Chị thà chịu ở tù chứ nhất định không chịu bỏ kẻ hành hạ mình. Người đàn bà ấy chấp nhận cả những điều tưởng như phi lý: Trên thuyền phải có một người đàn ông, dù hắn man rợ, tàn bạo.

Và khi được hỏi: Cả đời chị có lúc nào thật vui không? thì chị khẳng định: Có chứ! Giải mã những nghịch lý trên đây ta nhận được những kết quả bất ngờ, một sự đột biến trong nhận thức về con người như nhân vật Đẩu trải nghiệm: Một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển.

Điều bất ngờ mà thú vị là người giải mã chuỗi nghịch lý ấy lại chính là nhân vật người đàn bà hàng chài. Câu chuyện về cuộc đời đau khổ của chị là sự lý giải, cắt nghĩa đầy sức thuyết phục.

Người đàn bà ấy không phải cam chịu, nhẫn nhục vô lý khi mà hoàn cảnh sống không để cho chị một sự lựa chọn khác. Là người thâm trầm trong việc hiểu thấu cái lẽ đời cho nên đối với người chồng vũ phu, tàn độc, chị là người thấu hiểu nên độ lượng, bao dung.

Đối với đàn con, chị là người mẹ giàu đức hi sinh, thể hiện tình mẫu tử thật xúc động. Chị nói: Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ.

Chị mặc nhiên thừa nhận: Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình. Vẫn biết đó là cái sự lạc hậu nhưng đó cũng là điểm bám víu, là cội nguồn sức mạnh để người đàn bà ấy cứng cỏi chấp nhận hiện thực, và sống tiếp.

Người mẹ nặng gánh mưu sinh ấy luôn tìm mọi cách để bảo vệ thể xác và tâm hồn của con trẻ, chị chỉ khóc khi con bị đánh, và chị cười khi được ngồi nhìn đàn con chúng nó được ăn no. Tình mẫu tử được chị ý thức như một thiên tính đương nhiên của người phụ nữ. Những tổn thương, đau đớn của thân xác và cả tâm hồn rỉ máu, chị đành cam chịu và hóa giải nó bằng tình thương con, bằng trách nhiệm chỉ sống cho con.

Vậy nên, chị từ chối quyết liệt những lời đề nghị ly hôn của Đẩu và Phùng, vì ly hôn chị sẽ không còn bị đòn roi nhưng đổi lại là một gia đình tan nát - điều khủng khiếp nhất của một người mẹ. Chị không có bất cứ một sự lựa chọn nào khác.

Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Minh Châu sáng tạo nên trong cuộc đời sáng tác của mình thì hình tượng người phụ nữ để lại ấn tượng sâu sắc nhất, là những hình tượng để đời, đó là các nhân vật: Quỳ trong tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, nhân vật Thai trong Cỏ lau và người đàn bà không tên trong Chiếc thuyền ngoài xa.

Mỗi nhân vật một số phận, một vẻ đẹp riêng, những diện mạo sâu sắc và phong phú đều là kết tinh tính cách Việt, là khuôn mặt nghệ thuật đích thực thuộc phần ám ảnh nhất của Nguyễn Minh Châu. Vẻ đẹp cốt lõi nhất, cũng thật thâm trầm, nhuần nhị chính là MẪU TÍNH.

Như ai đó đã từng tôn vinh: Vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ. Mẫu tính - đó là bản năng chăm lo, bảo vệ lấy sự sống của con người do người mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra; là tình thương bẩm sinh của nữ tính; là tất cả cái phần sâu thẳm như một thứ thiên phú của tâm hồn nữ giới.

Mẫu tính là bản năng sinh ra sự sống và bản năng hi sinh cho sự sống bằng cả cưu mang, chăm lo, che chở và cả xả thân nữa. Nếu cái Đẹp là sự sống thì Mẫu tính là nguồn cội của sự sống. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu là đi tìm hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người thì viên ngọc quý giá nhất, sáng nhất là Mẫu tính.

Trong sâu thẳm trong tâm hồn người đàn bà hàng chài quê mùa, lam lũ, nhẫn nhục, cam chịu Mẫu tính chính là những hạt ngọc lấp lánh. Hóa ra, cái xấu ở bên ngoài, ở bề nổi cũng thường che lấp những cái Đẹp, những cái cần được chia sẻ, cảm thông ở bề sâu.

Không chỉ có Phùng, Đẩu - người trong cuộc mới vỡ lẽ ra mà người đọc cũng sửng sốt, bàng hoàng để rồi vỡ ra cả một thế giới cảm xúc vừa thương cảm, đau đớn, xót xa, vừa yêu thương, trân trọng và cảm phục.

3. Trước câu chuyện của người đàn bà hàng chài, chánh án Đẩu đã phải rời khỏi chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ. Thế rồi, một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển.

Còn nghệ sĩ Phùng, anh đã có được tấm ảnh ưng ý cho bộ lịch năm đó. Tấm ảnh đen trắng đã được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật, nhưng mỗi lần ngắm kĩ, người nghệ sĩ vẫn thấy hiện lên màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ anh nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nhìn lâu hơn, anh lại thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông...

Thì ra, giải pháp bỏ chồng mà Phùng và Đẩu đưa ra để áp dụng cho người đàn bà là không ổn. Lòng tốt là đáng quý nhưng chưa đủ. Luật pháp là cần thiết nhưng cần phải đi vào đời sống. Cả lòng tốt và luật pháp đều phải được đặt vào những hoàn cảnh cụ thể.

Thiện chí, lý thuyết cần phải gắn với thực tế. Triết lý về cách nhìn con người và cuộc đời, triết lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, vai trò của người nghệ sĩ trong sáng tạo… đó là tất cả những chiêm nghiệm sâu sắc mà Nguyễn Minh Châu đem đến cho người đọc trong thiên truyện Chiếc thuyền ngoài xa.

Nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được nhà văn Nguyễn Minh Châu khắc họa sắc nét theo lối tương phản giữa bên trong và bên ngoài, giữa thân phận và phẩm chất. Vẻ đẹp của hình tượng là những ẩn khuất mà mới nhìn khó có thể đoán định. Đằng sau vẻ xấu xí, thô kệch là một tầm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh.

Đằng sau vẻ cam chịu, nhẫn nhục đến không thể nào hiểu được lại là một bản lĩnh kiên cường, là sự can đảm của người mẹ chắt chiu khát vọng hạnh phúc đời thường. Và sau vẻ quê mùa, thất học của một người đàn bà lao động bình thường lại là sự thấu hiểu, sâu sắc lẽ đời.

Qua những nét khắc họa ấn tượng từ ngoại hình, dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, hành động… nhân vật người đàn bà hàng chài đã trở thành biểu tượng đầy ám ảnh giúp nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Đó là niềm cảm thương và nỗi lo âu cho số phận những con người bất hạnh, khốn khổ trong cuộc sống đói nghèo, tăm tối; đó là niềm cảm thông, thấu hiểu với số phận con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn trong hành trình gian nan, đau khổ kiếm tìm hạnh phúc và sự bình yên, và đó còn là niềm trân trọng, tin yêu với những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn, tính cách những con người nhân hậu, vị tha, sâu sắc và dũng cảm.

Những ẩn khuất sau câu chuyện của người đàn bà hàng chài sẽ luôn sống trong lòng người đọc, đánh thức trách nhiệm của mỗi người với cuộc đời này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.